Điệp viên Nga mang danh tính giả đã để lộ thân phận như thế nào?

Cuối tháng 3-2023, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố các cáo buộc đối với Sergey Vladimirovich Cherkasov, một đặc vụ 37 tuổi của Nga đóng giả công dân Brazil để đến Mỹ học tập, nhưng thực chất là để thu thập thông tin tình báo. Nhân vật này đang ngồi tù ở Brazil và phía Nga đã đề nghị nước sở tại dẫn độ công dân của mình.

“Hôm nay, chúng ta đã tạo nên tương lai, chúng ta đã vào được một trong những trường hàng đầu thế giới. Đây là chiến thắng thuộc về tất cả chúng ta - của toàn đội” - Sergey Vladimirovich Cherkasov viết trong một email bí mật gửi tới những người đã giúp anh ta vào được chương trình thạc sĩ ưu tú về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins. Nhưng mãi về sau, nhà chức trách Mỹ mới phát hiện đây không phải là sinh viên đến từ Brazil mà là một đặc vụ tình báo người Nga (gốc Kaliningrad).

Điệp viên Nga dưới vỏ bọc công dân Brazil từng học thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins danh giá ở Washington, Mỹ

Điệp viên Nga dưới vỏ bọc công dân Brazil từng học thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins danh giá ở Washington, Mỹ

Người Brazil tóc vàng và giọng nói kỳ lạ

Theo một loạt cuộc điều tra quốc tế cũng như cáo trạng mà Bộ Tư pháp đã đệ trình tại Tòa án liên bang Hoa Kỳ hôm 24-3, nhân vật Victor Muller Ferreira mà Cherkasov chọn làm vỏ bọc có tiểu sử khá phức tạp. Anh ta được cho là con trai của bà Juraci Eliza Ferreira - một phụ nữ Brazil đã qua đời năm 1993. Sau cái chết của mẹ, Victor Muller được một số gia đình bảo hộ chăm sóc và có thời gian sống xa đất nước. Nhưng trên thực tế, bà Juraci chết trẻ và chưa bao giờ có con.

Hồ sơ của tòa án Brazil và cáo trạng của Mỹ xác định, giấy khai sinh mang tên Victor Muller Ferreira được cấp vào năm 2009, tức là 1 năm trước khi Cherkasov vào Brazil. Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) dường như đã khai thác các lỗ hổng trong hệ thống lưu giữ hồ sơ và nhập cư của Brazil, đồng thời dựa vào sự trợ giúp từ bên trong để có được giấy khai sinh này. Một công chứng viên Brazil đang nằm trong diện điều tra vì đã ký vào nhiều hồ sơ gian lận của Cherkasov để đổi lấy những món quà tặng có giá trị. Dưới danh tính Ferreira, Cherkasov có thêm giấy tờ khác như hộ chiếu, bằng lái xe…

Trong máy tính của Cherkasov còn lưu giữ tài liệu dài 4 trang tiểu sử được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha giống như kịch bản để anh ta làm quen với vai diễn của mình. Sau khi lấy bằng đại học tại Trinity College Dublin ở Ireland, Victor Muller nộp đơn vào 2 chương trình sau đại học ở Washington. Khi theo học tại Đại học Johns Hopkins dưới mác một sinh viên ở độ tuổi 20, Cherkasov (lúc đó 33 tuổi) khiến các giáo sư và bạn học có sự nghi ngờ nhất định.

Giáo sư Eugene Finkel từng dạy Cherkasov tại Đại học Johns Hopkins cho biết, cậu ta “rất thông minh, có năng lực” nhưng có giọng nói kỳ lạ. Ai đã tiếp xúc với thanh niên này đều nghi ngờ về mái tóc vàng và giọng nói khó hiểu của anh ta, nhưng Victor Muller nói mình có nguồn gốc từ Đức và sống ở nước ngoài một thời gian dài nên không thông thạo tiếng Bồ Đào Nha. Khi đó, mọi người không nhận ra một điểm bất thường khác của Victor Muller.

Đó là làm thế nào mà một người có xuất thân nghèo khó, không được cấp học bổng, nhưng lại có thể chi trả học phí và các khoản phí khác trên 119.000 USD trong 2 năm. Sau khi bị bắt ở Brazil, Cherkasov khai rằng anh ta đã trang trải học phí bằng những vụ cá cược đầu tư vào bitcoin. Nhưng hồ sơ của Cục Điều tra liên bang (FBI) cáo buộc anh ta thường xuyên nhận tiền mặt từ cấp trên, sau đó chuyển qua các tài khoản ngân hàng Mỹ và Ireland.

Cơ quan an ninh Mỹ đã phát hiện ra danh tính của Cherkasov và chi nhánh GRU chỉ sau khi anh ta đến Washington. Trong 2 năm ở Washington, Cherkasov đặc biệt thu thập thông tin về phản ứng của quan chức Mỹ cấp cao trước việc Nga tăng cường quân sự chuẩn bị cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Sergey Vladimirovich Cherkasov trong bộ quân phục Nga (trái) và ảnh chân dung đăng trên mạng xã hội Telegram

Đặc vụ Nga sa lưới

Sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ, tháng 3-2022, chỉ vài tuần sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, Cherkasov đã vượt qua vòng kiểm tra an ninh của Tòa án Hình sự quốc tế ở Hague (ICC) và dự kiến sẽ thực tập tại đây trong 6 tháng.

