Điệp báo T65: Bài ca đi cùng năm tháng

T 65 là đơn vị tình báo duy nhất ở miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và sự hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an và cơ quan tình báo Công an Trung ương. Thời điểm đông nhất, quân số của T65 có 22 người. Bây giờ T65 chỉ còn lại dăm người, ở cách nhau hàng ngàn cây số. Thỉnh thoảng vài năm mới có cuộc tụ họp để hàn huyên. Ít ai biết những chiến công oanh liệt mà lặng thầm của họ. Chỉ có danh xưng T65 anh hùng là mãi mãi tỏa sáng, là bài đi cùng năm tháng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

 Công an tỉnh dâng hương dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Kiều Hảo

Công an tỉnh dâng hương dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Kiều Hảo

Từ Z17, A5

Những năm 1959, 1960 là thời kỳ khó khăn, của cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Diệm - Nhu lê máy chém đi khắp nơi. Nhiều cán bộ, đảng viên của ta ở lại miền Nam hoạt động hoặc bị bắt tù đày, hoặc bị giết, bị vô hiệu hóa. Đau thương, tang tóc phủ dày lên khắp miền Nam.

Địa bàn Trị - Thiên là đầu cầu giới tuyến, là cửa ngõ tiếp nhận sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam. Vì vậy Mỹ ngụy đã tập trung nơi đây một lực lượng quân sự lớn, một bộ máy ngụy quyền chống cộng triệt để, một hệ thống đồn bốt, căn cứ hòng dập tắt phong trào cách mạng tại chỗ và làm lá chắn ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.

Với ta, tình hình đầu những năm 1960 trở đi vô cùng khó khăn, bất lợi: Công tác địch tình, giao thông liên lạc gặp quá nhiều trở ngại đòi hỏi phải chủ động tìm cách đối phó. Tại Vĩnh Linh, từ năm 1958, Bộ Công an đã triển khai tổ công tác Z17 với nhiệm vụ tổ chức đường dây giao thông qua lại giới tuyến để liên lạc với cơ sở miền Nam và đưa người của ta vào sâu trong lòng địch. Vậy nhưng, nhu cầu nắm tình hình địch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi các hoạt động của địch đang gia tăng. Đặc biệt, từ năm 1961 trở đi, Mỹ ngụy tiến hành thực hiện chiến tranh đặc biệt. Tại Trị -Thiên Huế, chúng lập 3 phòng tuyến ngăn chặn từ giới tuyến 17 đến tây Trị - Thiên với mục đích: Tố cộng, diệt cộng đẫm máu ở vùng đồng bằng, nông thôn; xây dựng đồn bốt, dồn dân, lập ấp chiến lược và đánh phá miền rừng núi là căn cứ cách mạng.

Từ thực tế tình hình, năm 1961, Bộ Công an đã biệt phái đồng chí Nguyễn Tô tức Quang Hải là cán bộ trinh sát đầu tiên trở về Quảng Trị hoạt động, nắm tình hình, chuẩn bị nhân lực để thành lập đơn vị tình báo được đặt bí số A5. Năm 1962, A5 được trên bổ sung thêm đồng chí Hồ Vinh là người dân tộc Vân Kiều làm giao thông viên, đồng chí Trần Quý Hai tức Dũng từ Z17 vào, dưới sự phụ trách của đồng chí Quang Hải, tích cực bám đất, bám dân, với sự giúp đỡ tận tình của quần chúng nhân dân đã xây dựng được nhiều cơ sở đặc biệt có giá trị.

Đứng chân trên địa bàn Quảng Trị gần 7 năm (từ tháng 8/1958 đến 5/1965) cán bộ chiến sĩ A5 cùng Z17 (Bắc sông Bến Hải) đã bí mật vượt tuyến với bao gian khổ hiểm nguy, móc nối, xây dựng, phát triển cơ sở, nghiên cứu tình hình địch, tổ chức đường dây giao thông bí mật đơn tuyến để chuyển giao tin tức, tài liệu từ vùng địch ra miền Bắc, đồng thời đưa đón hàng chục lượt cán bộ tình báo và cơ sở thâm nhập vào miền Nam hoạt động.

Năm 1965, để giảm bớt đầu mối, tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tại chỗ đối với công tác tình báo, nhất là sau khi một loạt các đơn vị tình báo từ A1 đến A4 được bàn giao cho An ninh Trung ương Cục và An ninh các địa phương miền Nam, Z17 không còn nhiệm vụ đưa đón cán bộ tình báo cho các tỉnh từ khu V trở vào nữa, tháng 5/1965 Bộ Công an quyết định sáp nhập Z17 và A5 thành đơn vị T65.

