Điều đáng sợ hơn cả sự thù ghét trong ánh mắt của Derek Chauvin

Những cảnh tượng và âm thanh trong vụ xét xử cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin có thể khiến nhiều người Mỹ thức tỉnh. Trong đó, một bức ảnh gây choáng váng hơn cả.

Đó là ánh mắt lạnh lùng của Chauvin vào ngày 25/5/2020 khi sĩ quan cảnh sát này tước bỏ sự sống của nạn nhân George Floyd. Điều này đặt ra thách thức lớn nhất đối với những cải cách của ngành cảnh sát trên diện rộng sắp tới.

Ánh nhìn đó, được đóng khung trong cụm từ bên công tố gọi một cách khô khan là "Hình ảnh 17", cho thấy Chauvin đang liếc nhìn đám đông hoảng hốt bên đường khi thấy cảnh sát này còng tay, đè đầu gối lên cổ Floyd khiến anh bất tỉnh. Trong phiên tòa mới khép lại vào tuần trước, sĩ quan cảnh sát White Minneapolis bị kết án 3 tội danh trong vụ giết hại Floyd.

 Chauvin tỏ ra thờ ơ, lạnh lùng trong khi ghì đầu gối lên cổ Floyd. Ảnh: CNN.

Chauvin tỏ ra thờ ơ, lạnh lùng trong khi ghì đầu gối lên cổ Floyd. Ảnh: CNN.

Chauvin tỏ ra thờ ơ, chán nản. Kính râm gài trên đầu và tay đút túi, ông ta dường như chẳng đếm xỉa gì đến nạn nhân. Cảm xúc thoáng qua duy nhất trên khuôn mặt ông ta là sự khó chịu với đám đông đang cầu xin tha cho Floyd.

Khoảnh khắc đó trở thành một trong những hình ảnh gắn liền với thời đại bởi nó thể hiện rõ sự phân biệt chủng tộc mà nhiều người lảng tránh.

Khi nói về phân biệt chủng tộc, người ta thường hình dung ra những hành động tàn ác khủng khiếp như bức ảnh về khuôn mặt bị biến dạng của Emmett Till trong quan tài để mở, những tấm ảnh hành hình người da màu mà một số người Mỹ da trắng quái ác dùng làm thiệp để gửi thư cho nhau, hay khuôn mặt cáu kỉnh của các học sinh Mỹ trắng bao vây bắt nạt một cô gái da đen trẻ tuổi đang cố gắng hòa nhập tại một trường trung học ở Arkansas.

Nhưng cái nhìn dửng dưng trong mắt Chauvin là một lời nhắc nhở về sự thờ ơ, không chỉ là ghét bỏ, cũng là một kiểu phân biệt chủng tộc.

Elie Wiesel, người sống sót sau thảm họa diệt chủng và từng đoạt giải Nobel Hòa bình, đã nói: "Đối lập với tình yêu không phải là sự ghét bỏ, đó là sự thờ ơ".

Elie Wiesel vỗ tay sau bài phát biểu của cựu Tổng thống Obama tại Bảo tàng Diệt chủng năm 2012. Ảnh: CNN.

Tại sao sự thờ ơ đáng sợ hơn cả thù hận?

Bị phớt lờ là một nỗi đau vô hình. Hầu hết người da đen đều đã trải qua điều này.

Một số người cảm thấy dễ đối phó với sự căm ghét công khai của những người phân biệt chủng tộc hơn là việc bị người ta “coi như không nhìn thấy”. Ít nhất họ còn cảm thấy mình tồn tại, ngay cả khi với sự căm ghét từ người khác.

Sự thờ ơ là một biến thể khác, thâm hiểm hơn của phân biệt chủng tộc, có thể gây ra sự phẫn nộ. Có lẽ vì thế mà một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về nạn phân biệt chủng tộc của tác giả người da đen có tựa đề "Người vô hình".

Và đó cũng là lý do sự thờ ơ chứ không phải sự thù hận của người da trắng khiến Martin Luther King Jr. tức giận nhất.

Linh mục Ralph Abernathy (bên trái) và Linh mục Martin Luther King Jr. (bên phải) bị cảnh sát dẫn đi khi họ bị bắt tại Birmingham, Alabama vào ngày 12/4/1963. Ảnh: CNN.

Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng này đã viết "Bức thư từ Nhà tù Birmingham" kinh điển của mình vào năm 1963, không phải để đáp lại những hành động thù hận của những người theo chủ nghĩa Da trắng thượng đẳng. Ông hướng tới những người da trắng ôn hòa với thái độ thờ ơ trước nỗi khổ của người da đen sống dưới sự phân biệt, và những người "cống hiến cho trật tự hơn là cho công lý".

Người da trắng dửng dưng trước sự tàn bạo của cảnh sát là lý do khiến nhiều người da đen tiếp tục chết tức tưởi như Floyd.

Chính sự thờ ơ của người da trắng là lý do ở một số bang, người da màu gặp nhiều khó khăn khi bỏ phiếu hơn người da trắng.

Chính sự thờ ơ của người da trắng đã buộc nhiều học sinh da màu đi học tại các trường công lập tách biệt về chủng tộc với nguồn lực nghèo nàn.

Chính sự thờ ơ của người da trắng đã khiến nhiều người trong ngành y tế tưởng rằng người da đen không biết đau như người khác.

Chính sự thờ ơ đã khiến nỗi đau của người da đen trở nên vô hình, giống như những gì đã xảy ra với Floyd.

Các hành vi bạo lực phân biệt chủng tộc của người da trắng đang chiếm trọn mặt báo. Nhưng thực ra, hình thức phân biệt chủng tộc phổ biến nhất bắt đầu từ khi các thẩm phán, cảnh sát, chính trị gia và người da trắng cố tình “nhìn sang hướng khác” để lờ đi những gì đang xảy ra ngay trước mặt họ.

