Điều gì khiến Ấn Độ thoải mái mua vũ khí Nga mà không sợ Mỹ trừng phạt?

Trong khi những quốc gia khác chỉ cần thực hiện một thương vụ mua sắm vũ khí Nga với giá trị nhỏ là đã bị Washington trừng phạt nặng nề thì thật ngạc nhiên khi Ấn Độ lại chẳng mấy chịu ảnh hưởng.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/10, Moskva và New Delhi đã ký kết nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí với giá trị cực lớn, lên tới 7 tỷ USD.

Theo các thông tin công khai, Nga sẽ cung cấp cho Ấn Độ 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400, 3 tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356M, cùng nhiều khí tài hỗ trợ khác.

Ngay khi thông tin trên được công bố nhiều người đã nghĩ đến một loạt biện pháp trừng phạt đối với New Delhi tương tự như cách mà Mỹ thực hiện với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Trung Quốc

Căn cứ để Mỹ áp đặt các lệnh cấm lên những quốc gia trên chính là Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt, gọi tắt là CAATSA.

Nội dung đạo luật quy định rõ, nếu những quốc gia đã mua vũ khí Nga thì sẽ không có cơ hội tham gia các chương trình hợp tác quân sự, cũng như mua vũ khí mà trong đó sử dụng thành phần linh kiện do Mỹ sản xuất.

Một ví dụ điển hình cần nhắc tới đó là trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là bên góp vốn vào chương trình tiêm kích tàng hình F-35 nhưng Ankara đang không được phép mang F-35 về nhà khi vẫn quyết tâm mua S-400

Song thật ngạc nhiên khi văn bản cuối cùng trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm 2019 đã miễn trừ việc áp dụng CAATSA đối với Ấn Độ.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ những chuyến vận động hành lang bền bỉ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông tích cực gặp gỡ các thành viên của cả Thượng viện lẫn Hạ viện để thuyết phục, trong bức thư của mình ông đã nêu rõ:

"Câu hỏi cơ bản mà chúng ta phải tự hỏi chính là chúng ta có muốn tăng cường quan hệ đối tác với những quốc gia ở khu vực quan trọng hay không, hoặc rời bỏ để họ không còn lựa chọn nào khác ngoài quay sang với Nga, qua đó phá hoại cơ hội trong cả một thế hệ để gắn kết chặt chẽ hơn các nước nằm trong tầm nhìn của Mỹ về an ninh và ổn định toàn cầu".

Ông Mattis nhấn mạnh rằng bất cứ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ đối với Ấn Độ cũng sẽ kéo lùi mối quan hệ trở lại ít nhất một thập kỷ, thậm chí nhiều hơn, và điều này đã thuyết phục được các nhà lập pháp Mỹ.

Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra hai điều kiện miễn trừ CAATSA cho Ấn Độ và yêu cầu New Delhi phải đáp ứng ít nhất một, đó là giảm phụ thuộc vào Nga và tăng cường đáng kể hợp tác với Hoa Kỳ, rất may khi cả hai điều kiện trên được New Delhi đáp ứng khá dễ dàng

Việc mua sắm quốc phòng của Ấn Độ thực sự khá đa dạng theo thời gian. Các công ty quốc phòng Mỹ trên thực tế đã vượt đối thủ đến từ Nga.

Số liệu được Quốc hội Ấn Độ cung cấp đã ghi rõ, trong 3 năm qua, New Delhi đã ký 13 hợp đồng với phía Mỹ, tổng giá trị đạt 228 tỷ Rupi, trong khi với Nga chỉ là 12 hợp đồng trị giá 88 tỷ Rupi.

Trong tương lai, Mỹ đang đứng trước cơ hội rất lớn bán được cho Ấn Độ dây chuyền lắp ráp tiêm kích hạng nhẹ F-16 Block 70/72 Viper, máy bay vận tải C-17, trực thăng tấn công AH-64E hay công nghệ máy phóng cho tàu sân bay...

Những hợp đồng trên dự kiến sẽ mang lại cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ một khoản tiền cực lớn, thậm chí lớn hơn nhiều lần giá trị số vũ khí mà New Delhi mới mua của Nga.

Rõ ràng với thực tế trên, giới tài phiệt Mỹ chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội xâm nhập thị trường đầy tiềm năng mà việc áp dụng biện pháp cấm vận mang lại hại nhiều hơn lợi, đây chính là bí quyết cốt lõi giúp Ấn Độ thoát được việc áp dụng đạo luật CAATSA.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-dieu-gi-khien-an-do-thoai-mai-mua-vu-khi-nga-ma-khong-so-my-trung-phat/785472.antd