Điều kiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng ra sao?

Điều kiện chào bán trái phiếu có bảo đảm ra công chúng được quy định rõ tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán, điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm: Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Đồng thời, phải đáp ứng thêm các điều kiện như: Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Theo khoản 2, Điều 19, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau: i) Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên BCTC kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: BCTC năm gần nhất được kiểm toán hoặc BCTC bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố BCTC bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Hoặc ii) tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên BCTC kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: BCTC năm gần nhất được kiểm toán hoặc BCTC bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố BCTC bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Theo khoản 2, Điều 23, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, việc phát hành phải được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu bằng một hoặc một số phương thức sau: Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Bảo đảm bằng tài sản của tổ chức phát hành, tài sản của bên thứ ba. Tài sản bảo đảm phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và được đăng ký, xử lý theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Theo khoản 3, Điều 23, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, đối tượng phát hành phải có đại diện người sở hữu trái phiếu. Trong đó, đại diện người sở hữu trái phiếu có tối thiểu các trách nhiệm như: Giám sát việc tuân thủ các cam kết của tổ chức phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu; Làm trung gian liên lạc giữa người sở hữu trái phiếu, tổ chức phát hành và các tổ chức có liên quan khác; Yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi tổ chức phát hành không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, trường hợp trái phiếu được bảo đảm thanh toán bằng phương thức bảo đảm bằng tài sản, dại diện người sở hữu hái phiếu là tổ chức nhận và quản lý tài sản bảo đảm, thay mặt người sở hữu trái phiếu thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo đúng điều khoản hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 24, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

Trường hợp đại diện người sở hữu trái phiếu không được nhận tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Đại diện người sở hữu trái phiếu phải chỉ định bên thứ ba nhận tài sản bảo đảm. Tổ chức nhận tài sản bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với Đại diện người sở hữu trái phiếu để quản lý và thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo điều khoản hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Hoa Sơn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/dieu-kien-chao-ban-trai-phieu-co-bao-dam-ra-cong-chung-ra-sao-333923.html