Điều chưa nói

Sáng đầu tuần nào Nhã cũng tất bật từ sớm, để chuẩn bị cho chuyến công tác tỉnh. Chuyến công tác vài ngày của bà mẹ hai con không đơn giản như khi độc thân. Nhất là thằng con út chỉ hạp món ăn mẹ nấu. Thực ra, nếu mẹ không nấu, con cũng sẽ có ngay món khác để ăn, nhưng mỗi lần đang ở tỉnh, gọi về mà nghe con than: 'Hết mắm chưng trong tủ rồi mẹ ơi!', là Nhã nhói lòng thương con. Lúc ấy, Nhã nhẩm tính coi con phải ăn món không hạp khẩu vị mấy bữa nữa. Thường thì Nhã đi công tác ít nhất cũng 3 ngày mỗi tuần. Có chuyến kéo đến thứ Sáu, coi như chẵn tuần.

Minh họa của MINH SƠN

Minh họa của MINH SƠN

Vậy nên thứ Hai nào Nhã cũng dậy từ rất sớm. Hăng hái vào bếp sơ chế một số món ăn, chia từng phần bỏ vào ngăn tủ lạnh, viết vào cuốn sổ tay để ở gian bếp cho chị giúp việc đọc được mà làm theo. Tất cả những gì có thể làm trước được, Nhã đều tranh thủ làm. Bởi Nhã tin, con ăn bữa ăn mẹ tự tay làm sẽ ngon miệng hơn.

Vậy mà có khi đến bữa, Nhã còn gọi trực tiếp để nhắc nhở chị giúp việc, cái món cá kho cà mà đứa lớn rất thích đó, chị nhớ phải chiên cho cá săn lại đã, rồi mới kho. À, ở khâu rửa cá, chị nhớ hãm tách trà để nguội, pha loãng với nước để khử mùi tanh cá. Chịu khó chút nha, con bé lớn chẳng biết giống ai mà khó ăn khó uống hơn người ta…

Xong mọi việc thì chiếc xe của cậu tài xế đến đón cũng vừa chạm ngõ. “Cửa ải” mà Nhã thấy khó chịu nhất là đối diện với ba. Khi ấy, ba đang nhàn nhã ngồi xem báo giấy dưới hiên nhà, nhâm nhi ly cà phê nóng cùng tách trà. Chỉ chờ cho Nhã bước xuống, ông liền ngước lên, nói đúng một câu quen thuộc mỗi tuần: “Lại đi công tác à?”.

Nhiều lần Nhã tự hỏi, sao mình lại khó chịu đến vậy với câu nói quen thuộc đó của ba? Sao không xem nó đơn giản như một lời quan tâm, lo cho Nhã đi công tác xa cực khổ, hoặc nếu không nghĩ tích cực lên được thì cứ phớt lờ đi. Cũng có lúc Nhã phớt lờ được. Đó là khi tâm trạng đang tốt, có thể là sếp vừa mới báo tin tăng lương cho Nhã, thằng Út được cô chủ nhiệm khen là biết giúp đỡ bạn bè, hay cảm xúc dễ chịu đến từ ai đó… Nhưng điều đó là không nhiều. Vì vậy mà đa phần Nhã khó chịu. Giọng Nhã khi ấy đanh thép hơn thường ngày: “Công việc của con mà, con không đi làm thì lấy tiền đâu nuôi con”. Có hôm Nhã còn xát thêm muối vào giọng nói mình: “Không đi thì cháu ba húp cháo sống à?”.

Nhã cũng muốn mỗi sáng thức giấc trong sự thảnh thơi để thưởng trà, thưởng hoa như ba mà chẳng phải tất bật vì điều gì. Nhưng Nhã còn trẻ. Muốn chạm đến ngưỡng đó thì giờ phải cố gắng làm lụng có chút dư dả, ít nhất cũng khi hai đứa con ra trường đã chứ. Đến khi đó, đường còn dài lê thê. Đúng ra, ba phải cổ vũ Nhã, thấu hiểu Nhã để nói một câu gì đó dễ chịu hơn. Ba cứ làm như Nhã bỏ nhà đi chơi cho sướng thân.

“Có nhiều công việc chỉ đến văn phòng rồi trưa về, hay chiều về mà!”. Có lần ba nói như vậy. Nhã cũng muốn vậy chứ, nhưng Nhã không đủ kiên nhẫn để ngồi nói cho ba hiểu về công việc của mình. Nếu như Nhã nói, Nhã làm truyền thông nội bộ, ba sẽ hỏi ngay truyền thông nội bộ là thế nào? Nhã sẽ lại phải nghĩ ra cách giải thích sao cho dễ hiểu nhất, rằng truyền thông tiếp thị là giới thiệu sản phẩm của mình cho khách hàng, còn truyền thông nội bộ là giới thiệu sản phẩm của mình cho chính nhân viên trong công ty. Coi vậy mà nó khó hơn cả việc giới thiệu với người ngoài đó ba. Vì Nhã có kỹ năng sư phạm nên sếp điều đi đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên ở các chi nhánh tỉnh. Mình đi làm công mà, đâu có dám từ chối công việc, nhất là khi vị trí đó mình đang làm tốt.

