Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên đến năm 2030

Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Dự án có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 200,27 ha.

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2030. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.

Theo đó, điều chỉnh quy hoạch các công trình quản lý, điều hành bay: hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, hệ thống hàng rào, quy hoạch sử dụng đất.

Đối với Quy hoạch các công trình quản lý, điều hành bay, hệ thống đèn tiếp cận sẽ trang bị hệ thống đèn cho hướng tiếp cận đầu 35 của đường cất hạ cánh theo cấu hình CAT I, bố trí phù hợp với điều kiện thực tế. Điều chỉnh ranh giới phía đầu 35 của đường cất hạ cánh để bảo đảm hệ thống đèn tiếp cận nằm trong phạm vi ranh giới của cảng.

Đối với Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, xây dựng đường công vụ đồng bộ với hệ thống tường rào cho toàn cảng hàng không. Điều chỉnh quy hoạch giảm phạm vi tuyến đường công vụ phía Nam khu quân sự; bổ sung tuyến đường công vụ khu vực phía Nam cảng chạy dọc theo đường cất hạ cánh kết nối tới phạm vi đài kiểm soát không lưu hiện hữu.

 Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2030, với tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng.

Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2030, với tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng.

Hệ thống tường rào bảo vệ xung quanh Cảng hàng không được xây dựng phía ngoài đường công vụ của Cảng.

Về quy hoạch sử dụng đất, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Điện Biên đến năm 2030 khoảng 200,27 ha; gồm: diện tích đất hàng không dân dụng quản lý: 26,82 ha; diện tích đất dùng chung: 145,68 ha; diện tích đất do quân sự quản lý: 27,77 ha.

Trong đó, diện tích đất bổ sung là 0,04 ha và diện tích đất hoàn trả địa phương là 1,16 ha. Phần diện tích đất hoàn trả địa phương này sẽ được bàn giao vào thời điểm phù hợp, sau khi xây dựng đường cất hạ cánh mới và không còn nhu cầu sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu.

Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2025, sân bay Điện Biên sẽ xây dựng 1 đường lăn rộng 15 m nối đường băng vào sân đỗ máy bay dân dụng mới; xây dựng sân đỗ máy bay bảo đảm đáp ứng tiếp nhận được 4 máy bay, gồm 3 vị trí đỗ máy bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ máy bay ATR72 hoặc tương đương, đồng thời tiếp tục sử dụng sân đỗ máy bay hiện hữu.

Theo quyết định phê duyệt, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ quy hoạch bảo đảm phù hợp với nội dung quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, cơ quan này sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý và thực hiện quy hoạch phù hợp quy định hiện hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch các công trình để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu khai thác và đầu tư phát triển.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh dài 2400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.

Đồng thời, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, đến năm 2030, quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm:

14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc).

14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

2 cảng hàng không quốc nội (Thành Sơn và Biên Hòa) được hình thành từ việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.

Đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dieu-chinh-cuc-bo-quy-hoach-cang-hang-khong-dien-bien-den-nam-2030-76694.html