Điều gì khiến ĐBQH đề nghị cấm dịch vụ thám tử tư?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch vụ thám tử tư rất nguy hiểm vì các hoạt động này thu thập rất nhiều thông tin về đời tư, nhưng hiện tại thiếu sự chặt chẽ trong khâu quản lý.

Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cấm dịch vụ "thám tử tư" hoặc đưa vào kinh doanh có điều kiện.

Đại biểu Nghĩa cho biết: "Dịch vụ thám tử tư mục đích cuối cùng để làm gì mà lại bỏ khỏi danh mục cấm? Chúng ta cũng không đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Điều này rất nguy hiểm vì các hoạt động này thu thập rất nhiều thông tin về đời tư.

Ai quản lý những dữ liệu này và dữ liệu này được sử dụng trong những trường hợp nào? Có luật lệ gì khống chế việc sử dụng dữ liệu hay không? Những người đi điều tra đó lưu giữ những dữ liệu đó như thế nào? Ở các nước làm rất chặt chẽ, mình thì thiếu sự chặt chẽ và nghiêm túc trong quản lý dịch vụ này".

ĐBQH đề xuất cấm dịch vụ thám tử tư. Ảnh minh họa.

Đại biểu cũng lấy ví dụ cụ thể: "Dịch vụ xoa bóp mình lại đưa vào kinh doanh có điều kiện nhưng dịch vụ thám tử tư thì không. Một loại dịch vụ nữa là sản xuất kinh doanh nước sạch tôi không thấy trong danh mục có điều kiện và tôi cũng đề nghị xem lại có nằm trong thực phẩm không? Nếu không thì tôi đề nghị đưa vào dịch vụ kinh doanh có điều kiện".

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Theo đại biểu Xuân: "Tôi đề nghị bổ sung quy định về cấm đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ điều tra, nói như đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì đó là dịch vụ thám tử tư".

Nữ đại biểu đoàn Đắk Lắk lý giải rằng, đây là nghành nghề kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này trong quá trình hoạt động có những hành vi lạm dụng các biện pháp điều tra mà pháp luật thì chỉ cho phép một số các cơ quan có thẩm quyền được áp dụng.

Theo đại biểu Xuân, dịch vụ trên tiềm ẩn nguy cơ sử dụng trái phép các thiết bị phần mềm để định vị, ghi âm, ghi hình bí mật hoặc sử dụng các công nghệ cao khác thì sẽ xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân và dễ dẫn đến nguy cơ làm lộ, lọt bí mật nhà nước, đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ thống nhất là có một số loại hình mới phát sinh như các đại biểu nêu như bán bào thai, bóng cười, shisha, thám tử tư.... Bộ ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động và sẽ thống nhất bổ sung các ngành, nghề cần phải cấm vào trong Luật.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dieu-gi-khien-dbqh-de-nghi-cam-dich-vu-tham-tu-tu-2019112015440426.htm