Điều đặc biệt của cặp rồng đá Hà Nội vừa trở thành Bảo vật quốc gia

Rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn...

Vào ngày 30/1 vừa qua, bộ thành bậc phía sau điện Kính Thiên, di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Vào ngày 30/1 vừa qua, bộ thành bậc phía sau điện Kính Thiên, di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, hiện vật lịch sử này có từ thời Lê trung hưng (thế kỷ 17-18), là hiện vật gốc, một di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

Cặp thành bậc này có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau, gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài của thành bậc.

Rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn.

Miệng rồng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có bốn dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn 7 khúc hình sin, bụng có vây.

Rồng có hai chân, chân to, khỏe, năm ngón chân chiều đốt, năm móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu, chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu có lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau.

Bám sát thân là các cụm mây kéo dài hình đao, các đao mây chạm nổi uốn khúc, giữa có sóng nổi, đầu ngọn lửa thuôn dài chuyển hóa thành hình đao mác.

So với bộ thành bậc phía trước điện Kính Thiên (đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2020), bộ thành bậc phía sau có quy mô nhỏ hơn, nhưng không kém phần tinh xảo.

Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc Hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.

Không gian nơi này trở thành một di tích "kép" cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Trong quá khứ, điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự ở kinh thành Thăng Long trong nhiều triều đại.

Mời quý độc giả xem video: Chuyện hẹn hò của các cặp đôi Hà Nội xưa | VTV24.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dieu-dac-biet-cua-cap-rong-da-ha-noi-vua-tro-thanh-bao-vat-quoc-gia-1805083.html