Diễu binh rầm rộ, Hải quân Nga lại phô bày điểm yếu?

Các chuyên gia Mỹ cho rằng việc tàu sân bay duy nhất của Nga không thể tham dự diễu binh kỷ niệm 322 năm thành lập hải quân đã phần nào chỉ ra điểm yếu của lực lượng này.

Ngày 29/7, Hải quân Nga điều động 40 tàu chiến các loại rầm rộ diễu binh trên dòng sông Neva, chảy ngang thành phố St.Petersburg nhân dịp kỷ niệm 322 năm thành lập lực lượng.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố luôn có hàng chục tàu chiến và tàu ngầm bảo vệ lợi ích của nước Nga mỗi ngày tại các vùng biển trên thế giới.

"Trong hơn 300 năm qua, hạm đội luôn đảm bảo Liên bang Nga giữ vị thế một cường quốc biển đủ khả năng cương quyết bảo vệ lợi ích quốc gia", ông nói và nhấn mạnh niềm tự hào về lực lượng hải quân của đất nước. Nhà lãnh đạo cũng khẳng định các lực lượng trên biển của Nga luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ và duy trì khả năng tác chiến tinh nhuệ.

Tuy nhiên, CNN lại cho rằng chính cuộc diễu binh trên nước đã phô bày nhiều điểm yếu của hải quân Nga.

Buổi lễ đáng lẽ phải là màn ra mắt của khinh hạm tàng hình mới Đô đốc Gorshkov. Tàu chiến 4.500 tấn là tàu đầu tiên trong nhóm 6 khinh hạm thế hệ mới, dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2025, theo Tass.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Nga cho biết Gorshkov và 11 tàu còn lại trong đội hình có kích thước quá lớn để tiến vào sông Neva. Tổng thống Putin đã đích thân đến cảng Kronshtadt của thành phố để chào thủy thủ đoàn nhóm tàu không thể tham dự diễu binh.

Tàu chiến Nga ngày 29/7 diễu binh trên dòng Neva, chảy qua thành phố St.Petersburg. Ảnh: Reuters.

Tàu chiến Nga ngày 29/7 diễu binh trên dòng Neva, chảy qua thành phố St.Petersburg. Ảnh: Reuters.

Trụ cột của tương lai

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đánh giá khinh hạm mới sẽ là trụ cột trong tương lai của hải quân nước này. Các nhà phân tích cũng đánh giá tàu chiến mới của Nga có tốc độ và uy lực đáng gờm, sẽ nâng cao năng lực tác chiến cho hải quân Nga.

"Loại khinh hạm mới tuy là tàu chiến cỡ nhỏ nhưng lại được vũ trang tối tân, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Paul Schwartz nhận định trong một nghiên cứu năm 2016 về chương trình tàu chiến lớp Gorshkov.

Khinh hạm Đô đốc Gorshkov. Ảnh: Bộ quốc phòng Nga.

Carl Schuster, cựu chỉ huy Trung tâm Thông tin Tình báo Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói Gorshkov là một phiên bản nâng cấp vượt trội so với các tàu chiến lớp cũ.

Ông cho biết các tàu chiến thế hệ mới sẽ mang theo tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh, có thể tìm ra mục tiêu nhanh hơn các tàu chiến Mỹ cùng loại.

Theo Schuster, đây sẽ là lợi thế của tàu chiến mới của Nga so với tàu Mỹ, cụ thể là các khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường Arleigh Burke. Loại tàu tác chiến ven bờ (LLC) của hải quân Mỹ cũng có kích cỡ tương đương với lớp Gorshkov nhưng thất thế về hỏa lực.

Trong khi đó, theo báo cáo tháng 5/2018 của Viện Hoàng gia về Các vấn đề Quốc tế Chatham House, London, dự án Gorshkov (mang số hiệu 22350) mất gần một thập niên mới hoàn thành. Dự án đã nhiều lần bị trì hoãn tiến độ và gặp trục trặc khi thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không.

Điểm yếu của hải quân Nga

Tham gia cuộc diễu binh ngày 29/7 còn có nhiều chiến hạm tối tân của hải quân Nga như tàu đổ bộ Ivan Gren đủ khả năng chở 13 xe tăng chủ lực, khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường Nguyên soái Ustinov nặng 10.000 tấn và tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Oryol. Với trọng lượng 24.000 tấn, tàu ngầm này cũng là thành viên "nặng ký" nhất trong nhóm tàu diễu binh.

