Điều ít biết về tang lễ các vị đế vương

Cũng như trong việc cưới, việc tang, dù là vua chúa cũng phải theo phong tục nước nhà, tuy nhiên trong việc áp dụng có nhiều điều dị biệt cũng cần biết.

Lời trối trăng

Trước khi vua chết, trong lúc hấp hối, Hoàng Thái tử và các vị triều thần, nhất là các vị được nhà vua muốn phó hậu sự, đều tụ tập quanh giường bệnh để nhận lời trối trăng của nhà vua. Có một vị quan Bộ Lễ ghi chép những lời cuối cùng của nhà vua để tuân hành. Cùng với các quan triều thần nói trên, có cả một số quan viên dự lễ để lo tang lễ.

Thắt hồn bạch

Khi nhà vua trút hơi thở cuối cùng, quan viên Bộ Lễ dùng lụa trắng thắt hồn bạch, gọi là Thần bạch. Thần bạch cũng thắt giống như hồn bạch trong dân gian.

Lễ mộc dục - Lễ phạn hàm

Mình nhà vua cũng được tắm gội bằng nước lá ngũ vị. Sau lễ Mộc dục là lễ Phạn hàm. Người ta đặt vào mồm nhà vua thay vì những đồng tiền, toàn hạt trai và ngọc quý. Lẽ tất nhiên trong những lễ này cũng như mọi lễ về sau đều có khấn tế theo tục lệ.

Lễ khâm liệm

Có lễ Tiểu liệm và Đại liệm. Trong lễ Tiểu liệm, con cái mặc quần áo cho vua cha, dùng lụa trắng để liệm. Sau đó xác vua cha được khiêng đặt trên một long sàng, trải chiếu hoa kê ở phía Tây phòng ngủ nhà vua. Nhà vua lúc này đã mặc bộ quần áo thiết triều, với bên trong các quần áo quý khác. Một cuộc tế lễ được tổ chức để dâng yến tiệc lên hương hồn nhà vua.

Sau đó là lễ Đại liệm. Áo quan được đặt tại mé Đông ngự phòng. Trên áo quan có trải chiếu hoa và một chiếc thảm hoa. Con cháu và các quan đại thần lại tế một chầu thứ hai, dâng yến lễ lên nhà vua. Sau đó xác nhà vua được khiêng đặt vào áo quan.

Lễ nhập quan đã xong, các quan từ nhị phẩm trở xuống mới được phép vào dự lễ. Các hoàng tử, công chúa, hoàng huynh, hoàng đệ và các quan đều lễ nhà vua hai lễ rưỡi, vừa lễ vừa khóc. Lúc này các hoàng hậu phi tần cũng khóc lóc lễ bái. Kế đó, nắp quan tài được đóng lại. Lại một tuần tế theo lễ tục.

Tranh tang lễ của một vị vua Việt thế kỷ 18 do họa sĩ phương Tây vẽ. Ảnh: TL.

Lễ phát tang

Hoàng thái tử ra chỉ dụ phát tang. Từ giờ phút này người trong hoàng tộc, các quan triều thần văn võ, quân lính và thần dân phải chịu tang. Lễ phát tang chỉ cử hành sau các lễ thiết sàng, linh tọa và lập minh tinh.

Tang đã phát ra, tại các tỉnh cũng như ở kinh đô, các quan đều phải mặc tang phục theo chỉ dụ ấn định. Cũng có cáo tiên vương và tiên tổ như thần dân để xin phép đặt bài vị nhà vua vào nhà Thái miếu. Sau đó quan tài được khiêng tới điện Hoàng Nhân, mé phải sân triều và ở đây minh tinh được trương lên.

Lễ đăng quang của vua kế vị

Quan tài đã đặt tại điện Hoàng Nhân. Hoàng thái tử tới lễ yết để nhận tờ di chiếu, kế đó làm lễ đăng quang tại điện Thái Hòa để triều thần tôn lên làm vua kế vị. Trong nước không thể một ngày không vua được. Hoàng thái tử phải cần nối ngôi đã, việc tang lễ sẽ tính sau.

Kể từ ngày đăng quang tân quân lưu tại điện Quang Minh trong suốt thời kỳ tang chế. Hàng ngày có buổi chầu, tân quân phải sang nhà Tả phương, đi có tàn lọng cờ quạt, nhưng tàn lọng cờ quạt này chỉ được dùng màu vàng mà không có thêu thùa gì. Trong những buổi chầu tân quân mặc áo trắng, đội khăn trắng vải thô, còn các quan mặc áo vải thô đen, khăn trắng cũng bằng vải thô.

Chiêu tịch diện

Nhà vua cũng hàng ngày làm lễ chiêu tịch diện dâng cơm rượu cho hương hồn vua cha, nhà vua phải đích thân cử lấy lễ này, và chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới ủy cho một vị hoàng tử trực đồng huyết thống. Nếu xác vua cha quàn tại điện lâu ngày thì trong những ngày sóc vọng, vua và triều thần phải có lễ tế chiêu tịch diện dâng cơm rượu cho hương hồn vua khuất. Các hoàng tử phải thay phiên nhau trong công việc này, và bất cứ ai, nếu không có phận sự đều không được lui tới điện Hoàng Nhân.

Lễ đặt tên thụy

Một quyển sổ vàng gọi là kim sách được thiết lập. Sổ này có 9 tờ giấy vàng y dài 6 tấc, cao 3 phân 4 ly và rộng 5 phân 1 ly. Các quan triều thần phải cáo Trời, Đất tại đàn Nam Giao và đồng thời cũng cáo với các vị tiên vương, tiên hậu. Lại phải cáo cả với Thần Nông, vì thần coi về Nông nghiệp tại Đông phương.

Hai quan đại thần mang dâng kim sách, và ngự ấn tới bàn thờ; hai vị quan phụ tá đọc tên hiệu và tên thụy nhà vua đã được ghi trong kim sách. Đoạn tân quân tới trước giường vua cha làm lễ dâng tên hiệu và tên thụy, sau đó các tên này được ghi vào Minh tinh. Lễ nghi xong, tân quân ra sắc dụ để kể công trạng của cha và tuyên bố việc đặt tên hiệu và tên thụy.

Cử hành đám tang

Tên hiệu và tên thụy của vua cha đã đặt xong, Bộ Lễ có nhiệm vụ kén ngày để cử hành đám tang. Ngày đã được kén chọn, các quan trong triều, văn từ Thiêm sự, võ từ Thống chế trở lên đều phải để tâm lo liệu đám táng. Bộ Lễ thông sức cho dân làng các xã đám táng sẽ đi qua để hương chức đặt hương án làm lễ, đồng thời trước đấy cũng có lễ cáo trời đất tại đàn Nam Giao, cũng như cáo các vị Tiên vương và Thần Nông.

Trong đám táng vua Gia Long cử hành ngày rằm tháng tư năm Canh Tý, vào ngày Kỷ Hợi (26-5-1820), vua Minh Mệnh đã thân tới đền Minh Thành để tế sơ Ngu và làm lễ yên vị cho vua cha. Sau đó lại có lễ cáo trời đất, các vị Tiên vương và Thần Nông Rồi các cuộc tế Ngu tiếp tục như tục lệ đã ấn định.

Xét ra, về phương diện phong tục, tang lễ một vị đế vương cũng không khác tang lễ một người dân bao nhiêu. Tất nhiên những điều ghi trong sách lễ đều áp dụng, chỉ khác ở chỗ có thêm những lễ nghi liên quan tới triều đình.

Toan Ánh / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-it-biet-ve-tang-le-cac-vi-de-vuong-post1430157.html