Điều ít biết về nhà máy điện đầu tiên ở TP.HCM

Mục đích thoạt tiên của nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn là cung cấp điện cho hệ thống đèn chiếu sáng đường phố, vì thế người ta hay gọi nhà máy điện là nhà đèn, hoặc nhà máy đèn.

Trong cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, từ việc tìm hiểu nguồn tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp và các tư liệu của Việt Nam, tác giả Nguyễn Hữu Quang đã phác thảo nên diện mạo hạ tầng đô thị Sài Gòn trong buổi đầu chuyển đổi từ đô thị phong kiến phương Đông sang đô thị theo kiểu phương Tây.

Đồng thời, tác giả cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành phát triển, cũng như chi tiết về từng lĩnh vực của hạ tầng Sài Gòn, trong đó có lĩnh vực cung cấp điện - một nguồn năng lượng mới mẻ lúc bấy giờ.

Vận hành bằng máy hơi nước

Theo tác giả sách, khi người Pháp chiếm xong Sài Gòn, thành phố cơ sở hạ tầng đô thị chưa có nhiều, ngoại trừ một số đường phố có nền đất. Lúc ấy, vì đường sá ban đêm hoàn toàn tối tăm nên cuối năm 1865, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã dự định làm hàng trăm cột đèn đường thắp sáng đường phố bằng dầu dừa, từ năm 1870 chuyển sang thắp bằng dầu lửa (dầu hỏa).

Sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Sau 17 năm chiếu sáng đường phố trung tâm Sài Gòn bằng dầu lửa, tháng 3/1887, lần đầu tiên Hội đồng thành phố lập ra một ủy ban để xem xét các dự án chiếu sáng bằng điện. Tuy nhiên, lúc ấy, ngay trong Hội đồng thành phố cũng có nhiều ý kiến không đồng ý với nguồn năng lượng quá mới mẻ này. Phải 2 năm sau (tháng 3/1889), Hội đồng thành phố Sài Gòn mới biểu quyết cho làm thử đèn điện.

Tiếp theo sau nhu cầu thắp sáng đường phố, Hội đồng thành phố Sài Gòn cũng bàn đến nhu cầu chiếu sáng ở các nhà tư nhân và việc xây dựng nhà máy phát điện.

Năm 1894, khi thảo luận về khả năng dùng điện, trong Hội đồng thành phố, người đã tranh luận nhiều nhất về những nội dung: Đặt đường dây dẫn điện ngầm dưới đất hay trên không; Đặt nhà máy phát điện ở đâu cho mang tính kinh tế nhất; Chọn dòng điện một chiều hay dòng điện xoay chiều cao thế; Ngân sách cho việc này.

Mặc dù vẫn còn nhiều lập luận phản đối việc dùng điện, nhưng rồi cuối cùng Hội đồng thành phố cũng đã thông qua chủ trương này. Và hợp đồng cung cấp điện đầu tiên đã được ký kết giữa thành phố và hãng của Hermenier vào ngày 11/5/1896.

Năm 1897, nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn do Công ty Điện lực Sài Gòn (Socíeté d’Electricité de Saigon, lập năm 1896) của Hermenier và một số người khác góp vốn được xây dựng xong. Vị trí của nhà máy này ở gần đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng), phía sau Nhà hát thành phố (nay là trụ sở Công ty Điện lực miền Nam).

Theo Tổng niên giám Đông Dương năm 1910, nhà máy điện đầu tiên năm 1897 của Công ty Điện Sài Gòn cung cấp dòng điện 1 chiều với điện thế 12 volt, phân phối bằng 3 dây điện. Điện được sản xuất bằng máy hơi nước và các thiết bị máy móc sau:

Một bộ nồi hơi nửa ống (chaudìere semi-tubulaire), mỗi nồi có diện tích đun là 150 m2.

Hai máy hơi nước kiểu Corliss công suất 350 mã lực, mỗi máy vận hành hai dynamo (máy phát điện) 425 ampère với điện thế 300 volt.

