Diệt ác ôn tại sào huyệt địch

Ông Lê Hữu Nghĩa hiện ở P. 5, Q. Gò Vấp, TPHCM, 57 năm tuổi Đảng, là người con của xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Nhớ lại chiến công tiêu diệt tên trùm phản động Bùi Quang Sạn năm 1967, có được chiến công đó ông và đồng đội đã nhờ vào sự che chở của người dân.

Ông Lê Hữu Nghĩa hiện ở P. 5, Q. Gò Vấp, TPHCM, 57 năm tuổi Đảng, là người con của xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Nhớ lại chiến công tiêu diệt tên trùm phản động Bùi Quang Sạn năm 1967, có được chiến công đó ông và đồng đội đã nhờ vào sự che chở của người dân.

Ông Lê Hữu Nghĩa kể chuyện chiến đấu.

Ông Lê Hữu Nghĩa kể chuyện chiến đấu.

Như bao người con xa quê, mỗi khi nói về xứ Quảng, ông Nghĩa lại linh hoạt hẳn. Vùng Gò Nổi không xa đập Vĩnh Trinh nên vụ thảm sát tàn khốc mà Quốc dân đảng gây ra trong cuộc khủng bố cán bộ ở lại và gia đình có con em tập kết đầu năm 1955 không ai không biết. Mối căm thù ấy theo ông suốt chặng đường kháng chiến. Năm 1956, theo lệnh của tổ chức, ông vào Sài Gòn, làm ở tổ hiệp thương Hiệp định Genève, bị địch bắt giam, phải lánh sang Campuchia rồi trở về công tác trong Hội Liên hiệp thanh niên. Năm 1965, ông chính thức hoạt động trong đội vũ trang tuyên truyền giải phóng quân Sài Gòn- Gia Định. Vậy là ông bắt nối cơ sở và thanh niên hình thành tổ tam tam, rồi tiểu đội, trung đội đi rải truyền đơn, treo cờ... trên xe khách, dưới tàu thuyền, nơi đông người. Có lần nhóm của ông vào rạp chiếu phim ở Gò Vấp, khống chế nhân viên chiếu phim tắt đèn, treo cờ giải phóng, tuyên truyền về Mặt trận DTGPMNVN. Cũng thời gian này, ông nhận lệnh theo dõi đường đi của Bùi Quang Sạn, ủy viên trung ương Quốc dân đảng, phụ trách xứ bộ miền Trung, trực tiếp chỉ huy Tỉnh bộ Quốc dân đảng Quảng Nam, đại biểu quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Tên này có võ, rất gian manh, đi đâu cũng lận khẩu súng trong túi, nhiều lần bị ta trừ khử nhưng đều thoát. Qua cơ sở, ông Nghĩa biết Sạn vào sẽ ở nhà vợ hai mà y tìm cách o ép lấy bằng được khi chị này đã có chồng đi tập kết. Căn nhà ở đường Lê Quang Định, Gò Vấp lọt vào tầm ngắm của các chiến sĩ tổ vũ trang. Xin phép chỉ huy Sáu Tường (tức đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, sau này là Chủ tịch UBND TPHCM, đã mất) và được đồng ý, ông Nghĩa cùng đồng đội Lê Văn Lược và Lê Văn Dũng dân gốc Duy Xuyên quyết tâm tiêu diệt tên Sạn. Vũ khí tổ trang bị gồm có súng K54, Colt 12, thuốc nổ TNT. Tuy nhiên, do Sạn luôn cảnh giác nên mấy lần theo dõi, tổ công tác vẫn không thể hành động được.

