Diễn viên Thanh Sơn: Không muốn đóng khung một màu trong diễn xuất

Sở hữu ngoại hình điển trai, Thanh Sơn thường được các đạo diễn nhắm đến các vai 'trai đẹp' với tính cách hiền lành, nhu mì. Nhưng, chính vẻ đẹp ngoại hình ấy lại là trở ngại lớn khi anh khó có thể được thay đổi dạng vai cá tính của mình. Không muốn đóng khung một màu trong diễn xuất, Thanh Sơn đã có sự bứt phá bắt đầu từ vai Khôi 'Cả một đời ân oán' đang khởi chiếu và sắp tới đây là 'liều' với một nhân vật dị thường trong phim 'Người phán xử tiền truyện'.

Chào Thanh Sơn! Được biết sắp tới đây anh sẽ tham gia bộ phim “Người phán xử tiền truyện”, dự kiến được phát sóng online giữa tháng 5 tới. Thanh Sơn chia sẻ về vai diễn của mình?

Kịch bản bộ phim là trước khi câu chuyện bắt đầu, nó không liên quan quá nhiều phần nội dung 47 tập “Người phán xử” đã được phát sóng trên truyền hình. Rất cảm ơn đạo diễn Khải Anh đã nhìn ra một con người hoàn toàn khác về Sơn để cũng gọi là hơi “liều” khi giao cho Sơn vai này. Đây là điều Sơn rất thích ở sự thử thách, thay đổi hoàn toàn hình ảnh của mình, không còn là một Thanh Sơn nhu mì, hiền lành trong “Những người nhiều chuyện”, “Nếp nhà”… Một Thanh Sơn hoàn toàn khác mà khán giả khó tượng tượng được. Là vai diễn thử nghiệm, Sơn đã phải nghiền ngẫm nhiều bộ phim nước ngoài. Bộ phim chỉ có 4 tập nên xin phép được giữ bí mật về nhân vật. Chỉ có thể nói rằng, nhân vật Sơn đảm nhận là vai giang hồ cộm cán có tính cách khó tả, hơi dị biệt. Sơn tò mò, liệu hiệu ứng từ khán giả có thể thay đổi tên gọi Tài đơ “Chạm tay vào nỗi nhớ” mà khán giả thường gọi Thanh Sơn không?

Hóa thân vào dạng vai giang hồ cộm cán, điều này có là một khó khăn và áp lực với Thanh Sơn?

Về tạo hình nhân vật, Sơn phải dán hình xăm khá nhiều. Vốn gương mặt Sơn nhìn thôi đã thấy hiền lành nên cái khó là phải thay đổi “thần thái” hoàn toàn so với những vai diễn trước đây. Tham gia bộ phim, Thanh Sơn có cơ hội “chạm mặt” lần thứ hai với Phan Hải (diễn viên Việt Anh đóng) sau vai diễn đối nghịch trong phim “Chỉ có thể là yêu”. Cả hai anh em suốt ngày phải tập luyện đánh đấm. Vì là câu chuyện xuất hiện trước nội dung “Người phán xử” đã phát sóng nên không có sự xuất hiện nhân vật Thành (diễn viên Hồng Đăng đóng).

Thanh Sơn (bên trái) phải tạo hình xăm khá nhiều trên cơ thể để thay đổi hoàn toàn thần thái so với những vai diễn trước đây trong phim “Người phán xử tiền truyện” . ẢNH: FBNV

Thanh Sơn (bên trái) phải tạo hình xăm khá nhiều trên cơ thể để thay đổi hoàn toàn thần thái so với những vai diễn trước đây trong phim “Người phán xử tiền truyện” . ẢNH: FBNV

Thời gian gần đây, Thanh Sơn phủ sóng hầu hết các bộ phim truyền hình, dường như bạn khá đắt sô diễn?

Để nhận xét quá trình làm nghề, Sơn có sự may mắn khi từ năm thứ nhất ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội đã được giao vai chính trong bộ phim “Nếp nhà”, năm thứ hai là bộ phim “Chỉ có thể là yêu”, năm thứ ba là phim “Chạm tay vào nỗi nhớ” với vai diễn ấn tượng “Tài đơ” đến nay vẫn được nhiều khán giả “nhớ mặt đặt tên”, sau đó là hàng loạt các bộ phim truyền hình khác. May mắn là gần đây, các đạo diễn cũng đã nhìn ra nhiều khía cạnh khác của Thanh Sơn và giao cho mình các vai cá tính, gồ ghề hơn. Chẳng hạn như vai Khôi trong “Cả một đời ân oán” đang phát sóng, là vai diễn cá tính đầu tiên trong sự nghiệp làm phim..

Hiện, “Cả một đời ân oán” đang khởi chiếu phần 2, đảm nhận vai Khôi ở cả hai phần, Thanh Sơn cảm thấy áp lực nhất khi tham gia ở phần phim nào?

