Điều bất ngờ giữa khu phi quân sự liên Triều nguy hiểm

Vắng bóng con người trong hơn 70 năm, khu phi quân sự liên Triều đã trở thành nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật hoang dã.

Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) là một trong những biên giới bày bố vũ khí quân sự dày đặc nhất thế giới. Dọc theo đường phân cách biên giới giữa Hàn Quốc với Triều Tiên dài 250km là những hàng rào dây thép gai, các bãi mìn dày đặc.

Trong hơn 70 năm qua, nơi đây hầu như không có sự can thiệp của con người, tạo điều kiện cho hệ động thực vật hoang dã phát triển. Mới đây, Google đã công bố ảnh chụp khu DMZ trong tuần này sử dụng công nghệ Google Street View, cung cấp thông tin hiếm hoi về quang cảnh bên trong vùng đất không có người ở.

Đây là một phần trong dự án hợp tác giữa Google với một số viện nghiên cứu của Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ký hiệp định Đình chiến Triều Tiên vào năm 1953. Theo nội dung hiệp định, 2 bên nhất trí rút lực lượng quân sự lùi sâu 2km tại vị trí đang kiểm soát, tạo ra khu phi quân sự có chiều rộng 4km dọc biên giới phân chia giữa 2 miền.

Dự án đem đến cơ hội cho người xem được “tham quan trực tuyến” khu DMZ nhờ tính năng Google Street View, với điểm nhấn là những di vật văn hóa, di sản gần khu DMZ như những tòa nhà bị tàn phá trong chiến tranh, boongke ẩn nấp.

Loài đại bàng vàng sống tại khu DMZ và các khu vực lân cận. Ảnh - Viện Sinh thái học Quốc gia Hàn Quốc/Google

Loài đại bàng vàng sống tại khu DMZ và các khu vực lân cận. Ảnh - Viện Sinh thái học Quốc gia Hàn Quốc/Google

Tuy nhiên, thu hút sự chú ý hơn cả là những bức ảnh chụp hơn 6.100 loài động thực vật, từ bò sát, chim cho tới những loài cây hiếm tại khu DMZ. 38% trong số 267 loài động vật được xếp vào hạng có nguy cơ tuyệt chủng của Hàn Quốc đang sống tại khu vực này.

Trên trang web của hãng, Google cho biết: “Khu DMZ gần như không có sự can thiệp của con người trong hơn 70 năm, do đó, môi trường thiên nhiên đã có cơ hội phục hồi và tạo ra hệ sinh thái mà các thành phố không có cũng như trở thành khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã”.

Các loài động vật sinh sống tại khu DMZ có thể kể đến như loài dê núi đã được xếp vào danh sách các loài nguy cấp, loài hươu xạ, loài rái cá,... Loài đại bàng vàng thường bay tới các khu dân sự giáp biên giới vào mùa đông và được người dân cho ăn.

Loài dê núi sống tại vùng núi đá ở khu DMZ. Ảnh - Viện Sinh thái học Quốc gia Hàn Quốc/Google

Ngoài ra, nhiều hình ảnh trong số trên được chụp bởi camera do Viện Sinh thái học Quốc gia Hàn Quốc lắp đặt tại khu DMZ.

Trước đó, vào năm 2019, lần đầu tiên trong 20 năm, những camera này chụp được hình ảnh một con gấu đen châu Á - loài vật đã suy giảm số lượng nghiêm trọng do nạn săn bắt trộm và môi trường sống bị tàn phá trong những năm qua.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN vào năm 2019, ông Seung-ho Lee, Chủ tịch Diễn đàn DMZ - tổ chức thực hiện các chiến dịch bảo vệ hệ sinh thái, di sản văn hóa tại khu DMZ, cho biết khu vực này đã trở thành nơi cư trú cho các loài chim di trú trong bối cảnh môi trường sống của loài vật này bị thu hẹp ở cả 2 miền Triều Tiên.

Khung cảnh nguyên sơ tại khu DMZ. Ảnh - Vườn thực vật DMZ/Google

Nhiều ý kiến tại cả 2 miền Triều Tiên và các tổ chức môi trường quốc tế đã kêu gọi thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại khu DMZ trong nhiều thập kỷ nhưng quá trình này đòi hỏi sự hợp tác của cả Seoul và Bình Nhưỡng.

Vài năm gần đây, công tác này đạt một số tiến triển khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết biến khu DMZ thành “khu hòa bình” vào năm 2018. Năm kế tiếp, Hàn Quốc mở tuyến đầu tiên trong 3 “tuyến đường hòa bình” phục vụ số ít du khách tham quan khu DMZ.

Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây khi Bình Nhưỡng phóng số tên lửa kỷ lục trong năm 2022. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng tăng cường tập trận cùng Mỹ trong khu vực.

Hoàng Anh (Theo CNN)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dieu-bat-ngo-giua-khu-phi-quan-su-lien-trieu-nguy-hiem-d582837.html