Giữa năm 1967, báo chí đưa tin Bùi Quang Sạn "hạm đội trưởng hạm đội sát Cộng" thoát nạn khi đơn vị vũ trang Quảng Nam đánh úp trụ sở Quốc dân đảng đóng tại Hội An và tiêu diệt nhiều tay chân tên này. Cuối tháng 11, đầu tháng Chạp năm đó, cùng với không khí đón Tết, ông Nghĩa nhận được tin Sạn vào Sài Gòn họp quốc hội. Ba anh em lên phương án chiến đấu, quyết tận dụng thời điểm hiếm có. Bởi khi ấy, một số nhà đã đốt pháo sớm đón Tết nên tiếng nổ sẽ ít bị nghi ngờ hơn bao giờ hết. Mẩu giấy sáp có con dấu đỏ chót làm bản án cũng đã được in sẵn với dòng chữ: "Đội quyết tử Mặt trận DTGPMNVN Khu ủy Sài Gòn-Gia Định". 22 giờ, nhờ cơ sở báo, biết Sạn đã về nhà vợ và đang ở phòng khách, ông chỉ huy Lược và Dũng lên hai chiếc xe máy rồi nhanh như chớp đột nhập cổng trước. Như đã được huấn luyện, Dũng bắn phát đầu tiên vào ngực tên ác ôn. Y gục xuống. Nghe tiếng kêu của vợ y từ nhà dưới chạy lên, ông Nghĩa bắn bóng đèn khiến nhà tối om, che đậy hiện trường. Lược tiếp tục bồi hai phát vào Sạn. Ông Nghĩa rút trong túi ra bản án tử hình đặt vào ngực kẻ phản động và cùng đồng đội nhanh chóng lên xe máy rú êm. Ngoài đường, ông Nghĩa nghe lao xao các thiếu niên đi chơi đêm nói với nhau: "Nhà bà Liên năm nay đốt pháo to quá!". Biết là chưa bị lộ, tổ công tác bình tĩnh lái xe về Bình Thạnh, vứt súng vào bụi chuối rồi về chợ Bà Chiểu thong thả uống cà-phê. Lúc này xe cảnh sát mới hú còi inh ỏi trên đường phố về hướng Gò Vấp...

Ngày hôm sau báo chí Sài Gòn loan tin vụ ám sát chấn động, khẳng định Bùi Quang Sạn đã chết, xác y được đưa về trụ sở quốc hội. Thú vị là sau đó, ông Nghĩa được tin Quảng Nam đã cử biệt động vào theo dõi Sạn mà không biết rằng tổ công tác ở đây đã ra tay trước. Sau thành tích này, ông Nghĩa đi báo cáo tình hình với Khu ủy Sài Gòn. Đội tuyên truyền vũ trang phân khu 5 được Mặt trận DTGPMNVN thưởng huân chương Chiến công hạng Nhất. Nhiều cơ sở lúc ấy báo lại, sau khi tên Sạn bị kết liễu, bà con quê Duy Xuyên từng có người thân bị tên này sát hại đã gửi lời cảm ơn đội vũ trang đã trả thù cho họ.

Trải qua nhiều nhiệm vụ, năm 1972, ông Nghĩa bị bắt đày ra Côn Đảo cho đến ngày giải phóng. Ông làm ở Q. Gò Vấp và về hưu sớm khi sức khỏe kém, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho những thành tích của mình trong kháng chiến.

Ông Nghĩa nói với giọng đượm buồn: "Sau này, chúng tôi nghe nhiều thông tin khác nhau về cái chết của Bùi Quang Sạn. Nhưng sự thật chỉ một mà thôi. Nhiều người hiện còn sống ở phường 5 này như các anh Phan Thế Dũng, Phan Thanh Hùng đều biết chúng tôi trừ khử tên trùm phản động. Tiếc là hai anh Lược và Dũng trong tổ công tác ngày ấy đều đã hy sinh. Tôi lại không giữ được kỷ vật chung của ba anh em là tấm huân chương của Mặt trận".

Theo ông Nghĩa, sau ngày giải phóng, theo yêu cầu của Ban thi đua Q. Gò Vấp, ông giao hai Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì (thành tích trước khi bị bắt) để đổi lại tấm bằng mới thì bị thất lạc. Ông đã nhiều lần hỏi cơ quan chức năng nhưng không tìm được từ đó đến nay. Cũng sau ngày giải phóng, Quảng Nam có cử người hỏi thăm để làm hồ sơ khen thưởng. Ông Nghĩa lúc này là Trưởng phòng Giao thông vận tải Q. Gò Vấp và các cơ sở khu vực đã kể lại chi tiết sự việc, nhưng thông tin cũng chỉ dừng ở đó.

Về hưu, sống bình yên với con cháu, người cựu biệt động Sài Gòn vẫn không quên một thời hào hùng. Ông nói rằng, bà con đồng hương xứ Quảng từ trước đến nay vẫn luôn hướng về quê nhà. Không có lực lượng tin cậy này, ông và tổ công tác không thể làm được việc chấn động như năm 1967 ấy.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_206987_diet-ac-on-tai-sao-huyet-dich.aspx