Điều hành chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ nhằm ổn định nền kinh tế

TCCS - Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, bởi vậy mọi biến động của kinh tế thế giới và khu vực đều có tác động tức thời đến kinh tế Việt Nam. Việc theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế thế giới, điều hành chủ động, linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Những tác động của kinh tế thế giới hiện nay ảnh hưởng đến Việt Nam

Thời gian vừa qua, Mỹ đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép, đồng thời công bố dự kiến sẽ tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu khác. Ngược lại, các đối tác thương mại lớn của Mỹ có liên quan đến việc này cũng đưa ra tuyên bố sẽ có các hành động tương tự nhằm “trả đũa”, áp dụng các mức thuế lên hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào nước họ. Trên thực tế, đã và sẽ xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn trên thế giới, như Mỹ - Trung Quốc; Mỹ - Ca-na-đa và Mê-hi-cô; Mỹ - Liên minh châu Âu (EU);... Những biến cố này gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua và trong một số thời điểm, như biến động của chỉ số chứng khoán, giá dầu thô, của đồng USD... trong 7 tháng đầu năm 2018.

Bên cạnh đó, giới tài chính quốc tế đang lo ngại một cuộc chiến tiền tệ nổ ra song song với cuộc chiến thương mại, gây ra những biến động lớn trên thị trường ngoại hối toàn cầu với quy mô giao dịch 5,1 nghìn tỷ USD mỗi ngày. Đáp trả các hành động của Mỹ, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và EU duy trì lãi suất. Lần đầu tiên trong năm 2018, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trượt xuống dưới ngưỡng 6,8 nhân dân tệ đổi 1 USD. Nếu một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự xảy ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hậu quả sẽ rất khó lường và vượt xa khỏi phạm vi hai đồng tiền này. Trong trường hợp đó, các thị trường từ cổ phiếu tới hàng hóa cơ bản và các thị trường mới nổi đều rơi vào tình thế nguy hiểm.

Trước các diễn biến nói trên của kinh tế thế giới, Bộ Tài chính với chức năng xây dựng, tham mưu cho Chính phủ và điều hành chính sách tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chức năng xây dựng, tham mưu và điều hành chính sách tiền tệ... đã và đang phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các bộ, ngành liên quan, theo dõi sát kinh tế thế giới và thị trường tài chính quốc tế, kinh tế vĩ mô trong nước, điều hành chủ động, linh hoạt, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ.

Về điều hành chính sách tài chính

Vấn đề nổi lên trong điều hành chính sách tài chính thời gian qua là quản lý nợ công, bảo đảm hạn mức, tỷ lệ an toàn trong giới hạn cho phép, bảo đảm ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Nhất là thời gian gần đây xuất hiện lo ngại dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả tăng đột biến, nhiều khoản vay mới được sử dụng để trả nợ gốc.

Định hướng về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ năm 2018 và các năm tiếp theo là hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới; đối với hai ngân hàng chính sách, bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm. Với định hướng này, hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.670 tỷ đồng và hạn mức bảo lãnh phát hành cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 24.430 tỷ đồng (bằng số nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm). Hạn mức vay thương mại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh năm 2018 là 700 triệu USD. Hạn mức bảo lãnh vay trong nước ròng của Chính phủ trong năm 2018 cho các chương trình, dự án đã được Chính phủ cấp bảo lãnh trước đây tối đa là 2.000 tỷ đồng. Kế hoạch vay của địa phương trong năm 2018 là 21.513,9 tỷ đồng (gồm vay trong nước 8.769,6 tỷ đồng; vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 12.744,3 tỷ đồng).

Để bảo đảm an toàn nợ nước ngoài của quốc gia, hạn mức rút vốn ròng vay nước ngoài trung và dài hạn hằng năm là 5,5 tỷ USD, mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hằng năm khoảng 8% - 10%. Tính đến ngày 31-12-2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia so với GDP là 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia được Quốc hội phê duyệt (50% GDP).

Nếu hạn mức vay thương mại nước ngoài trung và dài hạn của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả là 5,5 tỷ USD và dư nợ vay ngắn hạn tăng ít nhất là 8%, thì dự kiến chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia/GDP năm 2018 ước tính là 50,9% GDP, vượt ngưỡng nợ 50% do Quốc hội phê duyệt. Dự báo đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP,... có thể ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong các năm tiếp theo. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quản lý nợ công nói chung, vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng nói riêng, bảo đảm an toàn nợ công, ổn định tỷ giá.