Tuy nhiên, sự kiện rầm rộ tại St.Petersburg cuối tuần qua lại vắng bóng tàu sân bay duy nhất của hải quân Nga. Sau hơn 1 năm tham gia chiến dịch ở Syria, tàu Đô đốc Kuznetsov đang được sửa chữa và tân trang từ tháng 5. Tàu chỉ có thể trở lại hoạt động sớm nhất là vào tháng 11.

Theo ông Schuster, tàu Đô đốc Kuznetsov cho thấy điểm yếu của Nga chính là công tác bảo trì.

"Người Nga thường tập trung vào đóng tàu trước tiên, sau đó là đến phạm vi hoạt động, khả năng huấn luyện được xếp thứ 3, còn bảo trì thì nằm ở tận số 4", cựu quan chức hải quân Mỹ cho biết.

"Tàu Kuznetsov thực chất cần được nâng cấp và bảo trì nhiều hơn những gì mà phía Nga công bố sẽ thực hiện. Tàu có thể rơi vào cảnh lạc hậu khi rời cảng bảo trì vào năm 2021", ông ước đoán.

Hoạt động diễu binh kỷ niệm ngày thành lập hải quân Nga tại cảng Sevastopol. Ảnh: Tass.

Ngành đóng tàu của Nga đang gặp nhiều vấn đề, theo CNN. Đầu tháng 7, truyền thông Nga cho biết khinh hạm Đô đốc Kasatonov, tàu thứ 2 thuộc lớp Gorshkov, buộc phải dời hạn bàn giao thêm 1 năm vì các vấn đề liên quan đến động cơ. Chiếc Đô đốc Gorshkov cũng mất gần 10 năm để phát triển và đưa vào hoạt động, sau nhiều lần trì hoãn tiến độ và trục trặc kỹ thuật.

Báo cáo của Chatahm House nhận thấy Nga không chỉ gặp trục trặc đối với việc đóng tàu chiến lớp Gorshkov mà còn với nhiều loại tàu khác của hải quân, đặc biệt là tàu chiến mặt nước. Theo báo cáo này, vì các giới hạn về năng lực của ngành công nghiệp đóng tàu tại Nga, hải quân Nga trong 10 năm tới sẽ là sự kết hợp giữa các tàu chiến lớn kế thừa và các tàu chiến nhỏ thế hệ mới.

Tàu mặt nước có kích thước lớn sẽ cần được hiện đại hóa, tân trang và trùng tu liên tục như trường hợp của như tàu sân bay Kuznetsov. Các xưởng đóng tàu Nga sẽ không đủ khả năng theo đuổi các dự án tàu trọng tải lớn thế hệ mới trong tương lai gần. Trong khi đó, lực lượng tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ sẽ bao gồm các tàu chiến cũ và nhiều tàu chiến mới với hệ thống vũ khí hiện đại.

Phó đô đốc Alexander Fedotenkov, Phó Tư lệnh Hải quân Nga, ngày 10/7 cho biết Moscow sẽ thêm vào biên chế 19 tàu mới trong năm nay, nâng tổng số tàu chiến của hải quân Nga lên con số 280 tàu.

Tuy nhiên, ông Schuster cho rằng con số tàu chiến mới được bổ sung thực tế sẽ thấp hơn.

"Phía Nga thường tính gộp tất cả các tàu đang hoạt động, gồm cả tàu tuần tra và các tàu vừa xuất xưởng sau khi hoàn tất trùng tu. Cách tính này tạo ấn tượng hải quân Nga tăng đáng kể về số lượng, nhưng thực tế chỉ có khoảng 6 tàu chiến mới", ông cho biết.

Nga công bố hình ảnh dàn vũ khí thế hệ mới Nga vừa công bố hình ảnh thử nghiệm dàn vũ khí thế hệ mới được ca ngợi là bất khả chiến bại, gồm tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa liên lục địa Sarmat và ngư lôi Poseidon.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dieu-binh-ram-ro-hai-quan-nga-lai-pho-bay-diem-yeu-post864495.html