Điều gì diễn ra tại trụ sở Alibaba khi công an ập đến?

Khi công an ập đến, khám xét trụ sở Alibaba, nhiều nhân viên nháo nhác chạy ra bên ngoài. Một số vào quán cà phê, thay quần áo và im lặng đợi tin tức.

Lúc đó khoảng hơn 13h, khu Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM) đang nghỉ trưa, lại có cơn mưa lớn, nên con đường vắng vẻ hơn mọi hôm. Khung cảnh thay đổi nhanh chóng khi một đoàn xe cảnh sát nối dài ập đến và đậu trước trụ sở Địa ốc Alibaba tại số 120-122 đường Kha Vạn Cân.

Nhân viên chạy ra quán cà phê, thay quần áo để che đi đồng phục

Cảnh sát nhanh chóng triển khai đội hình gồm hàng chục chiến sỹ cảnh sát cơ động. Nhà chức trách đi vào trụ sở công ty có hàng trăm nhân viên. Bên ngoài là sự tò mò dõi theo của người dân và báo chí, bất chấp trời đổ mưa lớn.

Bà Nguyễn Đào, một người gốc Bắc, buôn bán gạo ở đường Kha Vạn Cân, đã quá quen thuộc với khung cảnh buôn bán đất kiểu đa cấp kiểu Alibaba. Văn phòng Địa ốc Alibaba chuyển về đây gần 2 năm trước, kéo theo khối lượng nhân viên lên đến cả nghìn người.

Điểm chung của các nhân viên là mặc đồng phục sơ mi áo trắng, đóng thùng, quần tối màu. Trên áo có logo của địa ốc Alibaba. Ngoại hình được cho là chuyên nghiệp giống cách vị Chủ tịch kiêm CEO của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Luyện, thường xuyên xuất hiện.

Bên ngoài trụ sở Alibaba. Ảnh: Hà Bùi.

Bên ngoài trụ sở Alibaba. Ảnh: Hà Bùi.

“Hôm nào căng tin công ty không nấu ăn, nhân viên ùa ra đường ăn trưa như ong vỡ tổ. Các quán cơm, quán phở, tiệm cà phê xung quanh trụ sở cũng làm ăn phát đạt nhờ nhân viên Alibaba”, bà Đào chia sẻ.

Theo người dân sống xung quanh trụ sở Alibaba, nhân viên môi giới thường tư vấn dự án qua mạng, sau đó hẹn khách hàng tại trụ sở để giới thiệu dự án. Các quán cà phê xung quanh trụ sở là địa điểm thường xuyên có nhân viên Alibaba tư vấn hoặc trò chuyện cùng khách hàng.

Tại thời điểm công an ập đến, trong những quán cà phê như vậy cũng đang có rất nhiều nhân viên Alibaba. Cũng không ít người trốn khỏi văn phòng công ty khi thấy bóng lực lượng chức năng.

“Nhân viên chạy ùa đến khi công an ập vào. Họ nhanh chóng thay đồng phục hoặc kiếm áo khoác ngoài để che đi logo Alibaba. Sau đó, họ ngồi im trong quán để nghe ngóng thông tin, cập nhật tin tức trên các báo điện tử”, chủ một quán cà phê nhớ lại.

Khách hàng của Alibaba chủ yếu là người Đồng Nai

Theo người dân sống cạnh trụ sở Alibaba, khách hàng đến giao dịch chủ yếu là người Đồng Nai, trong đó không ít người đến từ các vùng nông thôn.

“Vào ngày cuối tuần là khách đến đông đảo nhất. Họ ra vào tập nập như trẩy hội. Nhân viên áo trắng từng tốp đưa đón, chào hỏi khách hàng tận tình. Chẳng ai biết bên trong họ làm những gì cả. Những khách nào chốt giao dịch thường được tặng cà phê mang về”, một người dân tên Hồng nói.

Trong lúc công an đang làm việc bên trong trụ sở, người dân và báo chí bắt đầu tập trung ngày càng đông hơn bên ngoài. Tin tức về việc 2 lãnh đạo Alibaba, gồm Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Thái Luyện và em trai, ông Nguyễn Thái Lĩnh, giám đốc doanh nghiệp, bị bắt nhanh chóng lan truyền. Trên mạng xã hội, phần lớn là những bình luận tỏ thái độ hả hê với động thái của cơ quan chức năng.

