"Diệt" thực phẩm bẩn: Cần xử nghiêm vi phạm

(HQ Online)- Theo ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- để hạn chế thực phẩm bẩn “hoành hoành” dịp Tết Nguyên đán, không có biện pháo nào khác là xử lý nghiêm vi phạm nhằm răn đe đối tượng kinh doanh.

Cơ quan chức năng đang tiêu hủy toàn bộ nguyên liệu chế biến mứt bẩn. Ảnh: Hồng Thương.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, thực phẩm bẩn có nhiều “đất sống”... Mang nỗi lo này chuyển tới ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, vị này thể hiện quyết tâm sẽ sát cánh cùng các phương tiện truyền thông, cơ quan quản lý, người dân để phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế thừa nhận, để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn đe dọa người dân, cơ quan chức năng trong đó có cả cơ quan y tế phải chịu vi phạm.

Tuy nhiên vị này cho rằng không phải lúc nào, thời điểm nào những cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm tại địa phương cũng tận tâm với công việc khiến cho công tác đấu tranh với sai phạm về thực phẩm càng trở nên khó khăn.

Dẫn chứng về điều này, ông Phong kể một câu chuyện cách đây không lâu ông nhận được tin nhắn của người dân báo về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm tại một địa phương. Ngay lập tức ông đã cho người dân báo tin số điện thoại cán bộ phụ trách địa phương đó nhằm thông báo sự việc.

“Tuy nhiên hai ngày sau người dân kia đã gọi điện cho tôi yêu cầu cắt chức ngay lập tức vị cán bộ địa phương vì thái độ thờ ơ với thông báo của người dân. Ngay lập tức tôi đã gọi điện cho vị cán bộ nêu trên để yêu cầu xử lý nếu không sẽ kiến nghị biện pháp xử lý cách chức", ông Phong kể lại.

Chưa kể, ông Phong thừa nhận, hiện có một số nơi cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm còn xuê xoa, chưa làm hết trách nhiệm.

Chẳng hạn khi tiến hành thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh bếp ăn tập thể cho công nhân, phát hiện sai phạm song lại không yêu cầu ngừng kinh doanh vẫn tiếp tục cho hoạt động và gây ngộ độc và biện minh rằng nếu ngừng ngay không cho tiếp tục chế biến, công nhân sẽ không có cơm để ăn. Hay tình trạng theo báo cáo của nhiều địa phương, số cuộc thanh tra hàng năm lên tới vài trăm cuộc song số vụ xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Qua những câu chuyện nêu trên có thể thấy rằng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, sự cố gắng của một người, một cơ quan là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành.

Vậy nên Cục trưởng An toàn thực phẩm cũng cho rằng, để hạn chế thực phẩm bẩn đầu độc người dân cơ quan này sẽ đề nghị xử lý vi phạm thực phẩm bẩn ở khung hình phạt cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm, nhất là với các cơ sở tái phạm. Thậm chí đề nghị với trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan Công an xử lý.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc gắt gao song số vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn phát hiện không những không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng, ông Phong cho rằng: Không phải số vụ ngày càng gia tăng mà đó là kết quả của công tác thanh, kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó do sự phát triển của mạng xã hội, của các phương tiện thông tin đại chúng nên các vụ việc vi phạm được cập nhật thường xuyên, nhanh, kịp thời hơn.

Kết thúc câu chuyện của mình Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, bản thân ông nói riêng và Cục An toàn thực phẩm nói chung sẽ kiên quyết xử nghiêm sai phạm về thực phẩm bẩn bởi nếu không làm nghiêm, người dân sẽ không biết tin vào đâu , tình trạng này kéo dài người dân sẽ mất lòng tin vào cơ quan quản lý!

"Khi người dân mất niềm tin thì đương nhiên vai trò của cơ quan quản lý không thể xem là hoàn thành.", Cục trưởng An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-han-che-thuc-pham-ban-can-xu-nghiem-vi-pham.aspx