Điều cần ở một chính phủ hành động

Ngày 1-3, ông Hoàng Huy Hùng, Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, cho biết cơ quan này đã ban hành quyết định đình chỉ công tác bảy công chức Kho bạc Nhà nước thành phố Nam Định vì những người này đã bỏ công việc đi lễ đền Trần trong giờ hành chính vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Bảy người bị đình chỉ công tác gồm: giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng cùng bốn công chức khác. Quyết định đình chỉ có hiệu lực kể từ ngày 1-3 và không nêu thời hạn.

Ảnh do Báo SGGP cắt từ clip của VTV.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam Trần Minh Dũng cho biết công ty này đã ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc điện lực Bình Lục do đi lễ trong giờ hành chính. Ông Nghị bị miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Điện lực Bình Lục và điều động đi làm Quản đốc phân xưởng xây lắp sửa chữa điện thuộc Công ty Điện lực Hà Nam trong thời hạn ba năm, kể từ ngày 5-3-2018.

Năm 2018 như vậy đã khởi đầu với những động thái xử lý khá nghiêm minh và quyết liệt đối với những vi phạm kỷ luật công chức ở cấp địa phương nhằm lập lại kỷ cương trong bộ máy quản lý nhà nước.

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Thái Trường Giang, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau về vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, rà soát việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại chín địa phương, đơn vị (tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An; huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, Daklak; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đà Nẵng). Đồng thời đã kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh gia đình Phó chủ tịch UBND huyện An Dương, Hải Phòng có sáu người cũng giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền; người thân trong gia đình Bí thư và Phó bí thư Huyện ủy Kim Thành, Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện.

Theo Thủ tướng, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ: Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, và công khai kết quả xử lý.

Làm được như vậy thì những động thái đó sẽ thể hiện Chính phủ đúng là một “chính phủ hành động”, “chính phủ liêm chính”.

Cần nói rằng vấn đề kỷ luật công chức, kỷ cương trong bộ máy quản lý nhà nước từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, đáng lo ngại, và là trở lực lớn trong việc triển khai các chủ trương, chính sách từ cấp cao. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nhiều lần than phiền về tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” trong bộ máy quản lý nhà nước. Tuy vậy, qua thời gian, vấn đề chẳng những không được khắc phục mà còn có xu hướng trầm trọng thêm, có khả năng vô hiệu hóa mọi chủ trương đúng đắn của Chính phủ như chủ trương dẹp bỏ các giấy phép con làm xấu môi trường kinh doanh.

Chính vì vậy, một chính phủ muốn là chính phủ hành động, kiến tạo phát triển, liêm chính không thể coi nhẹ việc xử lý nghiêm minh mọi biểu hiện xem thường kỷ cương phép nước của chính bộ máy quản lý, mọi biểu hiện nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức. Có như vậy mới có thể lấy lại và xây dựng lòng tin nơi người dân vào tính hiệu quả và trong sạch của bộ máy quản lý, để người dân đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc phát triển đất nước.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269735/dieu-can-o-mot-chinh-phu-hanh-dong.html