Điều gì sẽ xảy ra khi Nga ngừng 'Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen'?

Chỉ vài giờ sau vụ nổ đánh sập một cây cầu của Nga nối với Crimea, Moscow đã tuyên bố ngừng tham gia vào 'Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen', một thỏa thuận vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua hành lang do Nga kiểm soát trên Biển Đen. Vậy điều gì sẽ xảy ra sau quyết định này?

Không còn là lời nói suông

Nga hôm thứ Hai đã rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một hiệp định do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giúp Ukraine có thể xuất khẩu hàng chục triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu trong năm qua, ngay cả khi chiến sự vẫn tiếp diễn.

Ngũ cốc đang được chất lên một con tàu ở cảng Odesa, trên bờ Biển Đen của Ukraine. Ảnh: WSJ

Thỏa thuận này rất quan trọng để giữ cho lương thực chảy từ Ukraine - một vựa lúa mì lớn - đến với thế giới. Theo thỏa thuận, một Trung tâm điều phối chung đã được thành lập tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để kiểm tra các tàu chở ngũ cốc từ các cảng của Ukraine và theo dõi hoạt động của chúng.

Ba cảng của Ukraine trên bờ Biển Đen nằm trong thỏa thuận này là Odesa, Chernomorsk và Yuzhny. Những con tàu từ đây sẽ đi qua một hành lang an toàn trên biển đã được dọn sạch mìn và thủy lôi, do Nga kiểm soát.

Thời hạn ban đầu của “Sáng kiến Biển Đen” là 120 ngày bắt đầu từ ngày 22/7 năm 2022. Thỏa thuận này đã được tất cả các bên gia hạn thêm 120 ngày, kể từ 18/11 năm ngoái. Đến ngày 17/3 vừa qua, tất cả các bên đã đồng ý gia hạn một lần nữa, nhưng Nga chỉ chấp thuận kéo dài thỏa thuận thêm 60 ngày trong khi chờ xem xét.

Trong tất cả những lần gia hạn cho “Sáng kiến Biển Đen”, Nga đều có động thái đe dọa ngừng tham gia thỏa thuận này. Moscow tuyên bố rằng xuất khẩu thực phẩm và phân bón của chính họ đang bị tổn hại bởi các biện pháp trừng phạt "ẩn" của phương Tây, và đấy là điều không công bằng với Nga.

Nhưng lần này, Nga có vẻ không còn dọa suông nữa. Chỉ vài giờ sau vụ nổ làm sập một cây cầu nối đất liền nước này với bán đảo Crimea hôm thứ Hai (17/7), Nga đã tuyên bố ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc. Điện Kremlin cũng cảnh báo rằng họ không còn có thể đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển ở Tây Bắc Biển Đen nữa.

Nga muốn một thỏa thuận “win-win”

Trước khi xảy ra cuộc xung đột hiện nay, Ukraine sản xuất đủ lương thực xuất khẩu để nuôi sống 400 triệu người. Là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, quốc gia này từng vận chuyển khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu mỗi tháng qua các cảng Biển Đen.

Khi con số này giảm xuống còn 0 sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Nông dân Ukraine không còn nơi nào để tích trữ hoặc bán một vụ mùa bội thu. Tác động đối với an ninh lương thực toàn cầu là ngay lập tức: Các nước nhập khẩu ròng, như Ai Cập và Libya, đã bị cắt tới 2/3 nguồn cung ngũ cốc trong khi các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi giá lương thực toàn cầu tăng cao khi thị trường phản ứng.

Trong bối cảnh ấy, “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen” đã đưa ra một lối thoát. Đến tháng 10 năm ngoái, xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine qua Biển Đen đã phục hồi lên 4,2 triệu tấn. Tổng cộng, khoảng 33 triệu tấn đã được xuất khẩu theo thỏa thuận, nuôi sống nông dân Ukraine và giúp giảm giá lương thực toàn cầu.

