Điều chỉnh ngành nghề đào tạo

Các trường ĐH, CĐ trên cả nước bắt đầu xây dựng và công bố phương án tuyển sinh 2020. Thông tin tuyển sinh của các trường phản ánh khá rõ nét sự chuyển hướng trong tuyển sinh và đào tạo, gắn với sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Mùa tuyển sinh năm nay, số trường mở ngành học mới vẫn tiếp tục tăng. Số đông trường mở từ 2 - 3 ngành như ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, ĐH Nông Lâm THCM, ĐH Công nghiệp TPHCM… nhưng cũng có trường mở tới 5 ngành như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, 6 ngành như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM...

Trong các ngành mới mở đáng chú ý là có khá nhiều trường tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính - những ngành được dự báo cần nhiều nhân lực trong thời đại 4.0, hoặc các ngành kinh tế sốt dẻo như Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị kỹ thuật số…

Bên cạnh hàng loạt ngành mới mở, đồng thời, ở nhiều trường, cũng có kế hoạch đóng cửa chấm dứt đào tạo với một số ngành kém “hot”. Như ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, mùa tuyển sinh 2020 chính thức ngừng tuyển sinh hai ngành gồm công nghệ vật liệu dệt may và kỹ thuật nữ công. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến dừng tuyển sinh ngành ngôn ngữ Pháp, xây dựng cầu đường… Lí do chấm dứt đào tạo được đa số các trường cho biết là khó tuyển sinh trong vài năm gần đây, hoặc không thể duy trì tuyển với điểm quá thấp sẽ ảnh hưởng thương hiệu.

Cuộc cách mạng công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa đã kéo theo sự dịch chuyển lao động trên toàn cầu. Thị trường lao động của Việt Nam, vì thế cũng không nằm ngoài những tác động từ sự phát triển của công nghệ và số hóa. Việc các trường điều chỉnh ngành nghề theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời đảm bảo nguồn tuyển là việc bình thường, bởi điều này liên quan đến sự tồn tại và phát triển của trường trong bối cảnh tự chủ.

Tuy vậy, cũng không thể không cảnh báo về xu hướng tuyển sinh, đào tạo chạy theo “hot trend”. Thực tế, trong số ngành các trường tuyển sinh ít, đã/hoặc có kế hoạch dừng tuyển sinh, vẫn có không ít ngành thị trường lao động đang rất cần, thậm chí là khan hiếm nhân lực. Và trong số những ngành hot các trường từng ồ ạt mở một thời, thực tiễn cũng đã chứng minh nhân lực đang rơi vào cảnh dư thừa.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực mở rộng cơ hội tự chủ cho các trường, trong đó có việc mở hoặc đóng ngành. Tuy nhiên, nếu các trường chỉ chọn các ngành mở dễ, ít đầu tư, đáp ứng nhu cầu thị trường đang “hot hay đạt hiệu quả về tài chính, hoặc đóng ngành vì hiệu quả tài chính hay đơn giản chỉ “bảo vệ” thương hiệu thì sẽ không thể phát triển lâu dài. Bởi thực hiện cơ chế tự chủ, trường được tự quyết trong việc mở hoặc đóng ngành, nhưng kèm theo đó là trách nhiệm với xã hội sẽ phải cao hơn, chất lượng phải được đảm bảo tốt hơn.

Câu chuyện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn chăm chút một số ngành truyền thống mặc dù số lượng sinh viên ít đi vì nhu cầu ngắn hạn của thị trường không cần đến, nhưng về tầm nhìn dài hạn vẫn cần, hay Trường ĐH Nông Lâm TPHCM ra sức truyền thông các ngành khó tuyển nhưng xã hội đang rất cần như chế biến lâm sản… cho thấy quyền lợi tài chính, xây dựng thương hiệu là cần thiết nhưng cao hơn thế là trách nhiệm của ĐH trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bỏ đi những tên ngành xưa cũ, mở tên ngành mới độc đáo, hấp dẫn thí sinh, quả thực, với các trường, đây là việc làm năng động, sáng tạo, có ý nghĩa nhất định trong “tiếp thị”. Nhưng chắc chắn, với một trường ĐH, việc mở hoặc đóng ngành không phải chỉ chạy theo thị trường, mà quan trọng là còn phải dẫn dắt thị trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dieu-chinh-nganh-nghe-dao-tao-4055182-b.html