Điều chuyển, kỷ luật hàng loạt cán bộ chậm cấp 'sổ đỏ' cho dân

Qua 100 đơn thư của người dân 'tố' cán bộ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) nhũng nhiễu hoặc năng lực hạn chế, hơn 2 năm qua, Sở TN-MT TPHCM đã xử lý 18 trường hợp, bao gồm 5 giám đốc, 7 phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các quận, huyện.

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng

Thông tin này được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nêu vào chiều 5-12, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề về giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân trong lĩnh vực cấp GCN trên địa bàn TP, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa IX.

Hơn 17.300 hồ sơ tồn đọng

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải thông tin, từ năm 2016 đến tháng 6-2018, TPHCM đã cấp được 1,5 triệu GCN, đạt tỷ lệ 95,8% trên tổng số nhà, đất của toàn TP. Hiện nay còn hơn 17.300 trường hợp chưa cấp GCN. Đây là con số lớn mà UBND TP đặt ra cho các sở, ngành và quận - huyện phải chịu trách nhiệm đẩy nhanh hơn nữa việc cấp giấy. Song cũng chính từ việc chưa được cấp GCN nên nhiều người dân làm đơn kiến nghị, phản ánh và khiếu nại. Cụ thể, tổng số đơn 24 quận - huyện nhận được là gần 10.000 đơn, trong đó 7.800 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của quận - huyện.

Trình bày tóm tắt kết quả báo cáo giám sát của HĐND TP về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân về công tác cấp GCN, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh cho hay, trong tổng số đơn khiếu nại tại 24 quận - huyện có 21,4% khiếu nại đúng, 74,8% khiếu nại sai và 3,8% khiếu nại có đúng có sai.

Theo ĐB Danh, thời gian qua chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực, tăng cường phân cấp, công khai hóa các quy trình, thủ tục; nâng cao chất lượng xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, việc cấp GCN còn những tồn tại, hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị giải quyết khiếu nại chưa bảo đảm thời gian theo quy định của Luật Khiếu nại. Công tác giải quyết đơn kiến nghị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, gây bức xúc cho người dân.

“Trình độ, năng lực còn hạn chế của một bộ phận cán bộ, công chức đã ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính không đúng dẫn đến bị người dân khiếu nại”, ĐB Danh nêu nguyên nhân.

ĐB Phạm Đức Hải bổ sung: “Quá trình đoàn giám sát cho thấy một câu hỏi lớn đặt ra vì sao việc trả lời đơn của người dân rất là chậm?”. Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ, việc có 21,4% đơn khiếu nại thì cần xem lại đội ngũ cán bộ công chức, thanh lọc sao để phục vụ tốt. Còn khiếu nại sai (74,8%) cho thấy việc tuyên truyền đến người dân chưa tốt, khiến người dân khiếu nại sai.

Bày tỏ quan tâm đến những trường hợp chưa được cấp GCN, ĐB Nguyễn Văn Hiếu (quận 2) đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung, có giải pháp, đề xuất pháp giải quyết nhanh. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần quan tâm nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm giải quyết bức xúc người dân. Đặc biệt, UBND TP cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các sở - ngành rà soát xét lại từng dự án của các chủ đầu tư; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cấp giấy.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân nhấn mạnh, việc cấp GCN là một việc làm cần thiết và cấp bách vì qua đó không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân mà là còn “giải phóng” nguồn lực tài chính cho thành, cho đời sống người dân.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân

ĐB Quân cũng đề nghị cần phân tích trong số 17.300 trường hợp chưa được cấp GCN thì có bao nhiêu trường hợp bị “vướng” quy hoạch hay rơi vào dự án đã quá thời hạn thực hiện. Nếu giải quyết được, thì cũng kéo giảm đáng kể trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Là một trong các địa phương có số đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh nhiều, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, giải thích về các nguyên nhân khiến công tác cấp GCN chậm. Cụ thể, do quy định của pháp luật về cấp GCN với nhiều thủ tục phức tạp, cùng với trình độ của chuyên viên thụ lý còn hạn chế nên việc giải quyết cấp GCN cho người dân còn chậm. Mặc khác, nhiều hồ sơ đề nghị cấp GCN có nguồn gốc đất, đất có tranh chấp, lấn chiếm đất công… nên việc xác minh mất nhiều thời gian hoặc phải chờ kết quả của tòa án mới giải quyết cấp GCN được.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho hay, trên địa bàn quận có nhiều dự án đang triển khai. Vì vậy, số lượng đơn thư của người dân chủ yếu là đơn phản ánh và dân nguyện liên quan đến nhà đất. Đối với các trường hợp giải quyết trễ hạn, quận có 1.000 thư xin lỗi gửi người dân.

Nghiêm trị cán bộ nhũng nhiễu

Tại buổi thảo luận, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin trong số các đơn thư khiếu nại, phản ánh thì có 100 đơn “tố” cán bộ cấp GCN nhũng nhiễu hoặc năng lực hạn chế.

Trong giai đoạn 2016-2018, Sở đã xử lý 18 trường hợp, bao gồm thay Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các quận 1, Bình Thạnh, Tân Phú và huyện Bình Chánh; thay 7 phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở các quận 6, Tân Phú và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh; xử lý 4 chuyên viên, trong đó chuyển xử lý hình sự đối với 1 trường hợp.

“Chúng tôi xác định, trong công tác này phải nghiêm trị thẳng tay những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân”, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nói.

Ngoài nguyên nhân năng lực hạn chế hoặc nhũng nhiễu, theo Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, việc cấp GCN chậm còn do liên quan đến nền bản đồ qua 3 thời kỳ đầu những năm 1980, 1990 và bản đồ số lập gần đây. Mỗi thời điểm cấp GCN dựa trên một nền bản đồ và mức độ chính xác không bằng bản đồ số nên xảy ra việc chồng ranh, lấn ranh, có sai sót trong cấp giấy – khoảng 100-150 trường hợp.

Với 17.300 trường hợp chưa được cấp GCN, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, sở đang phối hợp với các quận, huyện phân loại ra để có hướng giải quyết. Trong đó, có 6.900 trường hợp mua bán giấy tay, các trường hợp này đang phải chờ hướng dẫn của bộ, ngành; hơn 3.400 trường hợp có vi phạm về lấn chiếm, chuyển sai mục đích sử dụng đất, bây giờ phải giải quyết xong vi phạm mới cấp GCN; hơn 1.000 trường hợp ở các quận, huyện xây sai phép, phải xử lý vi phạm về mặt xây dựng xong mới cấp GCN; các trường hợp do tranh chấp trong dòng tộc, cũng phải giải quyết xong tranh chấp mới cấp GCN. Ngoài ra, có khoảng 150 trường hợp đề nghị cấp GCN thì có văn bản ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền, nên phải ngưng lại.

ĐB Cao Thanh Bình

Trong khi tập trung xử lý, ĐB Cao Thanh Bình đề nghị, với 17.300 trường hợp này, sở và quận, huyện cần phối hợp có thông báo cụ thể tới người dân để người dân nắm được tính chất vấn đề của mình đang ở chỗ nào, hướng xử lý ra sao? Đồng thời, tiếp tục rà soát, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với địa phương xử lý rốt ráo, rõ ràng, tránh trường hợp TP đã chỉ đạo giải quyết nhưng các đơn vị vẫn làm chậm trễ.

KIỀU PHONG - MẠNH HÒA. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dieu-chuyen-ky-luat-hang-loat-can-bo-cham-cap-so-do-cho-dan-563491.html