Tất nhiên là phần 2 rồi! Đó là vai diễn mà các diễn viên trẻ 9X như Sơn phải hóa thân vào vai diễn ở lứa tuổi già. Ngay từ khi đọc kịch bản phần 1 và biết sẽ có phần 2, Sơn đã suy nghĩ rất nhiều về lối diễn xuất và hóa thân vào hai giai đoạn. Mọi người thấy phần 1, ở vai Khôi hơi sốc nổi, bồng bột, nhiều khi thái quá. Đó là tính toán của riêng Sơn để phần 2 có đất để diễn. Phần 2, Sơn diễn trầm lại, suy nghĩ trong mỗi câu nói để tạo sự khác biệt về tuổi tác.

Thanh Sơn nghĩ sao khi nhiều bộ phim tạo sức hút trên truyền hình hiện nay lại đến từ những bộ phim bộ phim remake – kịch bản Việt hóa như “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử” và “Cả một đời ân oán” ?

Không phủ nhận, phim truyền hình khởi sắc nhờ các kịch bản Việt hóa từ bộ phim nước ngoài. Bản thân Sơn thích điều đó. Bởi vì, chúng ta cần phải thay đổi tư duy làm nghề của các nhà biên kịch trong nước. Trước đây, họ luôn ỷ lại việc độc quyền mà thiếu sự sáng tạo, thiếu kịch bản hay. Và khi nhà sản xuất đầu tư kịch bản nước ngoài về, tự khắc họ mất thế độc quyền và tự phải tìm cách phát triển. Chúng ta nên có sự cạnh tranh trong thị phần phim hiện nay để phát triển nền điện ảnh Việt.

Ngoài phim ảnh, Thanh Sơn còn gặt hái thành công trên sân khấu kịch. Sau giải thưởng Huy chương Vàng vở diễn “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” tại Liên hoan sân khấu Kịch toàn quốc 2018 vừa diễn ra cách đây ít ngày, đến nay bảng thành tích mà Thanh Sơn sở hữu ra sao ?

Sau 4 năm tốt nghiệp khoa diễn viên kịch điện ảnh, ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội và công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 2014, Sơn đã có 2 Huy chương Vàng (HCV) và 1 Huy chương Bạc (HCB). Sau 1 năm công tác tại Nhà hát, lần đầu tiên Sơn giành HCB tại Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ CAND” trong vở diễn “Ai là thủ phạm” (cố tác giả Lưu Quang Vũ) năm 2015. Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016, Sơn đảm nhận vai chính và giành HCV vở kịch “Lời nói dối cuối cùng”. Lần thứ 3 giành HCV vở diễn “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” tại Liên hoan sân khấu Kịch toàn quốc 2018. Điều đặc biệt cả 3 vở diễn đều đến từ tác phẩm của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ.

Nhìn vào bảng thành tích có thể thấy Thanh Sơn đã đủ huy chương để xét tặng danh hiệu NSƯT ?

Bảng thành tích thì đủ nhưng yêu cầu xét tặng danh hiệu NSƯT phải là có thời gian công tác 15 năm. Tuy nhiên, bản thân Sơn không quan trọng lắm về danh hiệu NSƯT, NSND mà quan trọng là sản phẩm nghệ thuật mang lại cho khán giả. Sau khi giành HCV Liên hoan sân khấu Kịch toàn quốc 2018, Sơn rất vui và cảm thấy tự hào. Bởi, công sức mình bỏ ra được ghi nhận xứng đáng. Vở diễn “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” Sơn đầu tư nhiều chất diễn về nhân vật nhất. Bản thân may mắn khi được giao hầu hết vai diễn của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, nhưng Sơn không bao giờ muốn bản thân “giậm chân tại chỗ”, lúc nào cũng muốn tiến lên. Càng làm, càng khó, càng phải đầu tư nhiều chất xám cho vai diễn của mình. Vào tháng 8 tới, một chuỗi chương trình kỷ niệm ngày mất của cố tác giả Lưu Quang Vũ sẽ được dàn dựng, làm mới và diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức Liên hoan Kịch (định kỳ 3 năm một lần hiện nay) bên cạnh mục đích tạo sân chơi cho các nghệ sĩ sân khấu thì còn là nơi các nghệ sĩ sưu tập huy chương để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Quan điểm riêng của Thanh Sơn thế nào?

Thanh Sơn đã chia sẻ rồi, bản thân Sơn vẫn còn trẻ, Sơn không để ý quá nhiều về đạt danh hiệu, vì đó còn là sự ghi nhận của mọi người. Không phải vì thế đến bây giờ, dù đạt được đủ số lượng huy chương mà mình hết cố gắng. Điều bản thân mong muốn là sản phẩm sân khấu kịch được khán giả ghi nhận, trên phim chỉ cần được gọi là diễn viên Thanh Sơn. Đó là điều mà Sơn theo đuổi. Sơn sợ nhất là khi mình là NSƯT rồi mà khán giả không biết mình là ai. Thời điểm hiện tại, Thanh Sơn mong muốn được học hỏi và tích lũy vốn nghề bằng những vai diễn cả trên sân khấu và truyền hình làm thế nào tốt nhất và được khán giả yêu mến.

Cảm ơn diễn viên Thanh Sơn về cuộc trò chuyện !

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dien-vien-thanh-son-khong-muon-dong-khung-mot-mau-trong-dien-xuat-115074.html