...đến điệp báo T65 anh hùng

Theo bản tổng kết lịch sử đơn vị anh hùng T65 thì sau khi được sát nhập từ Z17 và A5 (tháng 5/1965): Lúc này ở miền Nam T65 là đơn vị tình báo độc nhất được bộ và tình báo Công an Trung ương chỉ đạo trực tiếp cả nghiệp vụ và quản lý cán bộ”.

Ông Quang Hải cho biết: “Hậu cứ ban đầu của T65 đặt ở khe ông Dợ, sau đó chuyển về vùng đồi trọc giữa khe ông Dợ và khe Bông, rồi lên khe Chứa, ra khe Trái, rồi vào vùng rừng núi gối đầu trên sông Mỹ Chánh - Ô Lâu, sau lên dốc K8, ra khe Bạc Lá… đơn vị phải di chuyển nhiều nơi, chỗ dăm ba tháng, nơi một năm. Nói chung hậu cứ của T65 là rừng núi của Hải Lăng - Quảng Trị”.

Ngay sau khi thành lập, T65 được tăng thêm quân số, vào thời điểm đông nhất có 22 cán bộ, chiến sĩ được đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ cụ thể. Đó là tìm, xác minh và chắp nối liên lạc với các cơ sở đặc biệt cũ; xây dựng cơ sở đặc biệt vào các cơ quan, trường huấn luyện gián điệp biệt kích của Mỹ-ngụy và các đảng phái phản động nhằm điều tra âm mưu tổ chức và phương thức hoạt động của chúng; tổ chức đường dây giao thông liên lạc từ căn cứ ra Vĩnh Linh và thực hiện những chỉ thị đặc biệt của Bộ Công an. Địa bàn hoạt động của T65 được xác định là Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, đồng thời từng bước tạo điều kiện mở rộng ra các địa bàn xa hơn như Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. Để bảo mật an toàn, T65 hoạt động dưới danh nghĩa là một đơn vị công tác của Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị mang bí số KQ 666.

Chỉ sau khi thành lập một thời gian ngắn, T65 đã triển khai được lực lượng đi nghiên cứu khảo sát và “chấm chọn” các địa bàn để trinh sát đứng chân hoạt động. Đến cuối năm 1965 và đầu năm 1966, vùng giáp ranh đồng bằng liên hoàn đông dân cư thuộc phía Nam tỉnh Quảng Trị và phía Bắc tỉnh Thừa Thiên được xác định là địa bàn có nhiều lợi thế cho ta đứng chân công tác và chiến đấu lâu dài. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an và Cơ quan tình báo Công an Trung ương, sự phân công trách nhiệm rõ ràng của các đồng chí phụ trách đơn vị đã giúp T65 lập được những chiến công xuất sắc. Các cơ sở đặc biệt thường xuyên được phát triển, các mối liên lạc với cơ sở đặc biệt cũ được duy trì ở phạm vi rộng từ Quảng Trị vào đến Sài Gòn với sự giúp đỡ tận tình của quần chúng nhân dân trong vùng địch chiếm. Đối với đường dây giao thông liên lạc của T65, Bộ Công an đã đánh giá là một trong những con đường liên lạc hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đã nhận, chuyển an toàn nhiều tài liệu, phương tiện, đưa đón nhiều lượt cán bộ cơ sở tình báo và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Trị với thời gian rút ngắn có thể là hai ngày một đêm cho mỗi chuyến đi trong bom đạn và những con mắt cú vọ của kẻ thù.

Việc phát hiện sớm ‘’kế hoạch Phượng Hoàng’’ của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy; phát hiện hai tên nội gián của cảnh sát đặc biệt ngụy tại Thành ủy Huế và tên nội gián mang hàm đại úy quân đội ta của phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy đánh vào Cục Tình báo chiến lược miền Trung của ta là những chiến công đặc biệt xuất sắc trong hàng loạt những chiến công xuất sắc của T65.

