Điều chỉnh chính sách lương hưu, không thể cào bằng

Kết quả của nhiều cuộc khảo sát cho thấy, mức lương hưu hiện nay không đủ lo trang trải cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả tăng nhanh càng khiến lương hưu không đủ cho chi dùng sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 592.000 người nghỉ hưu từ trước năm 1995 có mức lương hưu khá thấp. Có 60% số này nghỉ hưu sớm trước tuổi và 1/3 trong số này từng công tác trong lực lượng vũ trang. Tính từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã có 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức lương bình quân. Tuy nhiên, mức lương hiện nay của người về nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, thấp nhất hiện nay là 3 triệu đồng/người, cao nhất là 8 triệu đồng/người.

Nhiều người về hưu trước năm 1995 đang có mức lương hưu quá thấp.

Nhiều người về hưu trước năm 1995 đang có mức lương hưu quá thấp.

Thế nhưng trên thực tế, 3 triệu chưa phải là mức lương hưu thấp nhất. Theo Bảo hiểm xã hội, cả nước hiện có hơn 3.200 người hưởng lương hưu dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Phần lớn là cán bộ xã chuyên trách, giáo viên mầm non…

Tại nghị trường Quốc hội, khi trả lời chất vấn về vấn đề lương hưu của người về hưu trước năm 1995 còn quá thấp, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận, đây là điều day dứt của ngành lao động trong quá trình làm chính sách.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích, do mức đóng bảo hiểm xã hội trên nền tiền lương rất thấp, nên tiền lương hưu đương nhiên bị thấp. "Phải làm sao đóng trên tiền lương thực, là thu nhập, để khi đang làm việc có thể tích góp khi về già sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn" - ông Dĩnh phân tích.

Ông Dĩnh cũng nêu quan điểm, lương hưu là dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, người đóng nhiều hưởng nhiều, người đóng ít hưởng ít, không thể chia sẻ hay cào bằng được.

“Một trong những nguyên tắc quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội là đóng hưởng với mục đích để bù đắp và khuyến khích sự cống hiến cống hiến về thời gian cũng như là công sức của người lao động. Thời gian đóng càng nhiều và đóng góp càng lớn thì đương nhiên mức hưởng lương hưu khi về hưu càng cao. Đó là phần được thụ hưởng từ khoản tiền bảo hiểm xã hội đã đóng góp trong quá khứ. Vì thế không thể bắt người đã đóng bảo hiểm chia sẻ hay cào bằng được. Như thế là không công bằng với người đã đóng bảo hiểm", ông Dĩnh nhấn mạnh.

Với câu hỏi, làm thế nào để cải thiện cho nhóm người lương hưu quá thấp, ông Dĩnh đề xuất nên có chính sách an sinh nào khác chứ không thể vì những người này mà làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng khẳng định, để giải quyết căn bản vấn đề này cũng như để người về hưu phải có cuộc sống ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu chung của xã hội thì cần phải gắn với tổng thể trong cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước. Nếu tiền lương thấp mà cứ yêu cầu lương hưu cao thì không bao giờ đáp ứng được.

Trong Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có đưa ra hai phương án, nếu điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội là 10%; nếu điều chỉnh từ ngày 1/1/2022, mức tăng là 15%.

Theo ông Dĩnh, hai phương án này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều đã tính trên cơ sở mức trượt giá, khả năng tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng về quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên mỗi một phương án đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Nếu tăng trong năm 2021 rõ ràng sẽ khó khăn cho Chính phủ. Còn nếu chuyển sang 1/1/2022 thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để có điều chỉnh ngân sách như vậy sẽ thuận lợi hơn./.

Thanh Hương/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/dieu-chinh-chinh-sach-luong-huu-khong-the-cao-bang-852654.vov