Điều chỉnh lực lượng tác chiến linh hoạt

Trận tiến công quân địch ở thị xã Xuân Lộc mùa xuân 1975 thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch.

Trong đó, về nghệ thuật chiến dịch, nổi bật là ta chủ động tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt, sáng tạo, từng bước phát huy hiệu quả trong quá trình chiến đấu.

Nắm chắc tình hình địch, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng bộ binh, tập trung toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thẳng vào sở chỉ huy tiểu khu và Sư đoàn 18, nếu địch tan rã thì nhanh chóng đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh (nay là TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Căn cứ vào kế hoạch tác chiến, ta tổ chức lực lượng thành 3 bộ phận: Bộ phận thứ nhất gồm Sư đoàn Bộ binh 7 (Quân đoàn 4) được tăng cường 12 xe tăng, 2 pháo 85mm, 2 cối 160mm, tiến công hướng chủ yếu, từ phía đông thị xã Xuân Lộc. Bộ phận thứ hai gồm Sư đoàn Bộ binh 314 (Quân đoàn 4) được tăng cường một tiểu đoàn pháo phòng không hỗn hợp (37mm và 57mm) và pháo binh Quân đoàn 4 chi viện hỏa lực, tiến công trên hướng thứ yếu từ phía bắc thị xã. Bộ phận thứ ba gồm Sư đoàn Bộ binh 6 (Quân khu 7) tiến công trên hướng phối hợp, chia cắt địch ở Đường số 1 (đoạn ngã ba Dầu Giây).

Quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

Theo kế hoạch, ngày 9-4-1975, bộ đội ta bắt đầu tiến công Xuân Lộc. Trên hướng chủ yếu, ta tiến công căn cứ Sư đoàn 18, bị địch ngăn chặn quyết liệt nên phải chuyển hướng tiến đánh hậu cứ Chiến đoàn 52 địch. Trên hướng thứ yếu, ta nhanh chóng đánh chiếm các khu thông tin, cố vấn Mỹ, cảnh sát, bảo an và khu chợ. Khi ta tiến công vào dinh tỉnh trưởng thì bị địch đánh chặn dữ dội. Qua thực tiễn chiến đấu cho thấy, việc ta tập trung lực lượng lớn đánh cùng một lúc vào các mục tiêu ở trong thị xã là không phù hợp, do ta chưa dự tính được sự phát triển phức tạp của các tình huống, địch đã tăng cường lực lượng, củng cố thế phòng thủ vững chắc ở các vị trí chiếm đóng.

Lúc đầu, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng theo cách đánh “lấy tiêu diệt địch bên ngoài là chính, tạo thế bao vây cô lập Xuân Lộc rồi dứt điểm sau”. Khi địch hoang mang, dao động, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng lực lượng linh hoạt, kịp thời theo cách đánh đã thay đổi, từ đánh địch ở phía ngoài chuyển vào đánh địch ở trung tâm thị xã Xuân Lộc trước. Thế nhưng, trong vài ngày đầu chiến đấu, ta sử dụng lực lượng đánh lớn cùng lúc vào trung tâm thị xã trước chưa phù hợp. Vì thế, ta chỉ để lại một bộ phận nhỏ lực lượng giữ những khu vực đã chiếm ở thị xã và kiềm chế, nghi binh địch, còn đại bộ phận lực lượng chuyển ra vòng ngoài, dùng pháo binh tầm xa bắn phá, khống chế sân bay Biên Hòa, không để địch chi viện cho Xuân Lộc. Theo chủ trương đó, Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế, nghi binh địch, còn phần lớn lực lượng chiến dịch rút ra phía ngoài củng cố, khẩn trương tạo thế và lực mới để đánh địch.

Với việc tổ chức và sử dụng lực lượng linh hoạt theo cách đánh sáng tạo, bộ đội ta đã nhanh chóng tiêu diệt Chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp, giải phóng chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Đường số 1 (đoạn Xuân Lộc-Bàu Cá), Đường số 20 (đoạn Túc Trưng-ngã ba Dầu Giây). Tiếp đó, trong hai ngày 16 và 17-4, ta sử dụng lực lượng đánh bại các đợt phản kích của địch từ Biên Hòa lên, giữ vững ngã ba Dầu Giây. Đây là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng đánh vào chỗ hiểm, nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng thủ của địch ở vòng ngoài, buộc địch phải đưa lực lượng đến ứng cứu, tạo thuận lợi cho ta tiêu diệt chúng ngoài công sự. Trong khi đó, ở thị xã, ta tập trung lực lượng tiến công đánh thiệt hại nặng hai Chiến đoàn 43 và 48 (Sư đoàn 18) và diệt một bộ phận quân dù địch. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, 20 giờ ngày 20-4-1975, địch ở Xuân Lộc vội vã rút chạy. Ta chuyển sang truy kích, nhưng do phát hiện và sử dụng lực lượng truy kích chậm, nên chỉ diệt được một bộ phận sinh lực địch. Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng.

Thắng lợi tại Xuân Lộc có ý nghĩa chiến lược to lớn, đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng của Quân đội ta. Về nghệ thuật tổ chức lực lượng, ta tổ chức lực lượng quy mô cấp quân đoàn bố trí thành 3 bộ phận trên 3 hướng (chủ yếu, thứ yếu, phối hợp) thực hành Chiến dịch Xuân Lộc thắng lợi. Về nghệ thuật sử dụng lực lượng, ta tập trung lực lượng quy mô quân đoàn, tạo ưu thế hơn địch (gồm 3 sư đoàn bộ binh, toàn bộ lực lượng pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng, công binh, thông tin và các đơn vị bảo đảm khác); đồng thời sử dụng lực lượng sáng tạo, linh hoạt khi chuyển hóa lực lượng kịp thời thay đổi cách đánh (từ đánh địch ở bên ngoài chuyển sang đánh địch ở trong thị xã; khi địch ngoan cố chống cự quyết liệt, ta lại rút lực lượng ra ngoài đánh địch, thực hành bao vây thị xã, khiến Xuân Lộc bị chia cắt với Sài Gòn, buộc địch phải rút chạy khỏi thị xã) kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công Xuân Lộc.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP (nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/dieu-chinh-luc-luong-tac-chien-linh-hoat-725919