Điều gì khiến cổ phiếu Sacombank của đại gia Dương Công Minh vẫn trầy trật trong năm 2019?

Trong năm 2019, cổ phiếu STB có vài đợt sóng nhưng không lớn, vẫn dao động xung quanh mệnh giá 10.000 đồng/cp. Điều gì khiến cổ phiếu này cứ mãi èo uột như vậy?

Tính trong vòng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) giảm gần 20% khi giao dịch tại vùng giá 9.950 đồng/cp của phiên 19/12.

Trong năm 2019, cổ phiếu STB có vài đợt sóng nhưng không lớn, vẫn dao động xung quanh mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Sau 4 phiên đỏ điểm và đứng giá, cổ phiếu STB bật tăng trở lại trong phiên ngày 19/12 có lẽ nhờ thông tin hỗ trợ từ việc ước tình hình kinh doanh khả quan cả năm 2019.

Cụ thể, Sacombank dự kiến lợi nhuận 2019 đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông, và cao hơn gần 1.000 tỷ so với thực hiện trong năm 2018.

Tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2019 đạt 457 ngàn tỷ đồng, huy động vốn đạt 413 ngàn tỷ đồng, cho vay hơn 296 ngàn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 1,75%.

Ngoài ra, Chủ tịch Dương Công Minh cũng tiết lộ trong buổi kỷ niệm 28 năm thành lập vừa qua rằng, hoạt động quản trị rủi ro của Sacombank đã phù hợp với chiến lược phát triển cũng như với định hướng của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ Basel II.

Theo đó, Sacombank đã sẵn sàng ứng dụng Basel II vào hoạt động, triển khai thông tư 41 theo đúng lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ ngày 01/01/2020.

 Điều gì khiến cổ phiếu Sacombank vẫn trầy trật trong năm 2019?

Điều gì khiến cổ phiếu Sacombank vẫn trầy trật trong năm 2019?

Tuy lợi nhuận cốt lõi của Sacombank đang cải thiện và các chỉ báo tài chính có xu hướng tích cực, song tốc độ thu hồi tài sản vẫn là yếu tố quan trọng nhất của nhà băng này.

Như số liệu Sacombank vừa ước, tổng tài sản cuối 2019 sẽ là 457 ngàn tỷ đồng thì ghi nhận mức tăng hơn 12% so với cuối năm 2018, vừa đúng với kế hoạch nhà băng này đặt ra. Điều này cho thấy Sacombank đang khẳng định hiệu quả tái cơ cấu từ sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.

Số liệu này phần nào được hỗ trợ từ hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019, Sacombank báo cáo đã thành công xử lý khoản tài sản tồn đọng xấp xỉ 11 ngàn tỷ đồng nhờ vào việc thanh lý các tài sản có giá trị cao.

Diễn biến tích cực này một phần đến từ việc hạ giá bán. Được biết, tất cả các tài sản thanh lý tại TP. HCM (nơi có 90% tài sản thanh lý tọa lạc) đã đăng tải trên website của Sacombank tính từ đầu năm 2019 có mức giảm trung bình 12% từ giá ban đầu

Còn theo thông tin từ tháng 8/2019, Sacombank đang bán các khoản vay có vấn đề khi đấu giá 900 tỷ đồng và các tài sản đảm bảo có giá trị khoảng 2 ngàn tỷ đồng.

Nếu Sacombank nhận được tiền thanh toán cho 2 tài sản đảm bảo lớn là khu công nghiệp Phong Phú và Long An, thì giá trị định giá ngân hàng này sẽ tăng cao hơn.

Nói qua cũng phải nói lại, trong khi hoạt động kinh doanh và xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của Sacombank có cải thiện thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này vẫn tăng đều. Tính riêng 9 tháng, con số này lên tới 1.683 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với mức 1.178 tỷ đồng của cùng kỳ 2018.

Có lẽ chính nỗ lực chuyển hướng sức mạnh doanh thu sang dự phòng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân. Bởi thời điểm này, nhà đầu tư đã quen với việc ngành ngân hàng phần lớn xử lý xong các gánh nặng tài sản có vấn đề. Còn việc hoàn thành kế hoạch đề ra không thu hút được sự chú ý của thị trường trong bối cảnh có nhiều ngân hàng cũng như các ngành khác có định giá rẻ hơn.

Do đó, có lẽ chỉ khi Sacombank xử lý được tài sản đảm bảo tại khu công nghiệp Phong Phú và kế hoạch bán tài sản đảm bảo được công bố ‘sạch sẽ’ thì cổ phiếu STB mới có khả năng đi lên trở lại chăng?

Trước đó, trong bản tin của mình, Sacombank mô tả tài sản cần đấu giá là "Quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú. Quy mô 134 ha, trong đó 67ha đất khu công nghiệp, 67 ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện...). Đã thực hiện đền bù quỹ đất diện tích 120,2 ha, phần còn lại khoảng 13,8 ha chưa đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân".

Những thông tin khác được Sacombank đính kèm là Dự án có thời hạn sử dụng 50 năm, nằm liền kề Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1A 3,7km, cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50 là 3km.

Giá bán khởi điểm là 6.650,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên khi đó, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo tạm ngưng đấu giá và yêu cầu thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án, dù trước đó Sacombank khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện đấu giá.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/dieu-gi-khien-co-phieu-sacombank-cua-dai-gia-duong-cong-minh-van-tray-trat-trong-nam-2019-79467.html