Điều gì đang xảy ra với trẻ đằng sau cánh cửa lớp học, trường học?

Cuối clip tát, đánh nhiều học sinh trong giờ kiểm tra, cô Thu Trang ở Hải Phòng, nói: 'Khóc à, lớp tôi mà khóc là tôi đóng cửa, tôi tẩn cho'. Đã đến lúc tất cả chúng ta phải trả lời câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với trẻ đằng sau cánh cửa lớp học, trường học?

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường phát triển tài năng và tính cách John Robert Power, từng công tác tại Sở GDĐT TPHCM cho biết bà ám ảnh với câu nói của cô Trang ở cuối clip cô tát, đánh trẻ: "Khóc à, lớp tôi mà khóc là tôi đóng cửa, tôi tẩn cho".

Cách mà cô Trang, cô Vân đánh trẻ, tát trẻ, mắng nhiếc, gọi trẻ bằng” con, thằng, ông, bà” qua clip cho thấy việc đánh đập, bạo hành trẻ không phải không chỉ vì nóng nảy quá, vì những tình huống không kềm chế được…mà các cô đánh trẻ rất “chuyên nghiệp”.

Trẻ quen cũng đánh “Lớp tôi, tôi đóng cửa, tôi tẩn cho”. Trẻ mới gặp cũng đánh chỉ vì “không thể hiểu nổi học sinh lớp này". Lý do đánh nào là: Quên dấu chấm - đánh; ra khỏi chỗ - đánh; mất bài thi - đánh; viết chậm - đánh...

Các cô đánh xối xả như một thói quen, quen tay đến nỗi xem đó là điều bình thường, các cháu cũng nín nhịn như một thói quen. Hàng chục đứa trẻ không ai dám lên tiếng, hai cô cứ bình tĩnh mà đánh.

Hình ảnh cô giáo tát học sinh ở Hải Phòng.

Đánh đập, mắng nhiếc lúc này đã trở thành phương pháp giáo dục duy nhất. Và tệ hơn nó trở thành xác tín trong quan điểm về cách hành xử của cô đối với học trò của mình và cả trong trong quan điểm về xây dựng kỹ luật lớp học.

Bà Thụy Anh đặt ra những câu hỏi lương tri nhức nhối: Cả trường có ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn, khối trưởng... mà sao giáo viên chỉ cần đóng cửa là có thể ngang nhiên bạo hành trẻ?

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà bạo hành thể xác và lời nói diễn ra mỗi ngày như không khí chúng đang thở như vậy sẽ trở thành những công dân như thế nào trong năm, mười năm nữa? Những đứa trẻ bị đánh và cả những đứa trẻ hôm nay đang lặng im nhìn bạn bị đánh?... Đáng sợ hơn là trẻ trở nên bình thường với những cái bất bình thường trong xã hội.

"Con cái là của để dành" và chúng ta đang giao "của để dành" cho những ngôi trường, cô giáo mà ở đó chỉ cần đóng cửa lại thì kể cả tiếng khóc thét của con chúng ta khi bị bạo hành cũng không được nghe thấy.

Bố mẹ lại bận rộn mưu sinh đến mức không còn thời gian cho “của để dành của mình” , không còn thời gian để lắng nghe con, trò chuyện cùng con. Để rồi, tiếng khóc thét đằng sau cánh cửa mãi mãi là bí mật con mang theo của nhiều đứa trẻ, mãi mãi cướp đi tuổi thơ của con!

Là một người hoạt động giáo dục và cũng là một người mẹ, bà Thụy Anh nghẹn ngào: "Sự việc cô Trang, cô Vân, chuyện những đứa trẻ lớp 2 ở trường Tiểu học Quán Toan là câu chuyện của tôi, của bạn... . Trẻ em là tài sản quý nhất. Nhưng đến trường, các em phải mang những "bí mật" khủng khiếp, về nhà cha mẹ bận rộn. Vậy ai sẽ là người trẻ tìm đến khi không cảm thấy an toàn?"

Theo Hoài Nam/Dân Trí

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-tre-dang-sau-canh-cua-lop-hoc-truong-hoc-734206.ldo