Điều khác biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp so với các thống soái quân sự thế giới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh' do Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 14/5. Các chuyên gia tham dự hội thảo tiếp tục làm sâu sắc và sáng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch trong đó có vai trò của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - khẳng định hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa giá trị vĩ đại, tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Từ đó, những người thực hiện hội thảo mong muốn khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ động viên mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc phát huy truyền thống yêu nước”, Thượng tá Lê Vũ Huy nói.

Hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện.

Hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện.

Các nhà khoa học, chuyên gia với quan điểm, phương pháp luận khoa học, tầm nhìn và tư duy mới, dựa trên những tư liệu tin cậy, tiếp tục làm sâu sắc và sáng tỏ nhiều vấn đề.

Đó là hoàn cảnh lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Kế hoạch Navarre, đi sâu phân tích sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến dịch, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, trong đó có vai trò của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Sự thay đổi phương châm tác chiến từ Đánh nhanh, thắng nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc mang tính chất quyết định thành, bại của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sự thay đổi phương châm tác chiến từ Đánh nhanh, thắng nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc mang tính chất quyết định thành, bại của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự thay đổi phương châm tác chiến từ Đánh nhanh, thắng nhanh sang Đánh chắc, tiến chắc quyết định sự thành, bại của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ chỗ không có trong dự kiến kế hoạch tác chiến ban đầu của cả ta và Pháp, Điện Biên Phủ đã nhanh chóng trở thành trận quyết chiến trong chiến lược của cả hai bên.

“Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất to lớn và quan trọng trong nhận định, phán đoán âm mưu, hành động của địch, khả năng tác chiến của bộ đội ta, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quyết định mở chiến dịch lịch sử nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - cố gắng quân sự cao nhất, hình thức phòng ngự quy mô lớn nhất của quân Pháp - trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương”, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà nêu.

Thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện rõ tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện rõ tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện rõ tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với quyết định táo bạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong việc thay đổi phương châm tác chiến vào phút chót, Đại tướng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

“Về sự kiện này, phía Pháp đã tỏ ra tiếc nuối khi Đại tướng đã tỉnh táo, sáng suốt quyết định chuyển phương châm, hoãn trận đánh mở màn để chuẩn bị thêm, không mắc mưu khiêu khích của kẻ thù”, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà nêu.

Điều khác biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

TS. Nghiêm Thị Thu Nga (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) lý giải vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ góc nhìn văn hóa, cụ thể hơn là đánh giá vai trò đó thông qua phân tích các giá trị nhân cách văn hóa của ông.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ngưỡng mộ không chỉ vì ông là một danh tướng mà còn là một cây đại thụ rợp bóng nhân văn. Đây là điều làm nên sự khác biệt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các thống soái quân sự trên thế giới", TS. Nghiêm Thị Thu Nga cho biết.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, vẻ đẹp nhân văn trong con người Đại tướng thể hiện đa dạng, từ lý tưởng, quyết tâm đánh giặc đến tình cảm, ứng xử giàu nhân ái, nhân văn trong nhiều mối quan hệ với tập thể, với chiến sĩ, với nhân dân và với những người bên kia chiến tuyến.

Ngay trong thời điểm cam go nhất của cuộc kháng chiến, ông luôn thực hiện lẽ sống “dĩ công vi thượng”, nỗi lo lớn nhất của ông không gì khác hơn là vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì an nguy của đồng chí, đồng bào.

Quyết định lịch sử thay đổi phương châm, chiến thuật của Đại tướng không chỉ thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của người cầm quân mà còn thể hiện đạo đức nhân văn của người tướng lĩnh ngày đêm đau đáu nỗi lòng yêu nước, thương dân sâu sắc.

“Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất to lớn và quan trọng trong nhận định, phán đoán âm mưu, hành động của địch, khả năng tác chiến của bộ đội ta, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quyết định mở chiến dịch lịch sử nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...”, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà nêu.

“Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất to lớn và quan trọng trong nhận định, phán đoán âm mưu, hành động của địch, khả năng tác chiến của bộ đội ta, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quyết định mở chiến dịch lịch sử nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...”, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà nêu.

Đại tướng luôn tâm niệm dù cá nhân có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, không có một dân tộc anh hùng và một quân đội anh hùng thì cũng không thể làm nên một công lao, thành tích nào. Điều này sau này đã được ông khẳng định: “... chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ, còn bất kỳ vị tướng nào dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả”.

Phương châm ứng xử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lấy nhân nghĩa và hòa hiếu làm trọng. Chính sách hậu chiến mà ông thực thi cũng đã cho thấy rõ điều này.

Trong trận Him Lam khi quân Pháp bị thương vong nặng nề, ông đã gửi thư cho Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ với thành ý trao trả thi thể các binh sĩ tử trận. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho dựng lều trại để cứu chữa cho tù, hàng binh bị thương...

Nhìn nhận nhân cách văn hóa của Đại tướng ở ba giá trị "trí tuệ sáng tạo vượt trội, đạo đức nhân văn sáng ngời, tầm ảnh hưởng sâu rộng', TS. Nghiêm Thị Thu Nga khẳng định chính những giá trị đó là một thứ “sức mạnh mềm văn hóa” để giúp ông lập nên đại công, giữ vai trò đặc biệt không thể thay thế trong Chiến dịch lịch sử.

Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là nơi hội tụ cao nhất sức mạnh của toàn dân và toàn quân ta mà còn hội tụ sức mạnh đoàn kết quốc tế của Việt - Miên - Lào, cùng trên chiến trường Đông Dương, đánh quân Pháp cùng một phương hướng chiến lược.

"Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, triển khai trên cả ba chiến trường, tạo tiền đề cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ. Cùng với thắng lợi to lớn ở Thượng Lào, Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, thắng lợi của Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải chịu thua, chấm dứt chiến tranh xâm lược trên cả ba nước”, TS. Nguyễn Thị Huyền Trang (Bảo tàng Hồ Chí Minh) nêu trong tham luận gửi hội thảo.

Gia Linh - Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dieu-khac-biet-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-so-voi-cac-thong-soai-quan-su-the-gioi-post1637057.tpo