'Điệp vụ thế kỷ'

Tình báo Mỹ từng bí mật do thám nhiều quốc gia thông qua việc thâu tóm một công ty mã hóa của Thụy Sĩ. Đây là thông tin được tờ The Washington Post và đài truyền hình ZDF của Đức tiết lộ mới đây.

Crypto AG, một công ty Thụy Sĩ, là nhà cung cấp thiết bị mã hóa thông tin liên lạc hàng đầu cho khoảng 120 quốc gia trong giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới đầu thế kỷ 21. “Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiều chính phủ trên khắp thế giới gửi gắm niềm tin vào một công ty để giữ bí mật những thông tin liên lạc của các điệp viên, binh lính và nhà ngoại giao của mình. Tuy nhiên, không một ai trong số các khách hàng biết rằng công ty này lại thuộc sở hữu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có mối quan hệ đối tác bí mật với tình báo Tây Đức. Các cơ quan tình báo này “làm trò” với các thiết bị mà công ty bán cho khách hàng, nhờ đó họ có thể dễ dàng đọc được các tin nhắn mã hóa của chính phủ các nước”, tờ The Washington Post khẳng định.

Theo các tài liệu mật của CIA mà tờ The Washington Post có được, vào năm 1970, CIA và Cơ quan tình báo Đức (BND) đã mua lại Crypto AG trong một chiến dịch chung mang mật danh “Thesaurus”, sau được đổi tên thành “Rubicon”. Đây được đánh giá là một trong những chiến dịch tình báo táo bạo nhất trong lịch sử CIA và cũng là một trong những bí mật thời Chiến tranh Lạnh được che giấu kỹ lưỡng nhất. “Đó là điệp vụ thế kỷ. Các chính phủ nước ngoài đã chi những khoản tiền lớn cho Mỹ và Tây Đức chỉ để các thông tin liên lạc bí mật của mình bị ít nhất là 2, có thể là 5 hoặc 6 quốc gia khác đọc được”, tờ The Washington Post dẫn kết luận từ các tài liệu mật của CIA.

Lãnh đạo Ai Cập, Mỹ và Israel gặp nhau tại Trại David vào năm 1978. Tại đây, tình báo Mỹ đã bí mật theo dõi mọi cuộc trao đổi của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat với Cairo. Ảnh: AP.

Theo tờ The Washington Post, chiến dịch “Thesaurus” hay “Rubicon” đã đem lại lợi thế lớn về thông tin tình báo cho phía Mỹ. Ví dụ như khi lãnh đạo Ai Cập, Israel và Mỹ gặp nhau tại Trại David vào năm 1978 để đàm phán hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, tình báo Mỹ đã bí mật theo dõi mọi cuộc trao đổi của Tổng thống Anwar Sadat với Cairo. CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám chính phủ Iran trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979. Tình báo Mỹ cũng đã nghe lén phản ứng của giới chức Libya về vụ đánh bom tại một hộp đêm ở Berlin (Đức) vào năm 1986…

CIA đánh giá chiến dịch “Thesaurus” hay “Rubicon” thành công ngoài mong đợi. Vào thập niên 1980, trong số tất cả các thông tin liên lạc của nước ngoài mà tình báo Mỹ “bẻ khóa”, 40% là từ các thiết bị mà Crypto AG bán ra. Cùng lúc đó, CIA và BND "bỏ túi" hàng triệu USD lợi nhuận được các cơ quan này sử dụng để phục vụ cho nhiều điệp vụ khác. Các tài liệu mật của CIA cho biết để bảo đảm chỗ đứng trên thị trường, Crypto AG cùng các chủ nhân bí mật của mình đã thực hiện nhiều chiến dịch bôi nhọ tinh vi nhằm vào các công ty đối thủ, đồng thời hối lộ hàng loạt quan chức chính phủ các nước.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Trung Quốc và Liên Xô chưa bao giờ mua các thiết bị của Crypto AG do nghi ngờ nguồn gốc của công ty. Năm 1995, tờ Baltimore Sun đã đặt nghi vấn về mối liên hệ giữa tình báo Mỹ và Crypto AG , khiến một số quốc gia quyết định ngừng mua các sản phẩm của công ty này.

Theo tờ The Washington Post, vì lo lắng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” cộng với việc không hài lòng với chuyện CIA điên cuồng do thám cả đồng minh thông qua các thiết bị của Crypto AG, BND đã rút khỏi công ty vào đầu thập niên 1990 và CIA đã mua lại số cổ phần của tình báo Đức. Các quan chức tình báo phương Tây tiết lộ sau khi BND rút khỏi Crypto AG, CIA còn mở rộng chiến dịch bí mật thâu tóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực mã hóa. Nhờ những khoản lợi nhuận kếch xù từ hoạt động của Crypto AG, CIA đã bí mật thâu tóm được một công ty thứ hai và chống lưng cho một công ty khác. Mặc dù vậy, các tài liệu mật của CIA không tiết lộ chi tiết về các thực thể này. Trước sự “lên ngôi” của nhiều ứng dụng mã hóa tiên tiến hơn, CIA đã phải bán lại Crypto AG cho hai doanh nghiệp tư nhân vào năm 2018. “Mặc dù vậy, hoạt động của Crypto AG vẫn liên quan tới hoạt động gián điệp hiện nay. Phạm vi và thời gian hoạt động của Crypto AG cho thấy khát khao tột độ do thám toàn thế giới của Mỹ vốn trước đây đã từng bị Edward Snowden phơi bày hồi năm 2013”, tờ The Washington Post nhận xét.

Cả CIA lẫn BND đều từ chối bình luận về những thông tin được báo chí đăng tải trong khi chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố tiến hành điều tra vụ việc. Tuy nhiên, phát biểu của ông Bobby Ray Inman, người từng là Phó giám đốc CIA giai đoạn cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 dường như phần nào đó đã xác thực cho những thông tin mà tờ The Washington Post và đài truyền hình ZDF của Đức tiết lộ. “Đó là nguồn thông tin rất giá trị về nhiều khu vực trên thế giới vốn rất quan trọng với các nhà hoạch định chính sách Mỹ”, tờ The Washington Post dẫn lời ông Bobby Ray Inman.

Hầu hết các nhân viên từng làm việc tại Crypto AG đều không hay biết gì về bí mật được xem là “động trời” của công ty. Trong các cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post, các cựu nhân viên Crypto AG cho biết vụ việc khiến bản thân họ và khách hàng của công ty cảm thấy bị phản bội. “Bạn nghĩ rằng mình làm việc tốt và bảo đảm an toàn cho việc gì đó. Thế rồi bạn nhận ra rằng mình lừa dối khách hàng”, ông Juerg Spoerndli, một kỹ sư điện từng làm việc trong 16 năm tại Crypto AG chia sẻ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/diep-vu-the-ky-610312