Điều gì đang chờ đợi xuất khẩu gỗ Việt?

Khép lại một năm 2019 thành công rực rỡ, ngành chế biến và XK gỗ của Việt Nam bước sang năm 2020 với nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Muốn duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững, đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất là yêu cầu căn bản, cốt lõi từng bước phải triển khai.

Năm 2020, ngành lâm sản đặt mục tiêu XK đạt từ 12.5 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thanh

Cơ hội còn nhiều

Đánh giá về những cơ hội mở ra với ngành gỗ năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Hiện nay, kim ngạch XK đồ gỗ nội thất của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% trong 150 tỷ USD thương mại đồ gỗ nội thất toàn cầu. Các DN có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần XK.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ 1/6/2019 sẽ ngày càng mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi XK sang EU. Ngoài ra, tại thị trường Mỹ, nhu cầu mặt hàng gỗ từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc…

XK gỗ, lâm sản năm 2019 đạt xấp xỉ 11,2 tỷ USD, vượt kế hoạch đặt ra (10,5 tỷ USD). Trong khi đó, NK gỗ nguyên liệu trong năm 2019 tăng 9,3% so với năm 2018, thấp hơn so với tăng trưởng XK gỗ, lâm sản (19,2%). Điều này chứng tỏ lượng gỗ nguyên liệu trong nước ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu chế biến XK của các DN.

Một trong những yếu tố thuận lợi không thể không nhắc tới là Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như: Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Việt Nam-EU; Việt Nam- ASEAN; Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Chi Lê; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam-Trung Quốc; Việt Nam -Thái Lan. Điều này giúp thuế NK nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của Việt Nam. Đây là những cơ hội tốt để các DN gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.

Dù vậy, Tổng cục Lâm nghiệp cũng nhìn nhận, toàn ngành đã và đang phải đối diện không ít thách thức trong năm 2020. Đó là, nguy cơ các DN bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, DN tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao, tìm kiếm mặt bằng xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất do phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác. Việc xây dựng mối liên kết giữa các DN sản xuất, chế biến và XK với người trồng rừng để tạo sự chủ động trong nguồn cung nguyên liệu, nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng còn hạn chế, dẫn đến, gỗ rừng trồng bị khai thác sớm, gỗ nhỏ, chất lượng thấp. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chủ yếu phải NK, chi phí cao nên giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh…

Đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị

Năm 2020, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu giá trị XK lâm sản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với 2019. Trong đó: Sản phẩm gỗ 8,68 tỷ USD; gỗ 2,99 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 0,83 tỷ USD. Về thị trường XK, Mỹ vẫn là trụ cột lớn nhất với 6,1 tỷ USD, tăng 15%; tiếp đến là Nhật Bản 1,52 tỷ USD, tăng 10%; EU 1,13 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc 1,21 tỷ USD, tăng 5%...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu toàn ngành cần tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng giống thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như XK. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cần quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, chi trả và hoàn thiện những cơ chế chính sách về hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi, không chỉ là cải cách hành chính mà kể cả điều kiện về cơ sở hạ tầng để người dân, DN kinh doanh phát triển...

Về tầm nhìn dài hơi hơn, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định trong trung hạn, định hướng là mở rộng đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất – thiết kế - thương mại đến thương hiệu. Hiện nay, hầu hết giá trị của ngành chế biến lâm sản Việt Nam vẫn nằm trong lĩnh vực sản xuất. Để đạt mục tiêu XK trong năm 2020 cũng như con số 20 tỷ USD vào năm 2025, ngành không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất. Trong một sản phẩm gỗ, nguyên vật liệu và sản xuất chỉ chiếm 30% giá trị, 70% còn lại là giá trị thiết kế. Sản phẩm có thiết kế đẹp giá bán càng cao. Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay cạnh tranh về chất lượng và tất yếu trong tương lai là cạnh tranh về thiết kế trong khuynh hướng cá nhân hóa ngày càng cao. Bởi vậy, thiết kế và thương mại, thương hiệu đóng vai trò sống còn tạo ra sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam trong tương lai.

Về dài hạn, theo Tổng cục Lâm nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung là yếu tố quan trọng. Phân bố vùng sản xuất và chế biến của ngành gỗ và nội thất hiện nay tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh truyền thống: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Định. Tại các vùng này nên tập trung khai thác lợi thế cốt lõi sản xuất, hướng đến mô hình các khu sản xuất tập trung nhằm tận dụng tối đa lợi thế nguồn lực của vùng và hỗ trợ từ các ngành liên quan. Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế của TP HCM, Hà Nội vốn là các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của cả nước để tập trung phát triển các giá trị mềm như thiết kế, cầu nối thương mại, hội chợ, đào tạo và chuyển giao công nghệ…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dieu-gi-dang-cho-doi-xuat-khau-go-viet-118786-118786.html