Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng

Ngày 2-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8-1-2019 chỉ đạo toàn diện hoạt động ngân hàng. Đồng thời, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong năm 2019, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Về điều hành lãi suất, NHNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường để triển khai tổng thể các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay chi phí hợp lý, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Từ ngày 16-9-2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19-11-2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho TCTD. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Các TCTD có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Về điều hành tín dụng, tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúng lộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Ước đến 31-12-2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%. Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24-10-2019, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế,đứng thứ 2 trong các nước ASEAN(chỉ sau Brunei - hạng 1/190).

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực của hệ thống các TCTD, ước tính đến tháng 12-2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15-8-2017 đến cuối tháng 12-2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Tính trung bình từ 15-8-2017 đến tháng 12-2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, năm 2020 NHNN sẽ điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Trong đó, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau: Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu CSTT; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT nhằm ổn định thị trường, tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp; chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của NHNN Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ, trước bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động buộc các nước phải nới lỏng tiền tệ thì chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát cung tiền, kiểm soát lãi suất và lạm phát thấp nhất trong nhiều năm qua. Chúng ta đã có một tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối trong một năm đã mua được trên 20 tỷ đô la. Đến nay con số dự trữ ngoại hối là xấp xỉ gần 80 tỷ đô la, đây chính là tấm đệm cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN đã kiểm soát tình trạng đô la hóa nền kinh tế, góp phần quan trọng củng cố vị thế, uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế. Qua đó, cho thấy vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành lãi suất thời gian qua là một điểm sáng đáng ghi nhận, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn hợp lý. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta phát triển, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa....

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao, theo dõi sát tình hình các biến động kinh tế vĩ mô quốc tế có tác động tới trong nước để tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ trong việc tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, củng cố niềm tin người dân, ổn định tỷ giá, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư. Bên cạnh đó là tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đảm bảo chất lượng tín dụng, đẩy lùi tín dụng đen... Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu phát sinh; chấm dứt tình trạng tham nhũng trong ngành ngân hàng.

Tin, ảnh: ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-linh-hoat-dam-bao-an-toan-hoat-dong-cua-he-thong-ngan-hang-606785