Nhã nghĩ, một người chậm chạp như ba, giải thích nhiêu đó cũng mất cả ngày trời, nên Nhã không đủ kiên nhẫn.

Vì vậy mà sáng đầu tuần nào Nhã cũng thấy khó chịu với câu nói đó của ba. Nó theo Nhã suốt hành trình trên quãng đường dài, rút hết cả sinh lực của Nhã cho đến khi Nhã hòa vào công việc mới không còn thời gian để nghĩ đến.

* * *

Thoảng khi ba đi đâu đó, vắng mặt ở nhà vào đầu tuần, Nhã cảm thấy dễ chịu hẳn. Nhã sẽ làm mọi thứ mà không phải dè chừng tiếng ồn ảnh hưởng đến ba. Mỗi sáng thứ hai đi công tác, Nhã kéo va li xềnh xệch từ tầng lầu xuống, chẳng cần rón rén gì. Có khi còn kịp thăm bụi nguyệt quế, tưới cho đám thủy tiên đang nở rộ, đi dạo một chút cho thư thái mà không lo ba sẽ lù lù xuất hiện, “phang” cho một câu không có lấy miligam thấu hiểu nào. Nhã đã từng ước như vậy!

Một lần, để thực hiện ý đồ không phải gặp ba vào sáng đầu tuần. Chủ nhật, Nhã gọi nói với Thanh - cô em gái của mình cũng ở gần nhà, rằng gọi ông ngoại qua nhà chơi đi. Nhã nghĩ, nếu ba qua đó, thể nào cũng ở vài ngày, thế là Nhã sẽ tránh phải đối diện với điều khó chịu vào sáng thứ Hai. Ý nghĩ ấy khiến Nhã phấn khích gọi liền cho Thanh.

Nhã nói bằng giọng có chút giáo điều rằng người già có được bao nhiêu ngày đâu, không lo gần gũi ba có ngày hối không kịp. Thanh là đứa không hạp ba từ nhỏ, nhưng lấy chồng, sinh con rồi cũng biết thương ba hơn. Nó nghe lời Nhã, gọi mời ba sang chơi. Còn nói anh Quý sẽ đón ba bất cứ khi nào ba muốn. Nhưng ba Nhã không chịu sang.

Ba nói ba ở với Nhã quen rồi. Đi đâu cũng cảm giác như mình là khách, không thấy thoải mái như khi ở với Nhã. Lúc đó Nhã thôi. Thấy thương thương. Thấy mình sai rồi. Ba bỏ cả tuổi trẻ để nuôi hai chị em Nhã bằng sạp báo trước nhà. Trải qua biết bao gian khổ để cho chị em Nhã có ngày hôm nay, vậy mà giờ Nhã đẩy qua đẩy lại chỉ vì một chút khó chịu?

Dù nghĩ vậy, nhưng tâm trạng khó chịu vẫn lặp lại như một nỗi ám ánh mỗi dịp đầu tuần.

* * *

Hôm giữa tuần, trong lúc Nhã còn đang công tác ở Kiên Giang thì sếp gọi, nói chi nhánh ở Vĩnh Long đầu tuần khai trương, mà khâu tổ chức yếu quá, nhờ Nhã tạt qua đó hỗ trợ anh em luôn. Nhã ngán ngẩm lắm nhưng không đành lòng từ chối. Khi họ cần mình thì mình cũng phải nỗ lực chứ, Nhã nghĩ vậy nên gọi điện về nhà để sắp xếp. Khi ấy, có ý nghĩ thoảng qua trong đầu Nhã rằng, chuyến công tác đầu tuần này không phải qua “cửa ải” là ba rồi.

Nhưng Nhã chưa kịp trải nghiệm một thứ Hai như mong muốn thì chiều Chủ nhật có cuộc gọi từ Thanh, nói ba nhập viện rồi, nhưng em chỉ báo vậy thôi, chứ chị cứ lo công việc đi, ở nhà em lo được.

