Điều hối hận nhất của Einstein

Hành động của Einstein gián tiếp khiến hàng trăm nghìn người tử vong sau các vụ thảm sát bằng bom nguyên tử. Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng luôn hối hận vì quyết định đó của mình.

Ngày 2/8/1939, một tháng trước khi Thế chiến II bùng nổ, nhà vật lý nổi tiếng người Đức Albert Einstein viết bức thư dài hai trang gửi cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Bức thư đưa Mỹ vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, mãi mãi thay đổi cán cân sức mạnh lịch sử thế giới.

Einstein khi đó đang ở Mỹ. Ông trốn khỏi Đức khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền. Khi ấy ông biết rằng các nhà khoa học Đức đã phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân, quá trình phân tách hạt nhân của một nguyên tử để giải phóng năng lượng.

Albert Einstein vào khoảng năm 1939. Bên phải là vụ nổ hạt nhân ở Polynesia, Pháp tháng 10/1971. Ảnh: Getty Images.

Albert Einstein vào khoảng năm 1939. Bên phải là vụ nổ hạt nhân ở Polynesia, Pháp tháng 10/1971. Ảnh: Getty Images.

Bức thư ông viết cảnh báo Roosevelt "những quả bom cực mạnh" có thể được tạo ra sau khám phá này. Chúng có khả năng phá hủy toàn bộ một cảng biển chỉ với vụ nổ duy nhất.

Bức thư mà Einstein sau này gọi là "sai lầm lớn" của chính mình, đã thúc giục Roosevelt tăng tốc nghiên cứu Uranium ở Mỹ.

Cảnh báo của Einstein được một người tên là Alexander Sachs đọc cho Roosevelt. Tờ New York Times khi đó cho rằng ông này cũng chính là người đọc những cảnh báo khác về bom nguyên tử cho Tổng thống Mỹ.

Einstein, vốn là người Do Thái, được nhà vật lý gốc Hungary Leo Szilard thuyết phục rằng Đức có thể sử dụng công nghệ mới được phát hiện để tạo ra vũ khí.

Bức thư Einstein gửi Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Ảnh: AHF.

Szilard và hai nhà vật lý người Hungary khác, Edward Teller và Eugene Wigner đều là người tị nạn. Cả hai đều nói với Einstein về những lo ngại của mình.

Thực tế, Szilard đã viết bức thư, nhưng chính Einstein đặt bút ký, vì họ tin lời nói của ông có trọng lượng nhất với Tổng thống Mỹ.

Cynthia Kelly, chủ tịch Quỹ Di sản nguyên tử (Atomic Heritage Foundation) cho rằng khám phá nổi tiếng của Einstein về năng lượng và khối lượng đã tạo tiền đề cho loại vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất lịch sử nhân loại ra đời. Thế nhưng, Einstein chắc chắn không nghĩ rằng lý thuyết của mình được dùng để chế tạo vũ khí.

Một bức ảnh tháng 7/1945 cho thấy đám mây hình nấm của vụ nổ nguyên tử đầu tiên trên thế giới, tại khu thử nghiệm Trinity gần Alamogordo, New Mexico. Ảnh: AP.

Einstein không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về kỹ thuật khai thác năng lượng hạt nhân. "Tôi không coi mình là cha đẻ của việc giải phóng năng lượng nguyên tử. Phần của tôi trong đó khá gián tiếp", ông nói.

Lá thư của Einstein có hiệu lực. Roosevelt thành lập Ủy ban Cố vấn về Uranium tháng 10/1939, cùng tháng ông nhận được thư của Einstein. Khi ấy, Thế chiến II đã nổ ra, dù Mỹ chưa tham gia.

Ủy ban này sau đó tham gia Dự án Manhattan, bí mật phát triển 2 quả bom nguyên tử thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, giết chết khoảng 200.000 người. Vài ngày sau vụ đánh bom, Nhật Bản đầu hàng quân đội Đồng minh, chấm dứt Thế chiến II.

Einstein và Leo Szilard tái hiện việc ký bức thư của họ cho Roosevelt, cảnh báo Đức có thể đang chế tạo bom nguyên tử. Ảnh: Getty Images.

Đức Quốc xã chưa bao giờ thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Einstein cũng không tham gia vào việc chế tạo bom. Ông không được phép làm việc trong Dự án Manhattan, bởi bị coi là một rủi ro an ninh quá lớn, khi vừa là người Đức vừa là nhà hoạt động chính trị cánh tả. Lúc nghe tin bom hạt nhân được sử dụng ở Nhật Bản, ông than thở: "Khốn nạn cho tôi".

"Nếu tôi biết người Đức không thành công trong việc phát triển bom nguyên tử, tôi sẽ không làm gì cả", Einstein cũng cảnh báo, "Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa sắp tới".

Một bức thư công bố năm 2005 tiết lộ việc Einstein viết cho một người bạn ở Nhật Bản: "Tôi luôn lên án việc sử dụng bom nguyên tử vào Nhật Bản, nhưng lại không thể làm gì để ngăn chặn quyết định định mệnh đó".

Viết cho một tạp chí Nhật Bản năm 1952, Einstein cho biết ông "nhận thức rõ về mối nguy hiểm khủng khiếp cho cả nhân loại, nếu những thí nghiệm hạt nhân thành công". Tuy nhiên, ông kết luận: "Tôi đã không tìm ra lối thoát nào khác".

Đại Việt
Theo Business Insider

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dieu-hoi-han-nhat-cua-einstein-post974193.html