Điều khác biệt giữa hai giải thưởng Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng là gì?

Bởi những sự tương đồng ở Cánh Diều và giải Bông Sen, nhiều ý kiến cho rằng nên lược bớt một trong hai giải thưởng danh giá nói trên. Tuy nhiên, thực chất cả hai vẫn có nhiều khác biệt và tính chất riêng, tạo nên các giá trị khác nhau đối với mỗi bộ phim và cá nhân thắng giải.

Bên cạnh yếu tố doanh thu và sự đón nhận từ phía truyền thông, dư luận, những giải thưởng điện ảnh cũng trở thành động lực và mục tiêu của các dự án phim Việt Nam. Trong đó, hai giải thưởng được xem là danh giá, có giá trị nhất đối với mỗi bộ phim và cá nhân như diễn viên, đạo diễn, biên kịch, quay phim,… là giải Bông Sen và giải Cánh Diều.

Nền điện ảnh Việt Nam chưa thực sự phát triển, các bộ phim trong nước không quá đa dạng về thể loại nên số lượng phim tham dự giải Bông Sen và Cánh diều vẫn còn khiêm tốn. Chính vì thế, khán giả khó tránh khỏi hoang mang khi thấy phim tranh giải Bông Sen lại tiếp tục xuất hiện ở danh sách Cánh Diều. Điển hình, các phim như Em chưa 18, Sắc đẹp ngàn cân, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Bạn gái tôi là sếptham gia cả Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX hồi cuối năm 2017 và giải Cánh Diều năm 2017, sẽ tổ chức vào tháng 4 năm 2018.

“Bội thu” từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, “Em chưa 18” tiếp tục tranh giải Cánh Diều Vàng 2017.

Với sự trùng lặp các “ứng cử viên” tham gia, cũng như tiêu chí lựa chọn là giá trị điện ảnh, không ít khán giả khó phân biệt được hai giải Bông Sen và Cánh Diều. Đặc biệt, tại cả Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh Diều, giải cao nhất và cao thứ hai đều lần lượt là vàng (Bông Sen Vàng, Cánh Diều Vàng) và bạc (Bông Sen Bạc, Cánh Diều Bạc).

Đặc biệt, với tiêu chí đề cao dấu ấn sáng tạo trong mỗi tác phẩm, giải thưởng Cánh Diều Vàng và Bông Sen Vàng đều không xét trao cho các dự án phim làm lại (remake) từ kịch bản và phim nước ngoài. Dẫu thêm thắt ít hay nhiều yếu tố, tình tiết mới, những tác phẩm này chỉ được tham gia tranh giải cá nhân tại Liên hoan phim Việt Nam, cũng như Lễ trao giải Cánh Diều.

Trailer bộ phim remake “Em là bà nội của anh”.

Thậm chí, bởi những sự tương đồng ở Cánh Diều và Bông Sen, nhiều ý kiến cho rằng nên lượt bớt một trong hai giải thưởng danh giá nói trên. Tuy nhiên, thực chất, cả hai vẫn có nhiều khác biệt và tính chất riêng, tạo nên các giá trị khác nhau đối với mỗi bộ phim và cá nhân thắng giải.

Trước hết, về nguồn gốc, Liên hoan phim Việt Nam là liên hoan do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Điện ảnh tổ chức. Ban đầu, mục đích của sự kiện là: “Vì Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội - Vì sự nghiệp phát triển của nền điện ảnh dân tộc”.Bên cạnh những giải chính, Liên hoan phim Việt Nam còn có giải thưởng do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng. Bắt đầu từ năm 2003, giải này không trao tại Liên hoan phim nữa, và trở thành giải Cánh Diều. Lễ trao giải Cánh diều cũng vì vậy mà được tổ chức riêng.

Như vậy, thực chất, giải thưởng Cánh Diều là giải của Hội Điện ảnh Việt Nam, với mục đích và tiêu chí xét giải khá rõ ràng: “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Sự khác nhau về đơn vị tổ chức giữa Bông Sen và Cánh Diều cũng quyết định quy mô và sức ảnh hưởng của hai giải thưởng nói trên.

Ngoài ra, Liên hoan phim Việt Nam và giải do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức cũng có thời gian khác nhau. Nếu giải Cánh Diều được trao vào tháng Ba, tháng Tư hàng năm, thì giải Bông Sen diễn ra khá tùy hứng. Đặc biệt, khác với tần suất mỗi năm một lần như Cánh Diều, Liên hoan phim Việt Nam thường hai năm một lần, thậm chí lịch trình này không đúng và có nhiều khoảng cách, điển hình như Liên hoan không tổ chức từ năm 2002 đến năm 2004.

Hình ảnh trong Lễ trao giải Cánh Diều 2016.

Đặc biệt, bên cạnh những giải thưởng tập thể, cá nhân trong hạng mục chính như phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim video có ở cả Liên hoan phim Việt Nam và giải thưởng Cánh Diều Vàng. Lễ trao giải do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức còn tôn vinh các cá nhân, tác phẩm với hạng mục đa dạng hơn như phim truyện truyền hình, phim khoa học, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh…

“Nữ hoàng phim truyền hình” Nhã Phương trong Lễ trao giải Cánh Diều.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa hai giải thưởng danh giá này còn thể hiện ở giá trị mà mỗi cá nhân nhận được. Cụ thể, theo bản dự thảo phương án quy đổi giải thưởng khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp, Cánh Diều Vàng có giá trị bằng một phần hai Bông Sen Vàng.

Bên cạnh đó, khâu tổ chức ở mỗi lễ trao giải cũng góp phần tạo nên sự khác biệt giữa hai giải thưởng danh giá này. Liên hoan phim Việt Nam thường được diễn ra dưới các hình thức như hội thảo, chợ phim, dạ hội điện ảnh, những cuộc giao lưu… Trong khi đó, dù là giải thưởng điện ảnh lớn, Cánh Diều Vàng liên tục vấp phải chỉ trích từ truyền thông, dư luận về việc thiếu chuyên nghiệp, trở thành giải thưởng đầy rẫy thị phi.

Cụ thể, Lễ trao giải Cánh Diều Vàng thường gặp những sơ suất về kỹ thuật như việc MC không phù hợp (Lễ trao giải năm 2014), chuẩn bị thiếu cúp, sự cố mất điện (Lễ trao giải năm 2016), hay thậm chí là lộ kết quả, người công bố giải ngắc ngứ, lúng túng… Bên cạnh các “hạt sạn” nói trên, giải thưởng này còn nhận không ít ý kiến trái chiều về danh sách đề cử và kết quả giải thưởng bởi sự “so bó đũa chọn cột cờ”, hay giải cao nhất không thích đáng.

Từ những yếu tố trên, có thể thấy Liên hoan phim Việt Nam có tuổi đời, quy mô lớn và ít “sạn” hơn giải thưởng do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Thậm chí, giải Bông Sen tổ chức hồi cuối năm 2017 được xem là lôi kéo hết sức nóng của Lễ trao giải Cánh Diều Vàng vào tháng Tư sắp tới. Tuy nhiên, khán giả vẫn thể hiện sự trông chờ vào một lễ trao giải chỉn chu, cẩn thận và có giá trị hơn, để tôn vinh sức sáng tạo, giá trị nhân văn và hiệu quả xã hội ở mỗi tác phẩm như tiêu chí cao cả mà Cánh Diều đã đề ra.

Phương Thảo

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/dieu-gi-khac-biet-giua-hai-giai-thuong-bong-sen-vang-va-canh-dieu-vang-2559511.html