Người già vào bệnh viện cũng là bình thường. Nhưng ba Nhã rất ít khi chịu vào bệnh viện. Kể cả lần có cơn đau bất chợt ập đến, ba ôm bụng nằm quằn quại trên giường, vẫn cắn răng chịu chứ không nghe lời Nhã đi khám. Rồi qua cơn, ba thong thả ra hàng thuốc tây ở đầu hẻm, kể triệu chứng. Mấy cô dược bán cho bịch thuốc, cẩn thận ghi cả giờ uống thuốc trên bao bì, dặn dò hết sức chu đáo. Ba thích thái độ ân cần, niềm nở của các cô gái ấy lắm. Về nhà cứ khen suốt. Ba uống mấy liều thuốc là hết đau. Vậy nên cần gì phải đi khám ở bệnh viện cho đông đúc, chờ đợi thêm mệt.

Nghe Thanh nói lúc chị giúp việc phát hiện, ba đã đau đến sùi bọt mép. Lúc đó, anh Quý lái xe đến chở đi chứ ba đâu có kháng cự được nữa. Giọng Thanh còn hồ hởi y như khoe thành tích: “Vậy mới có dịp khám tổng quát cho ba luôn đó!”.

Thanh tuy không gần gũi ba như Nhã, chẳng khi nào thấy hai ba con nói chuyện gì ngoài những câu hỏi đáp, hay cà khịa ba chuyện nọ chuyện kia cho vui nhà như Nhã, nhưng Nhã biết tính Thanh điềm đạm hơn Nhã. Ít ra, trong lúc cần kiên nhẫn, nó cũng kiên nhẫn hơn Nhã. Vì vậy mà Nhã yên tâm công tác đến giữa tuần mới về.

Lúc về, Nhã nói tài xế cho mình xuống bệnh viện luôn. Vừa lúc Thanh đi từ phòng bác sĩ ra, gặp Nhã, nó òa khóc. Nhã biết có chuyện gì đó chẳng lành rồi. Nhưng chứng kiến sự yếu đuối hiếm khi của cô em gái, Nhã tự nói với mình phải mạnh mẽ lên để làm chỗ dựa cho em.

* * *

Ba đi sau hơn một tháng nằm viện với chứng bệnh về dạ dày đã đến thời kỳ cuối. Nhã mạnh mẽ đứng ra lo liệu mọi việc trong suốt quá trình ấy. Hôm tiễn ba về lòng đất, lúc trở về nhà, Nhã lật lịch xem đúng là ngày thứ Hai.

Thứ Hai, Nhã chưa phải đi làm vội. Cô thơ thẩn đi loanh quanh trong căn nhà vắng hoe. Hai đứa nhỏ đi học, chị giúp việc sau những ngày tất bật phụ đám cũng xin về nhà nghỉ ngơi vài ngày. Nhã đi ra hàng hiên, cô ngồi vào chỗ ba hay ngồi. Đó là góc ngồi nhìn ra ngã ba, để đón đợi xe người nhà về, hoặc nhìn theo bóng xe đi cho đến khuất mắt. Lúc nào Nhã đi hay về đều thấy ba ngồi đó. Thành quen, những lần xe rẽ phải để sang đường lớn, ở góc ngã ba, Nhã cũng quay lại nhìn ba, và ba cũng đón sẵn ánh nhìn đó của Nhã.

Rất nhiều lần Nhã đã nghĩ, lúc nào đó thảnh thơi hơn mình sẽ ngồi nơi đó trò chuyện cùng ba. Nhưng từ ngày lấy chồng, ly hôn, một mình nuôi con đến giờ, Nhã tất bật chạy đua với thời gian. Nhã cứ nghĩ mình cố gắng thêm thời gian nữa thôi, khi mọi thứ ổn định hơn sẽ dừng lại, để có thể trò chuyện cùng ba mỗi ngày. Nhưng ba đã không chờ Nhã. Mà thôi, chắc là ba ngồi chờ bao nhiêu đó năm cũng mệt mỏi rồi.

Nhã ngồi nhìn vệt nắng xuyên từ tán lá trên đỉnh đầu, đoán cũng gần trưa thì thấy đứa lớn đi học về. Đứa lớn nhà Nhã năm nay lên cấp ba. Lúc dựng xe đi vào nhà, không biết nghĩ sao, nó quay lại chỗ Nhã, hỏi một câu: “Có phải mẹ còn điều muốn nói với ông không?”. Nhã ngỡ ngàng nhìn con. Hóa ra con lớn thật rồi! Nó tiếp lời: “Vậy thì mẹ nói với ông đi. Ông vẫn nghe được đó!”. Nhã nhìn những giọt nước mắt lã nhã trên mặt con bé, cô bật khóc. Nó ôm mẹ vào lòng, thủ thỉ: “Mẹ nói đi, sẽ nhẹ lòng hơn đó!”. Nhã như một đứa trẻ ngoan, mếu máo: “Ba ơi, con nhớ ba!”.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202303/dieu-chua-noi-974913/