Alibaba nổi tiếng bán các dự án "ma". Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều bình luận cho rằng Alibaba đã có dấu hiệu lừa đảo rất rõ ràng, kéo dài và ở nhiều địa phương khác nhau. Doanh nghiệp này chủ yếu rao bán các dự án “ma” với lời quảng cáo có hạ tầng, sổ đỏ và cơ hội sinh lời cao. Trong khi đó, lô đất đó thực chất chưa được quy hoạch hoặc không thuộc sở hữu của Alibaba.

“Đáng lẽ ra cơ quan chức năng phải làm việc này lâu rồi mới đúng”, một người tên Hoàng Đức chia sẻ.

Trong khi đó, một người tên Nguyễn Bình Nam cho rằng vẫn còn khá nhiều trụ sở của Alibaba trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Do đó, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để làm rõ đúng sai. Người này cũng mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ những người bị Alibaba lừa đảo để đòi lại quyền lợi.

Alibaba - một doanh nghiệp kỳ lạ

Dù bị hàng chục cảnh sát vây kín trụ sở, nhiều nhân viên Alibaba tại trụ sở vẫn cảm thấy bình thản. Thậm chí, một số vẫn khẳng định "niềm tin với lãnh đạo và công ty".

Một nhân viên môi giới của Alibaba xin giấu tên, sinh năm 1991, quê Đắk Nông, chia sẻ không cảm thấy bất ngờ về vụ việc. Anh này nghe nói nhiều về lùm xùm của Alibaba, ngay cả trước khi về làm việc cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, với việc được huấn luyện về tinh thần làm việc, kỷ luật, được đãi ngộ tốt, nam thanh niên cho biết vẫn sẽ tiếp tục công việc cùng Alibaba.

Anh này còn chia sẻ, trong nội bộ công ty cũng đã có sự chuẩn bị để đề phòng lãnh đạo không thể trực tiếp điều hành. Khi đó, Alibaba vẫn có thể hoạt động bình thường, thậm chí tiến tới mở chi nhánh 63/63 tỉnh thành khác nhau.

Chiều 18/9 được coi là khoảng thời gian sóng gió với Alibaba khi lãnh đạo doanh nghiệp này bị bắt. Ảnh: An Huy.

Nhân viên môi giới cho biết trước kia từng làm nhân viên cho một doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Do mức lương thấp và công việc vất vả, anh về đầu quân cho Alibaba. Nhân viên ở đây được nhận lương cứng 4 triệu đồng, trợ cấp chuyên cần 1 triệu đồng, trợ cấp ăn trưa 1 triệu đồng. Các nhân viên có bằng đại học sẽ nhận thêm phụ cấp 800.000 đồng/tháng. Ngoài ra, với mỗi giao dịch thành công, nhân viên sẽ được nhận ngay 3% hoa hồng. Do đó, đây được coi là mức thu nhập cao, đặc biệt với những người trẻ, không có bằng cấp hiện tại.

Khi được nhận vào làm, họ sẽ được huấn luyện kỹ càng thái độ làm việc, tinh thần, kiến thức về dự án.

Nhân viên môi giới này còn kể rằng có thể dễ dàng gặp và nói chuyện với Chủ tịch công ty, ông Nguyễn Thái Luyện, khi gặp vấn đề gì đó.

“Anh Luyện nói chuyện rất cởi mở và hay động viên chúng tôi làm việc. Hòa mình vào công việc có tổ chức, có mức lương tốt là lý do tôi vẫn làm việc cho công ty này dù có biết bao lùm xùm xảy ra”, anh này chia sẻ.

Khi được hỏi liệu nhân viên có biết công ty mình có dấu hiệu sai trái khi kinh doanh, bị điều tra hay không, nhân viên này chỉ nói rằng công ty vẫn làm ăn bình thường và không bình luận gì thêm.

“Tôi sẽ vẫn làm việc ở đây dù công ty xảy ra chuyện gì”, anh này chia sẻ.

Cùng lúc đó, ngay bên kia đường, Chủ tịch địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện cùng giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh, em trai ông Luyện, vẫn đang làm việc với cơ quan chức năng.

Cảnh sát khám xét trụ sở, bắt lãnh đạo Địa ốc Alibaba Vào đầu giờ chiều 18/9, nhiều cảnh sát cơ động, công an đã có mặt tại trụ sở Địa ốc Alibaba ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Chủ tịch và giám đốc công ty đều bị bắt.

Hiếu Công - Hà Bùi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dieu-gi-dien-ra-tai-tru-so-alibaba-khi-cong-an-ap-den-post991530.html