Ba tuốc-bin Laval 150 mã lực, mỗi cái vận hành hai dynamo 360 ampère với điện thế 160 volt.

Một bộ ắc-quy lưu động (accumulateaur) 1.000 ampère giờ để phân phối điện, có kèm theo thiết bị an toàn và kiểm soát.

Nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn (phía sau Nhà hát thành phố), nay là trụ sở Công ty Điện lực miền Nam). Nguồn: historicvietnam

Từ chiếu sáng đường phố đến cung cấp điện cho tư nhân

Thời gian đầu, nhà máy này cung cấp điện cho 40 đèn hồ quang (lampe à arc), 394 đèn dây tóc (lampe à incandescence) với nhiều công suất khác nhau để chiếu sáng đường phố, và 100 bóng đèn có công suất 6 nến (6 bougies) để thắp sáng cho các công thự của thành phố.

Từ năm 1897 cho tới năm 1904, chỉ có một số khu vực nằm trong vòng chu vi sau được thắp bằng đèn điện: đường Francis-Garnier (nay là đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hai Bà Trưng đến rạch Bến Nghé), các đường Duperré (Hàm Nghi), Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn từ bờ sông Lê Lợi), Colombert (Alexandre de Rhodes), Blancsubé (Phạm Ngọc Thạch), đại lộ Norodom (Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), La Grandìere (Lý Tự Trọng), Pasteur (Thái Văn Lung), đường bến Primauguet (Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hai Bà Trưng đến Ba Son). Sau đó số đèn điện được mở rộng dần, lần đầu vào năm 1904.

Năm 1906, Công ty Điện lực Sài Gòn, lúc này trở thành Công ty Nước và Điện lực Sài Gòn (Socíeté des Eaux et d’Électricité de Saigon kể từ năm 1900, và sau này trở thành Công ty Nước và Điện lực Đông Dương, Companie des Eaux et d’Électricité de l’Indochine vào năm 1909) đã ký một bản bổ sung cho hợp đồng cung cấp điện ngày 11/5/1896, trong đó có điều khoản gia tăng thêm một số đường có đèn điện, đưa công suất số đèn dây tóc tối thiểu 16 nến (16 bougies) và các cột đèn cách nhau tối thiểu 50 mét.

Đến cuối năm 1908, thành phố Sài Gòn đã có 867 đèn dây tóc 16 nến và 67 đèn hồ quang. Trước đó năm 1904, chỉ có 386 đèn dây tóc và 54 đèn hồ quang.

Cũng trong năm 1908, trong tổng chiều dài 93 km đường sá của thành phố Sài Gòn, có 35 km được chiếu sáng bằng đèn điện, tức khoảng 1/3 đường sá lúc đó, còn lại vẫn thắp bằng dầu lửa (lúc này thành phố còn 297 cây cột đèn dầu lửa).

Đến tháng 11/1908, Hội đồng thành phố đã quyết định đặt thêm đèn điện ở Khánh Hội, cầu qua Arroyo Chinois (rạch Bến Nghé), lối vào tòa nhà của hãng Messageries Maritimes (Bến Nhà Rồng), tứ giác các đường (Điện Biên Phủ, Trương Định, Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng hiện nay) cần 68 đèn hồ quang, khu thành cổ (quartier de la citadelle) cần có thêm 131 đèn dây tóc và đường route haute (đường Trên) vào Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi) cần 35 đèn hồ quang, với tổng chi phí là 22.371,47 franc.

Kể từ năm 1909, Công ty Nước và Điện Đông Dương bắt đầu được phép cung cấp và phân phối điện cho tư nhân. Công ty Điện lực Sài Gòn cho thuê các công-tơ điện (đồng hồ điện kế) với những mức phí khác nhau tùy theo công suất. Điện được bán cho tư nhân cũng như cơ quan nhà nước với giá 0,067 franc một hectowatt giờ (hWh), đo theo công-tơ.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-it-biet-ve-nha-may-dien-dau-tien-o-tphcm-post1439551.html