Điều chỉnh chính sách giải quyết các vấn đề về người cao tuổi

Trước việc tỷ lệ người cao tuổi ngày càng được nâng lên thì sự quan tâm đến người cao tuổi (NCT) cần được thể hiện cụ thể hơn nữa thông qua những chính sách của Nhà nước, cùng với sự chung tay của xã hội.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Dự báo đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người. Trước thực trạng này, các tổ chức có liên quan đã kêu gọi xã hội có một cách nhìn nhận tích cực hơn về NCT ở Việt Nam, biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội.

Với tốc độ già hóa quá nhanh và thời gian chuyển giai đoạn từ dân số vàng sang giai đoạn dân số già quá ngắn, nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong chăm sóc y tế và an sinh xã hội cho NCT, nếu không có những giải pháp kịp thời.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nhấn mạnh, tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. NCT cần được bảo đảm cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc, tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của NCT.

Việc quan tâm hơn nữa tới NCT sẽ giúp NCT không trở thành gánh nặng đối với xã hội. (Ảnh: Đăng Quý)

Việc quan tâm hơn nữa tới NCT sẽ giúp NCT không trở thành gánh nặng đối với xã hội. (Ảnh: Đăng Quý)

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cũng cho rằng thời kỳ già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, tăng cường sự tương tác trong xã hội và mối quan hệ liên thế hệ.

Có những tỉnh, TP tuổi thọ trung bình cao như Hà Nội, Thái Bình, TP HCM... Số cụ già hơn 100 tuổi của cả nước cũng tăng hơn. Tuy nhiên, theo bảng tổng sắp của thế giới, tuổi thọ khỏe mạnh của người dân nước ta chưa cao. Trung bình mỗi NCT Việt Nam phải chịu gần 8 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, cho nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT là vấn đề rất lớn.

Các nhà khoa học đã tính toán: Nếu như chăm sóc y tế cho một đứa trẻ cần một đồng thì chăm sóc cho NCT cần tới tám đồng. Ðối với NCT, sự chăm sóc đòi hỏi chi phí ngày càng cao hơn khi chuyển từ cơ cấu bệnh tật nhiễm trùng sang cơ cấu bệnh về chuyển hóa, bệnh không lây nhiễm như: tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tai nạn, thương tích... đòi hỏi chi phí cho chăm sóc y tế lâu dài, cao hơn và rủi ro bị tàn tật cũng tăng hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 95% NCT có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Trong khi số lượng NCT đang tăng lên nhanh chóng và cần được chăm sóc sức khỏe thì hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi này.

Tại tuyến T.Ư chỉ có một BV Lão khoa, các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe NCT.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị chính sách cho Việt Nam như: Thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hóa dân số cho giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, xóa bỏ các rào cản về tuổi tác trong các chính sách, lưu ý tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để bảo đảm NCT có thể tham gia vào hoạt động kinh tế - xã hội; phát triển dịch vụ cho NCT tại cộng đồng, các mô hình câu lạc bộ NCT, trung tâm chăm sóc ban ngày, ngắn ngày tại cộng đồng.

Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều NCT, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với NCT… Cùng với đó, rà soát và điều chỉnh các pháp luật, chính sách liên quan đến NCT như: Luật NCT, Luật BHXH... để bảo đảm giải quyết tốt hơn các vấn đề về NCT cũng như có quy mô dân số hợp lý, hạn chế sự gia tăng tốc độ già hóa dân số.

Đăng Quý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dieu-chinh-chinh-sach-giai-quyet-cac-van-de-ve-nguoi-cao-tuoi-140660.html