Điều chưa biết về cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran hiện nay

Chris Kanthan, tác giả cuốn sách mới xuất bản có tựa đề 'Deconstructing the Syrian war', từng đi qua 35 quốc gia và viết về các vấn đề chính trị toàn cầu, đã chỉ ra rằng sự thật là Iran đang ở trong tầm ngắm của các đế quốc phương Tây vì 4 lý do địa chính trị chính.

Cạnh tranh dầu mỏ

Iran đứng thứ tư về trữ lượng dầu mỏ và thứ hai về khí thiên nhiên. Do đó, một Iran tự do sẽ gây nguy hiểm cho vai trò của Saudi Arabia với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Lý do duy nhất mà người Saudi Arabia ngày nay rất giàu là vì Iran đã hầu như bị cô lập kể từ năm 1979 bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt đất nước. Trong những thập niên trước, Iran là nhà sản xuất và lọc dầu lớn nhất nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Saudi Arabia hợp tác với các nhà tài chính quốc tế để tạo ra chương trình dầu đổi đôla (petrodollar) vào những năm 1970, thời điểm đồng tiền của Mỹ rơi vào khủng hoảng. Vào năm 1970, Iran sản xuất nhiều dầu hơn Saudi Arabia nhưng vào năm 1980, người Saudi Arabia sản xuất dầu nhiều gấp 6 lần so với người Iran!

Một sự hồi sinh của Iran cũng có nghĩa là tạo ra sự cạnh tranh cho các công ty dầu mỏ và khí đá phiến của Mỹ. Họ đã tăng sản lượng kể từ năm 2011, khi Libya bị phá hủy!

Thách thức với Israel

Israel muốn các nước láng giềng Arập phải yếu thế hơn họ. Israel đã giành nhiều mỏ dầu và đất đai của những nước này - ví dụ điển hình là Cao nguyên Golan, nơi có trữ lượng dầu khổng lồ. Cao nguyên Golan có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực. Cao nguyên Golan thuộc về Syria từ năm 1944, cho tới khi Israel đánh chiếm được vùng này trong cuộc chiến tranh 6 ngày.

Có những người Israel mơ đến một nước Israel rộng lớn, bao gồm các vùng đất của nhiều nước láng giềng. Iran là quốc gia hùng mạnh và độc lập; quốc gia này từng giúp đánh bại al-Qaeda và những kẻ thánh chiến IS ở Syria; Iran có khả năng giúp đỡ những lực lượng quân sự chống lại Saudi Arabia ở Yemen và trang bị vũ khí cho phong trào Hezbollah, lực lượng này từng cảnh báo sẽ tấn công Israel nếu nước này can thiệp vào Lebanon.

Khu vực Eurasia.

Chia để trị và bán vũ khí

Nếu các nước ở Trung Đông sống yên ổn trong hòa bình thì sẽ không cần các căn cứ quân sự của Mỹ, và Saudi Arabia sẽ không phải mua vũ khí của Mỹ và Anh. Điều đó sẽ là khủng khiếp! Đối với tổ hợp quân sự - công nghiệp Mỹ, Trung Đông đã là một con gà đẻ trứng vào từ 2 thập niên qua. Chiến tranh liên miên đồng nghĩa với lợi nhuận chiến tranh khổng lồ cho các tập đoàn quốc phòng.

Do đó, vì lợi ích, các đế quốc phương Tây luôn thúc đẩy cuộc xung đột giữa các nước theo dòng Hồi giáo Sunni, Saudi Arabia và Iran nhưng tránh để xảy ra chiến tranh tổng thể và không để cho các đường ống dẫn dầu và các nhà máy lọc dầu của các công ty phương Tây ở đây bị phá hủy. Trong lý thuyết địa chính trị, chiến lược này được gọi là "hỗn loạn có kiểm soát".

Liên minh Á-Âu của Iran-Trung Quốc-Nga

Có một cuộc đấu tranh khốc liệt để kiểm soát vùng Á-Âu (Eurasia) và Iran là một yếu tố quan trọng trên bàn cờ địa chính trị này. Chừng nào Iran còn bị cô lập và suy yếu, chừng đó vai trò của nước này không quan trọng. Nhưng bây giờ, Iran đang gia nhập vào tất cả các loại liên minh quân sự, kinh tế với Nga và Trung Quốc - hai nước đã được chính quyền ông Trump coi là "cường quốc đối thủ" khi họ mở ra kỷ nguyên "cạnh tranh giữa các cường quốc".

Iran cũng là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc (còn được gọi là "Sáng kiến Vành đai và Con đường") - tàu chở hàng từ Trung Quốc phải qua Iran về phía châu Phi và Trung Đông. Phá hoại Iran có nghĩa là phá hoại Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, điều này rất có lợi cho các cường quốc phương Tây.

Tuy nhiên, nếu liên minh Iran-Nga-Trung Quốc tồn tại, điều đó sẽ có nghĩa là phương Tây sẽ phải đối mặt với 5 nguy cơ sau. Thứ nhất, họ không thể chinh phục Syria và Lebanon.

Thứ hai, họ có thể mất Iraq, vì tại đây có một phần lớn người theo dòng Shia. Điều này sẽ dẫn đến sự tàn lụi của các cộng đồng người Shia ở 4 quốc gia láng giềng là Lebanon, Syria và Iran.

Thứ ba, phương Tây sẽ mất một phần Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên chủ chốt của NATO. Mối quan hệ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Mỹ đã đang gặp rắc rối. Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của Nga và đang tiến gần hơn với Iran cũng như có kế hoạch tham gia Sáng kiến Một vành đai, Một con đường.

Thứ tư, phương Tây sẽ mất một phần Qatar như một quốc gia chư hầu. Qatar đang làm việc chăm chỉ để làm hài lòng Mỹ và châu Âu và đang tiếp nhận một căn cứ quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Qatar cũng chia sẻ mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới với Iran. Qatar gần đây đã trở thành một đồng minh chiến lược và không thể thiếu của Iran sau khi bị Saudi Arabia phong tỏa hồi năm ngoái.

Và cuối cùng, nếu liên minh Iran-Nga-Trung Quốc tồn tại, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Afghanistan có thể bị trục xuất. Afghanistan có biên giới giáp Iran, đang muốn gia nhập CPEC - Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Về cơ bản, Hoa Kỳ sắp mất quyền bá chủ của mình trong một chuỗi các nước từ Trung Đông đến Trung Quốc. 4 nhà lãnh đạo đã làm việc tích cực về vấn đề này là những người đang nắm quyền ở Nga, Iran, Syria và Lebanon. Trung Quốc đang lặng lẽ giúp đỡ về mặt kinh tế và không muốn thách thức về mặt quân sự với Mỹ.

Đó là những lý do tại sao các cường quốc phương Tây đang cố gắng lật đổ chế độ Iran hiện tại. Những nhân vật diều hâu như Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jonh Bolton đã ủng hộ lực lượng MEK, một nhóm khủng bố giáo phái được coi là vô hại bởi Chính phủ Mỹ vào năm 2012.

Sự rút lui của Tổng thống Trump khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (PAGC) sẽ cho phép các “con diều hâu” cơ hội khác để đè bẹp nền kinh tế Iran với các biện pháp trừng phạt. Rồi các công ty châu Âu cũng buộc phải rút khỏi Iran để tuân theo các mệnh lệnh của Mỹ.

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dieu-chua-biet-ve-cuoc-khung-hoang-hat-nhan-iran-hien-nay-494986/