Tại Brazil, Cherkasov bắt đầu thu dọn công việc của mình. Anh ta tìm cách “gặp người chuyển phát nhanh” để được hỗ trợ tiền mặt khi nhận công việc mới vốn không được trả lương. Anh ta cất ổ đĩa máy tính và các thiết bị khác ở những địa điểm bí mật theo con đường mòn trong rừng gần Sao Paulo, sau đó gửi hướng dẫn cho những người phụ trách về những điểm bí mật này. Anh ta cũng thảo luận về các cuộc họp với người quản lý trong thời gian công tác tại ICC cũng như đề xuất lý do có thể thỉnh thoảng quay về Brazil.

Ngày 31-3-2022, khi đáp chuyến bay tới Amsterdam, Cherkasov không biết lưới đang giăng sẵn. Thời điểm đó, Cơ quan tình báo Hà Lan đã nhận được tin báo Đại sứ quán Nga ở Hague đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của một nhân vật quan trọng. Nhà chức trách Hà Lan sau đó cũng nhận được một hồ sơ từ FBI với thông tin về Cherkasov, nó chi tiết đến mức họ hiểu đây là đối tượng đã bị theo dõi trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Cherkasov bị chặn tại sân bay, bị thẩm vấn trong vài giờ. Lực lượng chức năng cũng rà soát các thiết bị và sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để so sánh ảnh trên hộ chiếu với ảnh của Cherkasov trong những ngày còn ở Kaliningrad. Phía Hà Lan sau đó buộc anh ta phải lên chuyến bay trở về Brazil.

Cherkasov bị giam giữ khi vừa quay lại Brazil. Ban đầu, anh ta phủ nhận mình là đặc vụ Nga và chắc chắn có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, trước khi bị trục xuất về Brazil, Cherkasov đã gửi tin nhắn đến một người phụ nữ Nga mà anh ta quen biết nhiều năm, nhờ giúp liên lạc với một trong những cấp trên ở GRU. Nhà chức trách Brazil đã khai thác máy tính của Cherkasov cùng các thiết bị khác và tìm thấy một kho bằng chứng, bao gồm email gửi cho nhà quản lý người Nga, chi tiết về “điểm chết” trao đổi thư từ, hồ sơ chuyển tiền bất hợp pháp và chi tiết mâu thuẫn về cuộc đời hư cấu của mình. Tin tức nhanh chóng lan truyền trong số các bạn học và thầy giáo của Cherkasov tại Đại học Johns Hopkins. Không ai thất vọng hơn Giáo sư Finkel - một người gốc Ukraine đã từng viết thư giới thiệu ủng hộ việc Cherkasov nộp đơn vào ICC. “Tôi sẽ không bao giờ vượt qua được sự thật này. Tôi cảm thấy vui khi thân phận anh ta đã bại lộ” - ông viết trên một bài đăng Twitter.

Bịt lỗ hổng để ngăn ngừa xâm nhập

Quá trình chờ xét xử, Sergey Vladimirovich Cherkasov có lúc thú nhận việc đã giả danh để trốn khỏi Nga vì anh ta đang bị truy nã vì phạm tội liên quan đến ma túy. Cuối cùng, anh ta phải thụ án 15 năm tù tại Brazil vì tội giả mạo giấy tờ. Tòa án tối cao Brazil gần đây đã chấp thuận tạm thời yêu cầu dẫn độ của Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến thăm Brazil vào cuối tháng 4-2023, làm tăng khả năng Matxcơva sẽ tìm cách đảm bảo việc trả tự do cho Cherkasov. Mặc dù vậy, tòa án Brazil đã tuyên bố không thể dẫn độ người này cho đến khi cảnh sát liên bang kết thúc cuộc điều tra tập trung vào các hoạt động nghi ngờ làm gián điệp của Cherkasov.

Vụ việc cho thấy còn có lỗ hổng sau hơn 1 thập kỷ sau khi FBI bắt giữ 10 điệp viên Nga trong một cuộc truy quét gây chú ý trên toàn cầu. Cáo trạng được công bố mới đây là kết quả cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, trong đó các đặc vụ FBI có quyền truy cập vào các thiết bị bị chính quyền ở Brazil thu giữ cũng như được phép gặp mặt trực tiếp gián điệp bị buộc tội ở Sao Paulo. Không rõ liệu với tội danh hoạt động gián điệp, gian lận ngân hàng, gian dối thị thực… phía Mỹ có yêu cầu dẫn độ Cherkasov hay không, nhưng họ đang cân nhắc biện pháp có tính răn đe, nhằm ngăn chặn mạng lưới điệp viên của Nga.

Vụ Cherkasov cũng khiến các quan chức Brazil giật mình về tính dễ bị gian lận trong hệ thống giấy tờ. Chính phủ nước này đang thiết lập quy trình, thủ tục mới để ngăn ngừa khả năng gian lận. Vụ án cũng đặt ra những câu hỏi khó cho Đại học Johns Hopkins như cần làm gì thêm để sàng lọc các ứng viên, liệu có nên hủy bỏ bằng cấp của Cherkasov hay không và nhà trường nên làm gì với các khoản thanh toán học phí mà có lẽ đã gián tiếp nhận được từ các cơ quan tình báo Nga.

Theo (Theo Washington Post)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/diep-vien-nga-mang-danh-tinh-gia-da-de-lo-than-phan-nhu-the-nao-post536351.antd