Điều gì khiến nước Nga phải lo lắng trong năm 2017?

Đối với nhiều người dân Nga, năm 2017 có thể sẽ là năm thứ 3 liên tiếp nước Nga phải hứng chịu lệnh trừng phạt và sự cô lập của châu Âu cũng như khả năng nền kinh tế sụt giảm tới mức tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua.

Tuy nhiên, chính trong giai đoạn khó khăn, nước Nga lại chứng kiến sự đoàn kết dân tộc chưa từng có dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin khi ông Putin liên tiếp nhận được hơn 80% sự ủng hộ từ người dân. Phần lớn các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Nga sẽ quay lại đà tăng trưởng vào năm 2017. Ngoài ra, những chính sách của điện Kremlin cũng đang giành phần thắng tại chiến trường Syria và Ukraine trong khi các đối thủ của Moscow ở phương Tây lại đang bị chia rẽ nội bộ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Còn hiện tại, Tổng thống Putin đang đối mặt với những lời cáo buộc liên tiếp từ phía Mỹ về việc đứng đằng sau chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11. Một số quan chức Mỹ còn cho rằng Tổng thống Putin đang lập kế hoạch lật đổ phương Tây, mục tiêu mà Liên Xô cũ đã không thể thực hiện trong suốt 70 năm tồn tại.

"Bản thân tôi cũng không thể tin vào những điều mình nghe thấy. Nhiều người dân Nga cho rằng Tổng thống Putin là người có tầm ảnh hưởng lớn và ít nhất chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng là thắng lợi của ông Putin. Tổng thống Putin bảo vệ chủ nghĩa chống toàn cầu hóa, các giá trị truyền thống và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Đó là điều tôi hiểu ", tờ Business Insider dẫn lời nhà xã hội học hàng đầu của Nga, ông Olga Kryshtanovskaya.

Trong 25 năm qua, người dân Nga đã chứng kiến hàng loat sự kiện từ sự sụp đổ của khối Liên Xô cũ hùng mạnh cho tới một thập niên chìm trong bất ổn kinh tế và xã hội, tiếp đó là một nước Nga hồi phục dưới thời lãnh đạo của ông Putin cho tới khi Moscow đối mặt với khủng hoảng kinh tế và sự cô lập từ cộng đồng quốc tế sau quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào năm 2014.

Nhiều cuộc khảo sát có cùng chung kết quả cho rằng phần lớn người dân Nga đều tỏ ra hoài nghi về việc họ sẽ sớm được chứng kiến những thay đổi tích cực trong năm 2017.

"Hiện chưa có dấu hiệu khả quan nào. Chúng tôi cũng chưa biết mục tiêu phía trước bởi những gì chúng tôi biết chưa thể theo kịp tốc độ diễn ra nhanh chóng của các sự kiện. Bản thân tôi cũng chưa thấy thay đổi tích cực nào ngoại trừ những lời dự đoán", nhà khoa học chính trị Yuly Nisnevich tại Trường Kinh tế ở Moscow nhận định.

Tuy nhiên, theo Business Insider, nhiều người vẫn hy vọng Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo đang ở đỉnh cao quyền lực, sẽ thi hành chương trình cải cách dài hạn để đa dạng hóa nền kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ lẻ và giúp nước Nga giảm phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia.

"Tổng thống Putin đang ở vị trí có thể đi bất cứ đâu nếu muốn. Dù cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra vào năm 2018 nhưng ông Putin vẫn còn nhiều cơ hội để tạo ra những thay đổi thực tế mà không lo bị giới chức cấp cao phản đối bởi năm tới mới là năm 2017", nhà khoa học chính trị Nikolai Petrov chia sẻ.

Ngay cả khi nền kinh tế Nga chứng kiến tăng trưởng vào năm 2017 cùng với việc giá dầu tăng giá, Moscow cũng chưa thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nhanh như 10 năm trước. Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ giúp hàng triệu người dân Nga thoát khỏi cảnh đói nghèo và giúp Tổng thống Putin tiếp tục nhận được tỷ lệ ủng hộ lớn từ dư luận.

Thực tế, những chính sách cải cách kinh tế tại Nga sẽ còn phải đối mặt với không ít thách thức ít nhấtlà trong giai đoạn ngắn hạn. Và hoạt động cải cách kinh tế sẽ gây ảnh hưởng tới phần lớn người dân Nga, những người vốn đang phải sống trong cảnh chất lượng cuộc sống và dịch vụ xã hội sụt giảm cùng với cơ hội việc làm ngày càng ít. Dù chứng kiến một vài cuộc biểu tình, nhưng xã hội Nga vẫn đang thể hiện tinh thần đoàn kết đáng ngạc nhiên trong 3 năm qua. Song câu hỏi đặt ra là liệu tình hình này sẽ kéo dài được bao lâu?

"Người dân Nga hiện không hài lòng với tình cảnh hiện thời và cũng không bằng lòng với hoạt động của chính phủ ngay cả khi Tổng thống Putin nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận nhưng họ cũng không có giải pháp thay thế. Thật khó để khẳng định khi nào sự thay đổi trong nước Nga sẽ diễn ra", Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị tại Moscow, ông Alexei Makarkin nói.

Bởi những thay đổi chấn động từ phương Tây cũng đang gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của người dân Nga từ sự kiện Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit hồi tháng 6/2015 cho tới chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Và với một loạt cuộc bầu cử sắp tới tại các nước lớn ở châu Âu như Pháp, Đức và Hà Lan, quan điểm của người dân Nga sẽ còn có những thay đổi trong năm 2017.

Không loại trừ khả năng trong năm tới sẽ ngày càng có nhiều chính phủ mang quan điểm ủng hộ Nga lên nắm quyền tại phương Tây và thay vì tiếp tục đưa ra lệnh trừng phạt cũng như cô lập, phương Tây sẽ tiến hành đàm phán về việc cùng chung sống trong hòa bình với Nga.

"Vị thế của Nga rõ ràng là ngày càng hùng mạnh hơn trên thế giới. Phương Tây cố tình tạo sức ép với Nga trên nhiều lĩnh vực và nỗ lực lật đổ Nga. Nhưng Nga cũng cần cảnh giác bởi dù có ông Trump hay không thì những căng thẳng địa chính trị và cuộc chiến thông tin sẽ chưa thể sớm kết thúc. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là tránh được những điều tồi tệ để bước sang năm mới", ông Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị ở Moscow chia sẻ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dieu-gi-khien-nuoc-nga-phai-lo-lang-trong-nam-2017-post217740.info