Nhiều điểm bất thường trong vụ án mua 'nhầm' gỗ sưa?

Luật sư Phan Thiết Hải đã chỉ ra có ít nhất 4 điểm 'bất thường' trong vụ án vướng vòng lao lý vì mua 'nhầm' gỗ sưa bị trộm cắp.

Tiến sĩ - Luật sư Phan Thiết Hải thuộc VPLS ATV – Đoàn luật sư TP HN người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hai bị cáo Tạ Duy Sơn và Hoàng Quốc Anh đã phân tích nhiều điểm bất thường trong vụ án “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Theo Luật sư Hải, vụ án “Trộm cắp tài sản” do Bùi Văn Thuật bị cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, truy tố và xét xử là hoàn toàn không có chứng cứ pháp lý. Bùi Văn Thuật phạm tội bởi cơ quan điều tra Chứng minh phạm tội của Bùi Văn Thuật hoàn toàn trái luật.

Trong hồ sơ vụ án không có chứng cứ pháp lý chứng minh hai bị cáo Hoàng Quốc Anh và Tạ Duy Sơn mua bán tài sản mà biết trước khi mua về nguồn gốc tài sản do người bán phạm tội mà có.

Tiến sĩ - Luật sư Phan Thiết Hải thuộc VPLS ATV – Đoàn luật sư TP HN.

Cụ thể, luật sư Hải phân tích chỉ ra có ít nhất 4 điểm bất thường trong vụ án trên:

Thứ nhất: Vật chứng vụ án.

Vật chứng vụ án là 04 (bốn) khúc gỗ Sưa thu được do Bùi Văn Thuật trộm cắp, CQCSĐT không niêm phong hoặc có bản ảnh hoặc video để chứng minh vật chứng do Thuật trộm cắp và có cơ sở pháp lý giám định và định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Do vậy, hoàn toàn không có chứng cứ vật chứng trộm cắp là của Thuật; Cụ thể hơn là Biên bản sự việc ngày 17/04/2014 (BL 146) thể hiện thu giữ của Thuật 04 khúc: Khúc 1: Dài 1,2m đường kính dưới 8,5cm; đường kính trên 7cm. Khúc 2: Dài 1,05m một đầu đường là 7cm; một đầu đường kính là 3cm. Khúc 3: Dài 1,2m một đầu đường kính là 6cm; một đầu đường kính là 5,5cm. Khúc 4: Dài 1m một đầu đường kính là 19cm; một đầu có hai nhánh đường kính nhánh thứ nhất là 9cm và nhánh còn lại là 9,5cm.

Có thể nói là cành củi thì đúng hơn chứ không thể nói là khúc gỗ vì nó có đường kính quá bé. Khúc cho là Thuật trộm vứt lại CQĐT cũng không có chứng cứ là của Thuật; không xác nhận kích thước cụ thể.Tất cả vật chứng này (tổng là 05 khúc CQĐT thu được) đều không có trong Lệnh nhập kho vật chứng (BL 168); Phiếu nhập kho vật chứng (BL 169) và Biên bản bàn giao nhận vật chứng (BL 170). Do vậy không có căn cứ xác định hành vi phạm tội của Bùi Văn Thuật có hậu quả xẩy ra.

Theo Luật sư, vật chứng thứ hai là số tiền của các bị cáo từ nguồn bất chính do phạm tội mà có CQCSĐT đã “Không niêm phong; giám định; Tại phiên tòa các bị cáo khai còn bị CQĐT thu giữ một số tiền mà không lập biên bản, không niêm phong do không có nhân chứng khi chỉ có các bị cáo và điều tra viên mà các bị cáo ở trong hoàn cảnh yếu thế, Bị cáo Tạ Duy Sơn có yêu cầu HĐXX xem xét số tiền do CQCSĐT CA huyện đã thu của Sơn rồi không giám định, không niêm phong và trả lại cho Sơn NHƯNG hiện nay Sơn yêu cầu giám định vì có nghi ngờ không biết có phải là tiền giả hay không mà Sơn không dám sử dụng. Vi phạm Luật TTHS 2003 quy định tại Điều 65, 74, 75 - (Điều 88, Điều 89; Điều 90; Điều 105; Điều 219 BLTTHS năm 2015).

Đặc biệt, tại thời điểm xẩy ra vụ án 16/04/2014, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng đã Căn cứ theo NĐ số 32/2006 NĐ-CP ngày 30/03/2006 là văn bản pháp luật hết hiệu lực để giám định và kết luận “Gỗ Sưa là loại gỗ thuộc nhóm 1A thuộc danh mục loài thực vật quý hiếm” là vi phạm pháp luật.

Bị cái Tạ Duy Sơn cho rằng anh và bị cáo Hoàng Quốc Anh cần một bản án công tâm.

