Điều dưỡng của những bệnh nhân đặc biệt

Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) là nơi điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần. Do vậy, việc tiếp nhận, chăm sóc cho những bệnh nhân đặc biệt này khiến các điều dưỡng gặp không ít vất vả, thậm chí họ còn thường xuyên bị chửi mắng do bệnh nhân lên cơn hoặc bị kích động.

Điều dưỡng Hoàng Thị Hội đang rửa vết thương cho một bệnh nhân điều trị tại Khoa Người cao tuổi. Ảnh: Mai Chi

Điều dưỡng Hoàng Thị Hội đang rửa vết thương cho một bệnh nhân điều trị tại Khoa Người cao tuổi. Ảnh: Mai Chi

* Hết lòng chăm sóc

Chị Nguyễn Thị Thắm, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho biết: “Bệnh nhân nổi loạn ở bệnh viện này hầu như ngày nào cũng có, đặc biệt là ở Khoa Cấp cứu. Việc nhân viên y tế bị tấn công không còn là chuyện lạ, nhất là những bệnh nhân đang lên cơn ngáo đá, hoặc bị kích động”.

Mỗi ngày, một điều dưỡng của bệnh viện phải tiếp xúc, chăm sóc từ 30-40 bệnh nhân. Tất cả mọi việc từ ăn, uống hay vệ sinh cá nhân đều do các điều dưỡng cáng đáng.

“Bệnh nhân tâm thần lên cơn khi nào thì không ai biết trước được, nhẹ thì đập phá đồ đạc, nặng thì đuổi đánh những bệnh nhân khác, thậm chí cả nhân viên y tế, lúc thì trốn viện. Đến bữa ăn, điều dưỡng phải đút cho bệnh nhân ăn. Đang ăn, bệnh nhân phun thẳng cơm, nước bọt vào mặt mình là chuyện như cơm bữa” - chị Nguyễn Thị Thắm kể.

Gắn bó với nghề điều dưỡng tại bệnh viện 15 năm, chị Lê Hải Yến, điều dưỡng của Khoa Lao/HIV kể: “Mỗi bệnh nhân có một hoàn cảnh riêng. Như ở khoa Lao/HIV có một cụ ông đã ở đây hơn 30 năm. Mỗi lần chúng tôi cho uống thuốc, ông lại nói: “Uống làm gì, trước sau gì cũng chết”, rồi vùng vằng không chịu hợp tác. Tuy nhiên, bằng lương tâm của người làm nghề, chúng tôi vẫn hết lòng chăm sóc, giải thích cặn kẽ căn bệnh để ông hợp tác điều trị. Bởi vậy, những lúc tỉnh, ông còn phụ chúng tôi chăm sóc những bệnh nhân nặng hơn. Đối với chúng tôi, đó là một ngày thật hạnh phúc”.

* Thương cảm với bệnh nhân

15 năm gắn bó với công việc điều dưỡng tại bệnh viện, chị Hoàng Thị Hội, Điều dưỡng trưởng Khoa Người cao tuổi vẫn chưa thể quên những ngày bắt đầu công việc ở nơi đây. Chị Hội kể: “Ngày đầu thi tuyển vào Bệnh viện tâm thần trung ương 2, tôi rất háo hức và xác định mình học điều dưỡng là để phục vụ bệnh nhân. Thế nhưng, ngày thứ hai đi làm, lúc đang cùng một đồng nghiệp cấp thuốc, tôi bất ngờ khi bị một bệnh nhân chửi mắng”.

Thời gian trôi qua, chị hiểu hơn về những bệnh nhân điều trị các bệnh tâm thần, dần dần đồng cảm, thương những cảnh đời kém may mắn này và càng thêm yêu nghề. “Thật ra, các bệnh nhân tâm thần có kích động cũng là do họ không làm chủ được mình. Chúng tôi càng thấy thương họ hơn vì đó là nỗi đau của những người mang bệnh bị nhiều người xa lánh”- chị Hội nói.

Để chăm sóc, thuyết phục bệnh nhân tuân thủ điều trị, các điều dưỡng luôn tìm cách gần gũi, làm bạn, làm người thân với bệnh nhân. “Chúng tôi luôn tìm cách giải thích cho người bệnh hiểu nếu điều trị tốt họ có thể sống thêm nhiều năm, nhưng thật không hề dễ dàng. Có bệnh nhân đòi đánh cả điều dưỡng vì nghĩ rằng việc chúng tôi đang làm kéo dài thêm sự đau đớn cho họ. Nhưng bằng lương tâm nghề nghiệp, chúng tôi chấp nhận những cơn nóng nảy đó để thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là những suy nghĩ tiêu cực nhất thời khi họ đang phải gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần của bệnh tật” - chị Thắm chia sẻ.

Mai Chi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/dieu-duong-cua-nhung-benh-nhan-dac-biet-2989270/