Nhiều tin tức, tài liệu do những cơ sở đặc biệt của T65 cung cấp mang tính chính xác và độ tin cậy cao như tin tài liệu về toàn bộ âm mưu, tổ chức, phương thức hoạt động của đài Cờ Đỏ - đài giả danh những người cộng sản miền Nam để xuyên tạc, phá hoại nội bộ ta hay tin khẳng định Mỹ ngụy tăng cường lực lượng quân sự củng cố phòng tuyến Dốc Miếu - Cồn Tiên, Đường 9 - Khe Sanh…

Sau Mậu Thân 1968, tình hình ngày càng khó khăn ác liệt, cách mạng miền Nam gặp nhiều tổn thất lớn. Để tăng cường lực lượng cho an ninh địa phương, ngày 29/8/1968 Bộ Công an quyết định bàn giao T65 cho Ban An ninh khu Trị Thiên, tiếp tục giao nhiệm vụ làm công tác điệp báo, hướng dẫn nghiệp vụ cho an ninh địa phương, nghiên cứu khai thác hồ sơ địch, tham gia công tác phản gián, chịu trách nhiệm về công tác địch tình của khu ủy. Với những nhiệm vụ trên giao, T65 với những người lính dạn dày, kiên trung như Phan Xu, Quang Hải, Quang Hưng, Trần Thanh Lâm…, người này ngã xuống, người kia tiếp bước, giữ vững liên lạc, duy trì hoạt động đánh vào lòng địch, chỉ đạo cơ sở đặc biệt, lập nhiều chiến công thầm lặng, góp phần to lớn vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng CAND Việt Nam, đơn vị T65 được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), hai cán bộ của T65 là liệt sĩ Hoàng Kiếm và liệt sĩ Nguyễn Thị Thí đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 2015, một nhà bia tưởng niệm đã được Tổng cục Tình báo Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Trị xây dựng tại xã Hải Lệ, nay thuộc thị xã Quảng Trị, để ghi dấu những tháng năm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của điệp báo T65 anh hùng. 10 cán bộ chiến sĩ của T65 đã hy sinh được khắc tên lên bia. Cứ vào ngày 21/2 hằng năm, các thế hệ tình báo Công an nhân dân lại tổ chức dâng hương, dâng hoa và viếng thăm nhà bia tưởng niệm để nhớ về những năm tháng chiến đấu oanh liệt của cha anh.

Cho đến bây giờ, sau 45 năm chiến tranh đã đi qua, T65 ngày ấy bây giờ chỉ còn trong tâm tưởng nhưng với ông Quang Hải, một trinh sát dày dạn kinh nghiệm, một chỉ huy mưu lược của T65, người có mặt từ đầu đến cuối cuộc chiến vẫn không nguôi nhớ về một thời máu lửa, vinh quang mà ông và đồng đội đã trải qua. Ông nói với chúng tôi rằng: “Cán bộ chiến sĩ của T65 thực sự kiên cường. 15 năm với Z17 và A5, 10 năm của T65 với một chiến trường gian khổ là thế, ác liệt là thế nhưng T65 không hề nao núng, thoái lui. Được cấp trên tin cậy và giao nhiều trọng trách, T65 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng kẻ thù trên nhiều chiến trường đặc biệt là chiến trường Trị - Thiên”.

Ông nhắc lại nhiều kỷ niệm với những đồng đội của mình, về chiến công của họ mà tuyệt nhiên không nhắc gì đến công trạng của chính mình, cho dù khi đó ông là một trong những chỉ huy của T65. Ông Quang Hải nói với tôi rằng: Vẫn còn rất nhiều “chuyện” của T65 chưa “mở”, khi nào có cơ hội, bác sẽ kể cháu nghe. Tôi cứ giục ông mãi, rằng “cháu sẽ giữ bí mật, bác kể cho cháu đi”, nhưng ông chỉ cười mà thôi.! Vâng, tôi hiểu, tình báo vẫn là những bí mật, cả khi người nằm xuống.

Bây giờ, đã ở tuổi ngoài cửu thập, sức khỏe không cho phép ông được rong ruổi trên chiếc xe máy như xưa; không cùng bạn bè, người thân đồng đội cũ đi tìm mộ liệt sĩ hay đi viếng những người đồng đội cũ về cõi vĩnh hằng… Nhưng ông vẫn không nguôi nhiệt huyết “muốn làm thêm chút gì cống hiến cho quê hương là hay chút ấy” như trước đây ông thường nói. Ông chia sẻ: “Quá khứ tỏa sáng nhưng đó là quá khứ chung của tất cả mọi người. Bây giờ, nếu ai hỏi tôi T65 anh hùng ngày ấy bây giờ ở đâu, tôi sẽ nói: Ở trong lòng mọi người. Vậy thôi!”.

Khánh Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148047