Bởi lẽ NĐ số 32/2006 NĐ-CP ngày 30/03/2006 của CP đã hết hết hiệu lực và được thay bằng NĐ 160/2013 NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ. Theo NĐ 160/2013 thì “Gỗ Sưa” đã được đưa ra khỏi danh mục loài thực vật quý hiếm không còn là loại thực vật thuộc nhóm 1A thực vật rừng nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại. Do vậy CQĐT định hướng giám định gỗ sưa là gỗ pháp luật cấm khai thác mua bán để giám định là trái luật. Kết quả giám định Viện nghiên cứu công nghiệp rừng kết luận gỗ sưa thuộc nhóm 1A thuộc danh mục loài thực vật quý hiếm là hoàn toàn trái luật.

Thứ 2: Định giá tài sản trong tố tụng trái luật.

Khi định giá lại số gỗ mà hai bị cáo mua của Hội đồng định giá lại huyện Quốc Oai là hoàn toàn trái luật quy định, không đúng thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý làm chứng cứ chứng minh phạm tội của Bùi Văn Thuật. Thẩm quyền định giá lại đúng luật định thuộc về Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp của Hội đồng định giá lần đầu thực hiện.

Hậu quả vật chất cấu thành tội phạm “trộm cắp” của bị cáo Thuật trong vụ án này được chứng minh theo quy định BLTTHS bằng kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng. Nhưng CQĐT đã chứng minh tội phạm của Thuật sai Luật quy định nên có thiệt hại đến quyền và lợi ích của anh Tạ Duy Sơn và Hoàng Quốc Anh.

Đơn của anh Tạ Duy Sơn gửi tới Tòa soạn Pháp luật Plus.

Thứ 3: CQCSĐT; VKS; Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn dân sự là UBND xã Sài Sơn là không đúng.

Bởi lẽ, trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên Tòa UBND xã Sài Sơn Không đưa ra được chứng cứ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản do pháp luật quy định; Không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; Không có đơn yêu cầu giám định tài sản theo tố tụng, định giá tài sản do Thuật trộm cắp để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình theo quy. Do vậy, nguyên đơn dân sự trong vụ án này chưa rõ nếu như không muốn nói là không có nguyên đơn dân sự bị thiệt hại.

Thứ tư: Trình tự thủ tục điều tra vi phạm quy định của BLTTHS.

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra đã không mời người phiên dịch tham gia tố tụng trong trường hợp bị cáo Đinh Công Nghị và Đinh Công Thanh không sử dụng được tiếng Việt thành thạo.

Quyết định phân công “Điều tra viên” (BL 02, BL 03): Phân công ĐTV V. B. X., V. Đ. C., N. Q. Q. theo quy định tại khoản 01 Điều 37 BLTTHS 2015. Những cán bộ Công an khác không được phân công theo luật tố tụng thì không được tham gia vụ án (không được hỏi cung, lấy lời khai của bị cáo, lời khai của người làm chứng và lập biên bản thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản…).

Nhưng tại vụ án này có những cán bộ Công an không được tham gia phân công tham gia vụ án mà vẫn tham gia đó là cán bộ: Cán bộ: H. V. D. (BL 224, 329, 331, 339, 341, 442); Cán bộ: B. H. H. (BL 444, 480); Cán bộ: T. H. Q. (BL 374, 402, 406, 469, 471); Cán bộ: T. V. K. (BL 337, 343, 345, 376, 473, 816, 817, 818)... Do vậy những bút lục này không có giá trị pháp lý trong tố tụng.

Từ những yếu tố nêu trên, Luật sư Hải khẳng định: Không có cơ sở pháp lý bởi do những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố đã dẫn đến HĐXX đánh giá sai chứng cứ; chứng minh phạm tội của Bùi Văn Thuật trái luật định. Không thể coi lời khai của các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn để làm chứng cứ duy nhất để kết tội cho bị cáo Tạ Duy Sơn và Hoàng Quốc Anh.

Vào ngày 29/06/2017, TAND huyện Quốc Oai đã tuyên án đối với hai bị cáo với mức án: Tạ Duy Sơn (SN 1964, trú xóm 3, Đồng Nhân, Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) 8 tháng tù giam và Hoàng Quốc Anh (SN 1972, tổ 1 phường Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) 7 tháng tù giam.

Theo trình bày của anh Sơn, giữa tháng 2/2014, anh lên huyện Yên Thủy (Hòa Bình) chơi và được một người dẫn đi mua gỗ một số khúc gỗ sưa của người dân.

Đến ngày 20/4/2014, khi đang ăn trưa khi cùng với mấy người bạn viếng đám tang ở xã Tân Dân - Phú Xuyên - Hà Nội thì bất ngờ bị công an đến bắt và tạm giam 2 tháng.

Lúc này, cả hai mới được các điều tra cho biết số gỗ mình mua là do Bùi Văn Thuật (trú tại Hòa Bình) trộm cắp được ở chùa Thầy.

Sau đó, Bùi Văn Thuật, Đinh Công Nghị, Đinh Công Thanh (SN 1983, con ông Nghị) cùng Trần Xuân Tứ, Tạ Duy Sơn và Hoàng Quốc Anh đã bị khởi tố và xét xử về các hành vi Trộm cắp, Chứa chấp và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Duy Khương

Nguồn Giao Thông: http://phapluatplus.vn/nhieu-diem-bat-thuong-trong-vu-an-mua-nham-go-sua-d69636.html