Điều ấy có được là nhờ Nga đã thực hiện nghiêm túc thỏa thuận thứ nhất trong Sáng kiến Biển Đen”, tạo điều kiện để các tàu chở ngũ cốc an toàn đi qua khu vực phong tỏa. Nhưng “Sáng kiến Biển Đen” còn một thỏa thuận nữa, được ký kết giữa Nga và Liên hợp quốc. Theo đó, theo đó LHQ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu này trong ba năm.

Nhưng Nga – như đã đề cập – vừa tuyên bố rút khỏi “Sáng kiến Biển Đen” khi cho rằng Liên hợp quốc và phương Tây đã không đáp ứng yêu cầu của họ. Cụ thể, dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây quy định miễn trừ đối với thực phẩm và phân bón, nhưng Điện Kremlin lập luận các lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân và ngân hàng nông nghiệp của Nga đang cản trở hoạt động xuất khẩu của nước này, do đó đi ngược lại thỏa thuận thứ hai.

Nga đã nhiều lần đe dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận trừ khi các biện pháp trừng phạt này được dỡ bỏ và Ngân hàng nông nghiệp Nga được chấp nhận trở lại hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nhưng yêu cầu đó cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Các nước nghèo sẽ đói?

Ngay cả trước khi Nga rút lui, “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen” ít nhiều đã bị đình trệ. Số lượng các lô hàng đã giảm, chỉ có 1,3 triệu tấn xuất khẩu trong tháng 5 vừa rồi. Không có tàu mới nào được đăng ký theo sáng kiến kể từ cuối tháng 6.

Nhưng việc Nga rút khỏi thỏa thuận và tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển ở Tây Bắc Biển Đen còn làm trầm trọng hơn khó khăn đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua con đường ngắn nhất và ít tốn kém nhất.

Các nước châu Phi đang chịu khủng hoảng lương thực sẽ bị ảnh hưởng nếu giá ngũ cốc tăng cao. Ảnh: The Nations

Về phần mình, Ukraine đã chuẩn bị một kế hoạch dự phòng để xuất khẩu ngũ cốc mà không cần thỏa thuận. Nhưng điều này phụ thuộc vào một quỹ bảo đảm trị giá 500 triệu USD để trang trải mọi thiệt hại hoặc chi phí phát sinh khi các tàu chở ngũ cốc di chuyển qua Biển Đen hoặc theo tuyến đường xa hơn: qua sông Danube rồi tới các cảng khác bên ngoài Ukraine.

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, mỗi tháng có vài trăm nghìn tấn ngũ cốc xuất khẩu qua tuyến đường này. Năm ngoái, con số đó đã tăng lên 2 triệu tấn và có khả năng tăng gấp đôi, theo đánh giá của Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine.

Trong khi phương án này giúp Kiev có thể tiếp tục xuất khẩu mà không cần thỏa thuận ở Biển Đen, thì nông dân Ukraine vẫn sẽ chịu thiệt hại vì chi phí hậu cần tăng lên, qua đó làm giảm lợi nhuận của họ. Còn nếu ngũ cốc của Ukraine không thể đến được với thị trường thế giới, giá lương thực toàn cầu có thể sẽ lại tăng cao, như khi các bên chưa ký kết “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen”.

Theo Liên hợp quốc, bất kỳ sự sụt giảm nào về nguồn cung toàn cầu - dù nhỏ - đều ảnh hưởng đến các nước nghèo đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một cơ quan của LHQ, cho biết họ có kế hoạch mua 80% lúa mì cần thiết từ Ukraine trong năm nay để viện trợ cho các nước nghèo. Năm ngoái, WFP đã vận chuyển khoảng 725.000 tấn lúa mì Ukraine đến Afghanistan, Sudan, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen để chống lại nạn đói.

Do đó, việc Nga ngừng tham gia “Sáng kiến Biển Đen” sẽ là tin không vui với các quốc gia nghèo khó. Oxfam, tổ chức phi chính phủ có mục tiêu hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu, cho biết: “Bây giờ thỏa thuận (xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen) này không còn được bàn thảo thì việc suy nghĩ lại về cách thức cung cấp lương thực cho thế giới càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-gi-se-xay-ra-khi-nga-ngung-sang-kien-ngu-coc-bien-den-post256724.html