Điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường

Trong góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã kiến nghị Chính phủ sớm xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giá được vận hành theo cơ chế thị trường, tiệm cận dần với giá thế giới.

Trong góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã kiến nghị Chính phủ sớm xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giá được vận hành theo cơ chế thị trường, tiệm cận dần với giá thế giới.

Theo Vinpa, trong quá trình thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc cần xử lý, giải quyết. Bên cạnh việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở để phản ánh đúng thực tiễn, cần phải sửa đổi các nội dung liên quan điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu cũng như rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành giá xăng dầu,... Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì quỹ này đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn là có lợi.

Mặc dù đại diện Bộ Công thương nêu quan điểm, trong dự thảo Nghị định cần phải giữ quỹ nhằm duy trì công cụ bình ổn giá, can thiệp thị trường khi cần thiết nhưng theo quan điểm của chúng tôi, việc trích lập và sử dụng quỹ lâu nay đã khiến thị trường xăng dầu bị “méo mó”, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm cạnh tranh công bằng đúng theo cơ chế thị trường. Không thể phủ nhận, nhiều năm qua Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường xăng dầu trong nước, đồng thời giảm sự tác động về giá. Khi dự báo biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới của các DN chưa tốt; sức cạnh tranh chưa cao, còn mang tính độc quyền,... việc hình thành quỹ và được Nhà nước sử dụng như một công cụ điều tiết nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên là cần thiết. Tuy nhiên, việc trích lập quỹ hiện nay cứng nhắc và bị động; việc sử dụng quỹ không minh bạch, rõ ràng đã gây bức xúc đối với người dân. Nghịch lý xảy ra khi giá xăng dầu hạ xuống nhưng người dân vẫn phải mua xăng dầu với giá cao do phải trích lập quỹ, cho thấy chưa thật sự phù hợp với đối tượng phải đóng quỹ, bởi khách hàng bỏ tiền ứng trước thời điểm này nhưng chưa chắc mua được lúc rẻ hơn. Đối với DN xăng dầu, khi giá hạ được trích vào quỹ, nhưng lượng tiền DN đó trích vào quỹ so với lượng tiền phải xả ra khi giá lên chưa chắc đã cân đối. DN bán được nhiều được trích quỹ nhiều, bán ít sẽ thu quỹ ít,... Do đó, khi giá lên cao DN có quỹ ít sẽ rất khó khăn, thậm chí không dám bán nhiều hàng vì sợ phải bù lỗ lớn. Xét về bản chất, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho mình nên người mua tuy được mua xăng dầu bình ổn với giá không tăng nhưng thực chất là do số tiền họ ứng trước, chứ không nhờ sự can thiệp của bên thứ ba. Việc trích lập quỹ ở mức 300 đồng/lít đang khiến người tiêu dùng và DN phải chịu thiệt khi bị âm quỹ hàng trăm tỷ đồng.

Để kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, đã đến lúc cần xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giá tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường, dần tiệm cận với giá thế giới. Mặt khác, thời điểm thành lập quỹ, lúc đó thị trường xăng dầu trong nước chủ yếu còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Đến nay, nước ta đã có hai nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định và cung cấp khoảng 75% nhu cầu thị trường. Do đó, việc xóa bỏ quỹ là điều nên làm để giá xăng dầu được điều chỉnh, vận động theo đúng quy luật và cơ chế thị trường. Đồng thời, cần phải sửa đổi các quy định không còn phù hợp để nhiều thương nhân, đầu mối có thể tham gia nhập khẩu, phân phối xăng dầu cũng như tạo sự cạnh tranh giữa các DN với nhiều mức giá nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Có như vậy, thị trường xăng dầu mới thật sự bình đẳng, minh bạch.

MINH ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/dieu-chinh-gia-xang-dau-theo-co-che-thi-truong-613109/