Điều kiện để Việt kiều được nhận lại nhà

Nếu trước khi đi định cư nước ngoài, công dân Việt Nam ủy quyền cho Nhà nước quản lý thì khi về nước định cư sẽ được nhận lại nhà sau khi thanh toán chi phí quản lý.

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy quyết định đình chỉ vụ án dân sự của TAND tỉnh Sóc Trăng, giao hồ sơ về cho tòa này giải quyết lại theo quy định. Quyết định này có đường lối giải quyết như một án lệ trong chuyện Việt kiều hồi hương nhận lại tài sản (nhà) trước đó của mình.

Tòa sơ thẩm không giải quyết mà đình chỉ

Theo đơn kiện, năm 1979, gia đình ông Triệu Minh Ân (sinh năm 1962) được Nhà nước cho xuất cảnh sang Bỉ đoàn tụ gia đình. Ngày 11-6-1979, cha ông Ân có đơn xin gửi lại căn nhà cho UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) quản lý, được Ban nhân dân ấp chứng thực cùng ngày, được Phòng tài chính huyện xác nhận vào đơn, kèm giấy mô tả căn nhà và diện tích đất khoảng 1.200 m2.

Trước khi xuất cảnh, gia đình ông Ân bàn giao nhà cho chủ tịch xã thời điểm đó ký nhận, sau khi nhận thì UBND xã giao cho Đảng ủy xã quản lý.

Năm 2007, nhà đất này được kiểm kê theo Chỉ thị 31/2007 của Thủ tướng. Khi về nước, gia đình ông Ân mới biết rằng năm 2009, UBND huyện Châu Thành được tỉnh giao quản lý căn nhà của mình. Sau đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cấp quyền sử dụng đất cho xã nhưng chưa xác lập quyền sở hữu nhà Nhà nước.

Tuy gửi giữ hai căn nhà nhưng do một căn đã qua nhiều đời chủ nên gia đình ông Ân chỉ xin lại một căn nhà mà xã đang bỏ không (do UBND xã đã xây trụ sở ở khu đất khác). Tuy nhiên, UBND huyện Châu Thành không thụ lý giải quyết đơn, còn UBND tỉnh Sóc Trăng thì chưa xem xét, giải quyết đơn của gia đình ông Ân.

Sau đó, ông Ân khởi kiện UBND xã Phú Tân và UBND huyện Châu Thành đòi lại căn nhà nói trên và yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, TAND tỉnh Sóc Trăng không giải quyết vụ kiện này mà ra quyết định đình chỉ vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Ông Ân kháng cáo đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy quyết định đình chỉ nói trên. VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng có kháng nghị cho rằng vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Lập luận của TAND Cấp cao

Tại phiên họp phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị hội đồng phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và kháng nghị.

Hội đồng phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM xét thấy nhà, đất của gia đình ông Ân không thuộc diện Nhà nước phải quản lý, thu hồi hay thuộc diện cải tạo công thương tư bản, tư doanh. Vì vậy, đây không thuộc trường hợp Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân… theo Điều 2 Nghị quyết 23/2003 của Quốc hội. Đồng thời, hiện cũng không có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền về quản lý căn nhà này.

Khoản 1 Điều 5 Quyết định 297/1991 của chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định: Người xuất cảnh hợp pháp có quyền bán hoặc ủy quyền cho người khác quản lý nhà thuộc sở hữu của mình. Theo khoản 2 mục IV Thông tư 383/1991 của Bộ Xây dựng, công dân Việt Nam được phép xuất cảnh... thì có quyền định đoạt đối với nhà ở thuộc sở hữu của mình.

Trong trường hợp trước khi xuất cảnh họ có ủy quyền cho Nhà nước quản lý thì cũng được chấp nhận, nếu người chủ trở về định cư tại Việt Nam thì được nhận lại nhà sau khi thanh toán chi phí quản lý, sửa chữa nhà cho Nhà nước.

Từ những nhận định này, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy quyết định đình chỉ vụ án, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Sóc Trăng giải quyết.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/dieu-kien-de-viet-kieu-duoc-nhan-lai-nha-857620.html