Sự thờ ơ của Chauvin chống lại chính ông ta

Tuy nhiên, thật khó để kịch tính hóa sự thờ ơ của người da trắng. Những bức ảnh thể hiện thái độ dửng dưng thường không được lan truyền.

Nhưng rồi Chauvin đã phá vỡ tiền lệ đó. Các công tố viên tại phiên tòa xét xử ông ta đã nhận ra chính sự thờ ơ, chứ không chỉ độc ác của ông ta, là một phần lớn lý do khiến Floyd chết.

Họ tập trung vào ngôn ngữ cơ thể của Chauvin trong lúc bắt giữ Floyd và sự dửng dưng trên khuôn mặt ông ta khi đè Floyd xuống đất. Họ nói trước bồi thẩm đoàn Chauvin tỏ ra "thờ ơ" với những lời cầu xin giúp đỡ của Floyd. Họ cho biết Chauvin và các sĩ quan khác có mặt tại hiện trường chỉ tán gẫu về mùi chân của Floyd và nhặt đá dưới lốp xe một cách ngu xuẩn trong khi Floyd chết ngay trước mặt họ.

Các công tố viên đã khắc họa lại vụ án mà trong đó họ buộc bồi thẩm đoàn nhìn nhận Floyd là một con người.

Công tố viên Steve Schleicher trong phiên tòa xét xử Chauvin. Ảnh: CNN.

Công tố viên Steve Schleicher nói trong phần kết luận của mình: "Chỉ là một con người, một người đàn ông đang bị đè đến ngạt thở trên vỉa hè, kêu khóc tuyệt vọng. Một người đàn ông trưởng thành, mà phải khóc gọi tên mẹ mình”.

Tuy nhiên, có một khoảnh khắc cái nhìn thờ ơ của Chauvin tan vỡ.

Đó là vào cuối phiên tòa, khi thẩm phán đọc bản luận tội. Chauvin hoài nghi, rồi hoảng loạn. Đôi mắt ông ta mở to bàng hoàng, kinh ngạc. Và có lẽ trong khoảnh khắc đó, khi bị còng tay và dẫn đi, ông ta đã thấm thía nỗi kinh hoàng mà rất nhiều người da màu đã phải chịu đựng.

Thách thức cho tương lai

Khi các nhà hoạt động sử dụng vụ án của George Floyd để thúc đẩy cảnh sát cải cách mạnh mẽ hơn, bức tường thờ ơ này có thể là thách thức lớn nhất đối với họ. Có rất nhiều đề xuất phức tạp để cải cách chính sách: Một lệnh cấm liên bang đối với các hành động ghì đè gây ngạt thở và bạo lực, xem xét quyền miễn trừ của chính quyền trong các vụ kiện dân sự và ngăn chặn quân sự hóa cảnh sát khu vực.

Ánh mắt hoài nghi và cái nhăn trán của Chauvin khi bản luận tội được đọc lên. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, phần lớn những tiến bộ trong cải cách cảnh sát sẽ phụ thuộc vào câu hỏi: Liệu có đủ các nhà lập pháp và thẩm phán xem những người da màu đang bị ngược đãi bởi hệ thống tư pháp như những đồng loại không? Hay vẫn sẽ tiếp tục coi họ là "côn đồ", "kẻ săn mồi", hay "siêu nhân"?.

Lịch sử cho thấy đây sẽ là một thách thức rất lớn, bởi sự thờ ơ của người da trắng có khả năng phục hồi rất nhanh. Điểm mạnh của nó là sự lẩn khuất - nó thường không gây chú ý, và “thủ phạm” thường không biết họ coi người khác là vô hình.

Trong cuốn sách "Cuộc đua trong tâm trí người Mỹ: Phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn giữa người da đen và người da trắng" của mình, nhà tâm lý học Paul L. Wachtel đã viết những gì thường được gọi là phân biệt chủng tộc có thể được mô tả một cách chính xác hơn chính là sự thờ ơ.

Ông viết: “Có lẽ chưa có điểm nào khác trong thái độ của người da trắng […] chịu trách nhiệm lớn về nỗi đau và sự mất mát của người da đen thiểu số ở đất nước này phải trải qua hiện giờ như sự thờ ơ… Và cả việc bị hiểu lầm hoặc bỏ qua nữa".

Có lẽ “Hình ảnh 17” trong phiên tòa xét xử Chauvin sẽ thay đổi điều đó.

Nhiều người không thể xem toàn bộ video về Floyd. Nó quá đau đớn. Nhưng rất nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh Chauvin chán chường trong khi mạng sống của một người đàn ông da đen bị vắt kiệt dưới chân hắn.

Dòng chữ "Defund The Police" kêu gọi cắt giảm ngân sách chi cho cảnh sát được sơn trên Đường 16 gần Nhà Trắng vào ngày 8/6/2020 ở Washington. Ảnh: CNN.

Cũng như khi các nhà hoạt động kêu gọi những thay đổi mạnh mẽ sau phán quyết của tòa, khuôn mặt của Chauvin có thể là một lời cảnh tỉnh.

Sự thờ ơ, không phải ghét bỏ, có thể là trở ngại lớn nhất đối với công cuộc cải cách cảnh sát.

8 phút 46 giây George Floyd bị cảnh sát Mỹ ghì cổ dẫn tới tử vong Tại nơi xảy ra cái chết của người đàn ông 46 tuổi George Floyd, có đến 4 camera ghi lại sự việc ở các góc quay khác nhau. Từ đó, toàn bộ quá trình có thể thấy rõ.

Khánh Linh

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-dang-so-hon-ca-su-thu-ghet-trong-anh-mat-cua-derek-chauvin-post1208045.html