Một vấn đề đáng quan tâm khác trong điều hành chính sách tài chính, thuộc chức năng của Bộ Tài chính, đó là quản lý thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong điều kiện thị trường này có thời điểm phát triển “nóng”, sau đó là điều chỉnh mạnh, đó là vấn đề thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần, huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Thực tế, TTCK Việt Nam phát triển mạnh về quy mô, số lượng doanh nghiệp, nghiệp vụ giao dịch, vốn đầu tư gián tiếp và chỉ số chứng khoán... từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 4-2018. Kết thúc quý I-2018, vốn hóa TTCK Việt Nam đạt 4,16 triệu tỷ đồng (183 tỷ USD), tăng 18,4% so với thời điểm cuối năm 2017. Từ đầu tháng 4-2018 đến nay, các chỉ số trên TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh, cùng với nhiều biện pháp được thực thi nhằm chống thao túng, gian lận, không minh bạch trên TTCK và báo cáo tài chính các doanh nghiệp niêm yết. Do đó, nếu không có yếu tố biến động quốc tế thì khó có thể xảy ra khủng hoảng đối với TTCK Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

Về điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên theo dõi sát động thái của ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PoBC); phân tích diễn biến các động thái về tiền tệ, lãi suất; theo dõi thường xuyên sự biến động của các dòng vốn quốc tế, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp đưa vào hay rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kịp thời ứng phó với các vấn đề về tỷ giá,... bảo đảm hỗ trợ xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu và khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ năm 2012 đến nay, thực hiện 2 đề án cơ cấu lại, việc xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng quản trị điều hành các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng được thực hiện rất quyết liệt, dòng vốn hướng đến các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, vốn đầu tư cho bất động sản, kể cả các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) được kiểm soát chặt chẽ.

Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế là 18,17%. Tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6-2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%), dự báo cả năm 2018 cũng tăng không vượt mức của năm 2017 và năm 2019 - 2020 cũng chỉ dừng ở mức dưới 19%. Dư nợ tín dụng ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực bất động sản đến hết quý I-2018 chỉ tăng 3,65%, chiếm tỷ trọng 6,57%, trong khi đó đến cuối năm 2017 chiếm tỷ trọng 6,8%, giảm 0,23% về tỷ trọng. Đây thực sự là xu hướng đáng mừng, theo đúng định hướng của Chính phủ, góp phần phát triển lành mạnh thị trường bất động sản trong toàn quốc. Các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay mới các dự án bất động sản của doanh nghiệp, lựa chọn cho vay các nhu cầu nhà ở đích thực của cá nhân chứ không phải đầu cơ.

Cũng tính đến hết tháng 3-2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngành công nghiệp tăng 3,75%, tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 4,35%, tín dụng ngành dịch vụ tăng 3,59%. Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 9,72% (cùng kỳ năm 2017 giảm 0,39%); Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,57% (cùng kỳ năm 2017 tăng 16,24%);). Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 2,61% (cùng kỳ năm 2017 giảm 14,15%). Xu hướng tích cực này tiếp tục diễn ra trong các quý I và quý II-2018. Như vậy có thể khẳng định, tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế không tăng trưởng “nóng”, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp không dồn gánh nặng lên hệ thống ngân hàng mà được đa dạng hơn trên thị trường tài chính theo thông lệ quốc tế, nên vốn tín dụng tăng trưởng chậm lại nhưng GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Do đó, có thể khẳng định hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng an toàn, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Xu hướng tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2018

Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng giảm liên tục từ năm 2012 đến nay. Đến cuối tháng 3-2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 2,18% và đến hết tháng 6-2018 ước tính còn 2,12%. Tính chung từ năm 2012 đến hết tháng 6-2018, ước tính toàn hệ thống đã xử lý được khoảng trên 750.000 tỷ đồng nợ xấu. Do đó, nợ xấu không có nguy cơ gây ra yếu tố tiềm ẩn khủng hoảng hệ thống ngân hàng, bảo đảm ổn định nền kinh tế.

Trên thị trường ngoại hối, đến cuối tháng 6-2018 tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng 1,07% so với đầu năm, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng 1,1% so với đầu năm, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 1,63% so với đầu năm. Dự trữ ngoại hối quốc gia đạt 63,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, bảo đảm đáp ứng 13 tuần nhập khẩu theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Như vậy, yếu tố tỷ giá và dự trữ ngoại hối không có nguy cơ gây ra khủng hoảng, đủ nguồn lực và điều kiện bảo đảm ổn định lâu dài thị trường ngoại hối, đủ khả năng chống đỡ trong điều kiện nếu như dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra khỏi thị trường Việt Nam.

