Điệp khúc xin hỗ trợ của ngành đường sắt

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa báo lỗ hơn 450 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tính riêng mảng vận tải, và ngành này lại tiếp tục... xin hỗ trợ.

Đường sắt liên tục xin hỗ trợ từ sau dịch bệnh Covid-19.

Hiện đang tồn tại thực trạng các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước được xem là “đại gia” nhưng liên tục báo lỗ và xin hỗ trợ lãi suất, miễn các loại thuế, phí... Trong đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa báo lỗ hơn 450 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tính riêng mảng vận tải, và ngành này lại tiếp tục... xin hỗ trợ.

Lại xin miễn thuế, phí

Thông tin từ VNR cho biết, sản lượng toàn ngành đạt được trong 6 tháng năm 2020 là 3.087 tỷ đồng, bằng 78,6% cùng kỳ năm 2019. Doanh thu chỉ đạt 3.023 tỷ đồng, bằng 80,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, công ty mẹ doanh thu điều hành giao thông vận tải thực hiện 823,8 tỷ đồng, bằng 75,9% cùng kỳ năm 2019.

Tính từ tháng 2 đến thời điểm tháng 5/2020, VNR đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ. Sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, đến nay tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu cũng chỉ đạt trên dưới 56%.

Dù vận tải hàng hóa vẫn duy trì được ổn định, bù đắp cho vận tải hành khách nhưng tính chung doanh thu vận tải vẫn chỉ đạt khoảng 1.631 tỷ đồng, bằng 70% cùng kỳ năm 2019. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2020 lỗ từ hoạt động vận tải khoảng 450,6 tỷ đồng.

Với lý do trên, VNR phàn nàn: Việc hoạt động kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc duy trì dòng tiền phục vụ sản xuất. Trước đó, VNR cũng đã dự báo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2020 rất bi đát với mức lỗ sau thuế dự kiến gần 1.400 tỷ đồng.

Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt thành viên, vừa qua VNR tiếp tục kiến nghị Nhà nước cho các DN này được miễn trích nộp ngân sách nhà nước phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHT ĐS) 8% trên doanh thu vận tải cả năm 2020 (khoảng trên 200 tỷ đồng). Đồng thời xin gia hạn thêm 3 năm việc thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt theo lộ trình để giảm áp lực chi phí đầu tư đầu máy, toa xe mới thay thế.

“Sản xuất kinh doanh của các đơn vị đường sắt tuy bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 nhưng lại chưa được hưởng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các DN bị ảnh hưởng nên rất khó khăn...” - VNR lý giải.

Vẫn là tư duy trông chờ, ỷ lại

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đang có nghịch lý ở đây là dù được cấp ngân sách, được hỗ trợ thường xuyên nhưng VNR giống như “con cưng” mà không chịu bất cứ sức ép nào liên quan đến sản xuất, kinh doanh để làm gia tăng lợi nhuận. Từ trước tới nay, đơn vị này cũng không phải chịu sức ép lỗ - lãi, không phải đối mặt với áp lực phá sản, vất vả tìm kế mưu sinh như nhiều DN khác. Bởi vậy, tư duy trông chờ, ỷ lại này khiến năng lực của DN đường sắt ngày càng yếu kém, trì trệ và lạc hậu.

Nhân con số lỗ khủng cũng như hoạt động trì trệ của ngành đường sắt từ nhiều năm qua, cần nhắc lại dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có thể sau năm 2020 mới thực hiện, nhưng cũng được giới chuyên gia cảnh báo đó là dự án “ném tiền qua cửa sổ” khi tổng mức đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng. Mặc dù theo đánh giá của Bộ GTVT, khi dự án này đi vào hoạt động, sẽ đảm nhiệm vận chuyển 10 triệu tấn hàng hóa/năm và 15 đôi tàu khách/ngày.

Giới chuyên gia cho rằng tuyến đường sắt này khai thác đạt 100% như khảo sát thì cũng mới chỉ giải quyết chưa đến 10% lượng hàng hóa thông qua cảng, trong khi đó lượng vốn đầu tư quá lớn. Như vậy đây cũng là dự án rất lãng phí khi mà hiệu quả không cao. Vì thế cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc kỹ khi tìm giải pháp tối ưu nhất để “giải cứu” ngành đường sắt.

Trở lại việc xin hỗ trợ của ngành đường sắt, sau Covid-19, hàng loạt DN rơi vào tình trạng khó khăn chứ không riêng ngành đường sắt. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, để thoát khỏi tư duy trông chờ, ỷ lại, đã đến lúc ngành đường sắt phải “tự lớn” và tự đứng trên đôi chân của chính mình. Nhà nước không thể mãi hỗ trợ và bao cấp cho ngành này được.

Đường sắt phải tự vận động và thay đổi để thích ứng được với quy luật cạnh tranh, cơ chế thị trường hiện nay. Nói cách khác, muốn ngành giao thông nói chung và đường sắt nói riêng phát triển được thì phải trả lại đúng quy luật cạnh tranh của thị trường.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/diep-khuc-xin-ho-tro-cua-nganh-duong-sat-491413.html