Điều chỉnh giá điện - Nhìn từ nhiều phía

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian vừa qua đều được điều chỉnh tăng là một trong những lý do phải tăng giá bán lẻ điện kể từ ngày 20/3.

Đại diện lãnh đạo EVN và chuyên gia tham gia buổi tọa đàm (Ảnh: K.D)

Đại diện lãnh đạo EVN và chuyên gia tham gia buổi tọa đàm (Ảnh: K.D)

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Điều chỉnh giá điện - Nhìn từ nhiều phía” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/3, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian vừa qua đều được điều chỉnh tăng là một trong những lý do phải tăng giá bán lẻ điện kể từ ngày 20/3.

Cụ thể, theo ông Tuấn, giá than bán cho điện sản xuất tăng từ 2,61% đến hơn 7% tùy từng loại than, đã tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Giá than năm nay được điều chỉnh đồng thời với giá điện hôm 20/3. Theo đó, than của Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam tăng hơn 3% và Tổng công ty Đông Bắc hơn 5%, tăng hơn 2.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số nhà máy điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam tăng khoảng hơn 1.900 tỷ đồng. Chưa kể một số loại chi phí khác của đầu vào phát điện cũng tăng, như giá khí, chênh lệch tỷ giá... “Việc tăng giá điện một mặt thực hiện đầy đủ theo Quy định 24 của Chính phủ, nhưng phải xem xét cân đối vĩ mô, phân bổ dần khoản nợ phải treo, tính toán ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thông tin tại tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết thêm, hiện EVN cũng chỉ cung cấp khoảng 50% điện toàn hệ thống, còn lại phải mua của các nhà sản xuất độc lập. Do đó với các yếu tố khách quan khi chi phí đầu vào tăng, áp lực tăng giá điện là rất lớn. “Khi lập phương án tăng giá điện 2019, EVN đã xem xét tối đa điều độ hệ thống điện nhằm đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế. Tăng giá điện là điều EVN không mong muốn nhưng đây là việc bắt buộc phải làm để bảo đảm cho các nhà sản xuất điện có đủ điều kiện hoạt động”, ông Đinh Quang Tri nêu quan điểm.

Với góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng điện là khâu đầu vào của cả nền kinh tế và tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân nên phương án tăng giá điện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo ông Lực, việc tăng giá điện thời điểm này là cần thiết. Bởi lý do chính của việc tăng giá điện là để tiến dần đến kinh tế thị trường trong ngành điện, minh bạch hóa ngành điện. Trước đây giá đầu vào còn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước nhưng nay giá đầu vào là không bảo trợ. Trong chi phí đầu vào, 76% tác động chi phí sản xuất điện nên tác động lớn. Chính phủ cũng đang yêu cầu tiến dần theo hướng thị trường.

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp không đơn thuần là mong giá điện thấp mà mong giá điện được tính toán một cách hợp lý. Do đó, cần tiến tới bỏ cơ chế bù chéo, giá điện sinh hoạt đang bù cho giá điện trong sản xuất công nghiệp là điều chưa hợp lý trong khi ngành sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 50% cơ cấu tiêu thụ điện. Đồng thời, ông Lực khuyến cáo, việc tăng giá điện lần này cũng tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh./.

K.D

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/dieu-chinh-gia-dien-nhin-tu-nhieu-phia-516842.html