Vào thời điểm năm 2011, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam có 52 NHTM, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 TCTD phi ngân hàng, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Trong gần 8 năm (từ 2011 - 2018) thực hiện cơ cấu lại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực hiện thành công 7 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Hoạt động M&A, bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện, trong giai đoạn qua, ghi nhận sự tham gia của 16 NHTM, góp phần giảm bớt 10 NHTM. Xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang có nhiều thay đổi khi các quỹ đầu tư và các định chế tài chính nước ngoài tích cực tham gia đầu tư vào những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển, quản trị lành mạnh và hệ thống tài chính minh bạch. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với thời gian trước đây, nên việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là điều dễ hiểu. Bản thân các ngân hàng cũng ý thức được việc cấp bách phải tăng vốn, vì vậy, nhiều chỉ tiêu an toàn vốn bị xiết chặt, dòng tiền mua bán cổ phần ngân hàng cũng bị giám sát nhằm bảo đảm tiền mua cổ phần ngân hàng là tiền thật. Nhờ đó, các ngân hàng nước ngoài có cơ hội hợp tác với các ngân hàng nội có chuẩn mực hoạt động tốt, ngược lại, khi hợp tác với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng nội sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Những lo ngại về các NHTM quy mô nhỏ, khó tăng được vốn điều lệ trong mấy năm gần đây, trong đó có cả các NHTM được Chính phủ mua lại với giá 0 đồng,... là có cơ sở, cần được kiểm soát và đôn đốc chặt chẽ. Các ngân hàng nhỏ hoặc hoạt động kém hiệu quả cần phải sáp nhập với các ngân hàng lớn mới có thể tồn tại được, số lượng tổ chức tín dụng có thể sẽ giảm về số lượng nhưng quy mô và chỉ tiêu an toàn của các NHTM sẽ tăng lên theo thông lệ quốc tế. Do đó, sẽ không còn tồn tại ngân hàng yếu kém và có khả năng gây ra bất ổn cho toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam và không ổn định đối với nền kinh tế Việt Nam.

Về quản lý và điều hành bảo đảm phát triển an toàn thị trường bất động sản

Sự phát triển ổn định, an toàn thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò đóng góp lớn của chính sách thuế, giá cho thuê đất, các loại phí đối với nhà đất; chính sách tín dụng cho vay BĐS. Ngược lại, nguy cơ bong bóng BĐS và đổ vỡ bất động sản ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách tài chính và chính sách tiền tệ.

Thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam đã chỉ ra rằng, có 5 yếu tố quan trọng tạo nên bong bóng thị trường BĐS. Hiện nay trong 5 yếu tố cấu thành bong bóng BĐS, thì ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện 2 yếu tố, đó là sự lệch pha cung - cầu và gia tăng mạnh nhà đầu tư thứ cấp. Sự lệch pha cung - cầu thể hiện rõ trong hoạt động của thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, nguồn cung của thị trường đang lệch pha nghiêm trọng. Nhà ở cao cấp chiếm 41%, trung cấp chiếm 39% và thấp nhất là bình dân chỉ chiếm 19%. Tỷ lệ hoàn toàn đảo ngược với định hướng chung của thị trường khi lượng sản phẩm vừa túi tiền giảm 60%. Cơ cấu phát triển sản phẩm của thị trường đang có xu hướng lệch pha khá nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS cũng ghi nhận 2 phân khúc có dấu hiệu phát triển “nóng” là đất nền và căn hộ khách sạn (condotel). Tình trạng sốt giá ảo đất nền ngày càng nghiêm trọng, tình trạng này bắt đầu từ năm 2107 và được kiềm chế ngay giữa năm, tuy nhiên đến cuối năm 2017 lại bùng phát trở lại và phát triển mạnh mẽ vào đầu năm 2018. Sự nóng sốt của đất nền thu hút một lượng lớn vốn vay vào BĐS khiến tín dụng tiêu dùng chuyển sang cho vay BĐS chiếm đến 53%, đây là một nguy cơ đáng báo động. Cơn sốt đất nền cũng hình thành một lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp. Sự gia tăng nhà đầu tư, đầu cơ thứ cấp vượt lượng mua thực và đầu tư dài hạn là dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ bong bóng BĐS, nhất là ở phân khúc đất nền. Tình trạng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đầu cơ đất tại Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn đón trước cơ hội trở thành các đặc khu hành chính - kinh tế nay giảm giá mạnh, giao dịch gần như đóng băng, đang bị chôn vốn hàng tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng, mà trong đó có vốn vay tín dụng ngân hàng, rõ ràng là một mối lo ngại lớn.

Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay và trong 1 - 2 năm tới không có khả năng xảy ra bong bóng BĐS vì hiện nay mới chỉ có 2/5 yếu tố hình thành khủng hoảng, 3 yếu tố còn lại vẫn ở mức an toàn. Không có cơ sở cho thấy kinh tế Việt Nam đang phát triển “nóng”. Nền kinh tế được xem là phát triển “nóng” khi mọi người dân đều dễ dàng kiếm tiền và dòng tiền trở nên dư dả đến mức nhà đầu tư phải tìm đến BĐS làm nơi trú ẩn. Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế thế giới không nóng, thậm chí đang chao đảo vì khủng hoảng xăng dầu, các hiệp định thương mại mới... Kinh tế Việt Nam chỉ ở giai đoạn phục hồi, tăng trưởng tín dụng tối đa đạt 6,81%, không hề có chuyện tăng trưởng “nóng”.

Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay cũng khác rất nhiều so với 10 năm trước, nhu cầu nhà cho người nước ngoài thuê sinh sống và kinh doanh tại các thành phố lớn tăng cao, nhu cầu phòng và căn hộ khách sạn cho khách du lịch nước ngoài và trong nước thuê tại các điểm du lịch tăng mạnh. Doanh nghiệp ngày càng tôn trọng tính kỷ luật, các yếu tố pháp lý, quy luật hoạt động, các nguyên tắc tín dụng của thị trường. Nhà đầu tư thông minh hơn, ngân hàng quản lý linh hoạt hơn, Chính phủ có sự điều tiết hợp lý. Vì vậy, rất khó xảy ra khủng hoảng BĐS trong giai đoạn 2018 - 2019.

Một số khuyến nghị chính sách

Nhìn nhận chung, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, việc điều hành chính sách tài chính, chính sách tiền tệ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các chính sách vĩ mô khác, giảm thiểu các tác động tiêu cực, khai thác các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam, hệ thống tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển an toàn. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục có những biện pháp chủ động, hiệu quả hơn nữa. Một số khuyến nghị chính sách cơ bản như sau:

Một là, Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài trong chiến lược đã đề ra. Kèm theo đó là thực sự nâng cao hiệu quả đầu tư công, bảo đảm tiến độ giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công, kiên quyết dừng, không triển khai mới các dự án xây dựng trụ sở, công trình bị dư luận phản đối.

Hai là, chống thất thu thuế, gian lận thuế, nợ đọng thuế, các hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); có các biện pháp thật sự hữu hiệu và có tính lâu dài giảm thiểu các tiêu cực trong lĩnh vực thuế, hải quan, chi tiêu công,... kèm theo đó kiên quyết thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ba là, kiên định mục tiêu chống tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, điều hành ổn định tỷ giá, giảm lãi suất cho vay nội tệ trong nền kinh tế, tiếp tục quyết liệt trong xử lý nợ xấu, thực hiện chặt chẽ kế hoạch tăng vốn điều lệ của các NHTM, bảo đảm chỉ tiêu hệ số an toàn vốn (CAR) đối với các NHTM, động viên và khuyến khích hoạt động M&A đối với các NHTM cổ phần không tăng được vốn.

Bốn là, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thị trường BĐS trên tất cả các góc độ: quy hoạch, cấp phép, tiến độ sử dụng đất và dòng vốn tín dụng. Đồng thời tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy các doanh nghiệp đủ điều kiện nói chung, các NHTM cổ phần nói riêng niêm yết cổ phiếu trên TTCK, thực hiện đa dạng hình thức huy động vốn, không dồn lên kênh tín dụng ngân hàng.

Năm là, rút ra bài học kinh ngiệm từ những biến động của nền kinh tế trong quá khứ, tập trung vào ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng,... đưa đến kết quả quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. /.

Nguyễn Đắc HưngPGS, TS, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/nghiencuu-traodoi/2018/53278/dieu-hanh-chinh-sach-tai-chinh-tien-te-chat-che-nham.aspx