Điều đặc biệt từ nữ thẩm phán Tòa tối cao Mỹ vừa qua đời

Nữ thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg - người đấu tranh không mệt mỏi vì quyền bình đẳng ở Mỹ, đã trở thành 'biểu tượng văn hóa' nước này.

Hôm 18-9, nữ Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg đã qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng ở thủ đô Washington, D.C. do căn bệnh ung thư tuyến tụy đã di căn, theo kênh CBS (Mỹ).

Biểu tượng văn hóa của nước Mỹ

Bà Ginsburg sinh năm 1933, hiện giữ kỷ lục là thẩm phán lớn tuổi nhất trong số chín thẩm phán hiện tại của Tòa án tối cao Mỹ. Bà là người phụ nữ thứ hai phục vụ tại Tòa án Tối cao và là người tiên phong ủng hộ quyền của phụ nữ, người đã trở thành một "biểu tượng văn hóa" mà các thế hệ trẻ hơn khó có thể đạt được.

Với dáng người nhỏ nhắn, bà Ginsburg đã thu hút nhiều bình luận trong nhiều năm về vẻ ngoài mong manh của mình. Tuy nhiên, bà lại nổi tiếng là một người cực kỳ cứng rắn.

Vào sinh nhật lần thứ 80 cũng như kỷ niệm 20 năm bà Ginsburg ngồi trên băng ghế của Tòa án Tối cao trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama, bà đã nhún vai trước lại kêu gọi bà nên nghỉ hưu và khẳng định sẽ tiếp tục công việc.

“Miễn là tôi có thể hoàn thành công việc một cách trọn vẹn” - bà nói.

Năm 1993, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà được bổ nhiệm vào Tòa án tối cao Mỹ và trở thành người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào cơ quan này.

Một trong những việc đầu tiên của bà Ginsburg làm tại Tòa án tối cao là thay đổi chính sách chỉ nhận nam giới tại Viện quân sự Virginia. Nữ thẩm phán khẳng định không có luật hoặc chính sách nào có thể bác bỏ việc nữ giới tham gia và cống hiến cho xã hội dựa trên năng lực cá nhân của họ.

Khi bà Sandra Day O'Connor - một thẩm phán nữ khác tại Tòa án tối cao nghỉ hưu vào tháng 1-2006, bà Justice Ginsburg đã có thời gian là phụ nữ duy nhất làm việc ở đây.

Bà gọi những năm làm thẩm phán nữ đơn độc của mình là "khoảng thời gian tồi tệ nhất".

"Hình ảnh bước vào phòng xử án là tám người đàn ông, cỡ người nhất định, và sau đó là người phụ nữ nhỏ bé này ngồi ở một bên. Đó không phải là một hình ảnh tốt để công chúng nhìn thấy” - bà nói.

Các dấu ấn quan trọng

Ngoài ra, nữ Thẩm phán Ginsburg đã để lại nhiều dấu mốc đáng chú ý trong suốt sự nghiệp của mình.

Ngày 25-5-2015, bà là một trong sáu thẩm phán bảo vệ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền ban hành năm 2010. Điều này đã cho phép chính quyền liên bang tiếp tục hỗ trợ cho người Mỹ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá rẻ. Đây được xem là chiến thắng lớn đối với Tổng thống Barack Obama.

Ngày 26-5-2015, Tòa án Tối cao Mỹ tiếp tục đưa ra phán quyết lịch sử thứ hai: Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn 50 bang. Khi đó, bà đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT và được xem là hy vọng lớn nhất của họ

Những hành động của bà có sức ảnh hưởng với nhiều người, đặc biệt là những phụ nữ trẻ. Cuốn tiểu sử “RBG khét tiếng: Cuộc đời và thời đại của Ruth Bader Ginsburg” của hai tác giả Irin Carmon và Ms. Knizhnik đã lọt vào danh sách bán chạy nhất chỉ một ngày sau khi xuất bản vào năm 2015.

Một năm sau đó, công ty xuất bản Simon & Schuster đã phát hành một cuốn sách viết về bà cho trẻ em với tiêu đề "Tôi không đồng tình”. Ngoài ra, một bộ phim tài liệu về cuộc đời vị thẩm phán này còn là một cơn sốt phòng vé vào mùa hè năm 2018 và một bộ phim Hollywood xoay quanh vụ án phân biệt giới tính đầu tiên của bà đã ra mắt vào ngày Giáng sinh năm đó.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dieu-gi-dac-biet-tu-nu-tham-phan-toa-toi-cao-my-vua-qua-doi-939392.html