Điều gì đã xảy ra với Nhật Bản?

Vào đầu những năm 1990, nhiều người Mỹ – đặc biệt là các học giả, cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp và phần lớn công chúng – bị ám ảnh bởi sự trỗi dậy của Nhật Bản. Hai trong số những cuốn sách bán chạy nhất năm 1992 là 'Mặt trời mọc' của Michael Crichton, kể về những gì ông hình dung là ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn Nhật Bản, và cuốn 'Đối đầu: Cuộc chiến kinh tế sắp tới giữa Nhật Bản, châu Âu và nước Mỹ'.

Các hiệu sách ở sân bay đầy những cuốn sách có bìa là hình các chiến binh samurai, với mục đích dạy bí quyết quản lý của người Nhật.

Nguồn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.

Ngày nay, tâm điểm lo lắng về cạnh tranh toàn cầu đã chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc, vốn là một siêu cường kinh tế thực sự. Nếu tính theo sức mua, nền kinh tế của nước này đã lớn hơn của nước Mỹ. Nhưng Trung Quốc gần đây dường như đang chùn bước.

Nhưng trước hết cần nói vài điều về những gì đã xảy ra với Nhật Bản.

Vào cuối những năm 1980, Nhật Bản trải qua một bong bóng bất động sản và chứng khoán khủng khiếp, cuối cùng vỡ tung. Ngay cả bây giờ, chỉ số chứng khoán Nikkei trung bình vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh vào năm 1989. Khi bong bóng vỡ, nó để lại đằng sau các ngân hàng gặp khó khăn và nợ công ty treo lơ lửng, dẫn đến một thế hệ kinh tế trì trệ.

Có một số sự thật trong các khía cạnh của câu chuyện trên, nhưng nó bỏ qua yếu tố quan trọng nhất trong sự suy giảm tương đối của Nhật Bản: nhân khẩu học.

Do mức sinh thấp và không sẵn sàng chấp nhận người nhập cư, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm khá nhanh kể từ giữa những năm 1990. Cách duy nhất nước Nhật có thể tránh suy giảm tương đối về quy mô nền kinh tế là đạt tốc độ tăng năng suất trên mỗi lao động nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, điều mà đất nước Mặt trời mọc đã không làm được.

Tuy nhiên, xét về nhân khẩu học, Nhật Bản đã không làm quá kém. So sánh về tăng trưởng của Mỹ và Nhật Bản về GDP thực tính trên đầu người trong độ tuổi lao động kể từ năm 1994 cho đến gần đây, Nhật Bản đã chứng kiến mức tăng 45%. Dù vẫn thấp hơn một chút so với tốc độ tăng của Mỹ, nhưng điều này hầu như không phù hợp với câu chuyện về sự trì trệ của Nhật Bản.

Quản lý một nền kinh tế với dân số trong độ tuổi lao động đang suy giảm là điều khó khăn, bởi vì tốc độ tăng trưởng dân số thấp có xu hướng dẫn đến đầu tư yếu. Quan sát này là trung tâm của giả thuyết đình trệ trường kỳ; giả thuyết nói rằng các quốc gia có tốc độ tăng dân số yếu có xu hướng gặp khó khăn dai dẳng trong việc duy trì công ăn việc làm đầy đủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản đã tránh được tình trạng thất nghiệp hàng loạt. So với Mỹ, tỷ lệ nam giới có việc làm trong độ tuổi 25-54 của Nhật Bản luôn cao hơn hẳn.

Còn với người trẻ, Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (độ tuổi 15-24) trong những năm 1990, nhưng tình hình đã bị đảo ngược kể từ đó và tỷ lệ này đến năm 2020 chỉ còn hơn 4%, trong khi cùng thời gian này tỷ lệ thanh niên ở cùng độ tuổi của Trung Quốc bị thất nghiệp lại tăng vọt, lên hơn 12%.

Vì vậy, hoạt động kinh tế của Nhật Bản kể từ những ngày mà mọi người nghĩ rằng nước này sẽ thống trị thế giới thực sự khá tốt. Việc làm đã được duy trì một phần nhờ thâm hụt chi tiêu lớn và nợ của Nhật Bản đã tăng vọt.

Đã có không ít dự đoán về một cuộc khủng hoảng nợ của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua, nhưng điều đó đã không thành hiện thực. Theo một cách nào đó, Nhật Bản, thay vì là một câu chuyện cảnh báo, lại là một hình mẫu – một ví dụ về cách quản lý nhân khẩu học khó khăn trong khi vẫn thịnh vượng và ổn định xã hội.

Nhiều người nói rằng xã hội Nhật Bản năng động và sáng tạo về mặt văn hóa hơn nhiều so với những gì người ngoài nhận thấy. Nếu bạn nghĩ Nhật Bản là một xã hội mệt mỏi, trì trệ thì bạn đã nhầm.

Theo The New York Times

Ngọc Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dieu-gi-da-xay-ra-voi-nhat-ban/