Điều kiện hưởng BHXH một lần: Sẽ được quy định chặt chẽ hơn

Cần ban hành quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu người tham gia bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Gia tăng số người nhận BHXH một lần

Đó là một trong những vấn đề được nêu ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH vừa được Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thông qua nhằm sửa đổi, khắc phục những bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động.

Tới đây, điều kiện hưởng BHXH một lần sẽ được quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo tối ưu hóa quyền lợi cho người tham gia.

Tới đây, điều kiện hưởng BHXH một lần sẽ được quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo tối ưu hóa quyền lợi cho người tham gia.

Theo đó, trước thực trạng nhiều người lao động chọn hưởng BHXH một lần thay vì bảo lưu thời gian đóng khi chấm dứt hợp đồng lao động ở doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến thời gian qua, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra vấn đề cần sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH dài hơi hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỷ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.

Thống kê gần đây của Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện, có một bộ phận người lao động đã đóng 10-15 năm BHXH, sau đó rút sổ BHXH để hưởng chế độ một lần. Bình quân hằng năm có trên 600.000 người nhận BHXH một lần và luôn có chiều hướng gia tăng.

Chỉ tính riêng năm 2017 là 660.000 người xin hưởng BHXH một lần, đồng nghĩa với việc chừng đó người lao động không còn cơ hội được hưởng lương hưu và các chế độ an sinh xã hội. Nhận định về thực trạng đáng buồn này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Người lao động cần ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là quá trình tích lũy “của để dành” cho mình.

Vậy tại sao khi còn trẻ, còn khỏe, còn khả năng lao động để tạo thu nhập, người lao động đã vội sử dụng đến “của để dành”, trong khi về già, sức khỏe suy giảm, không còn khả năng lao động thì lại trắng tay, không được hưởng lương hưu và các chế độ an sinh xã hội đi kèm (khi về hưu, ngoài lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ BH y tế; khi người lao động qua đời, thân nhân được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc tiền tuất một lần).

Phân tích thêm những lợi ích của việc ở lại lâu dài với Quỹ BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Người dân, người lao động hoàn toàn yên tâm về Quỹ BHXH do Nhà nước quản lý bảo hộ. Bởi nếu khi về hưu, giá trị đồng tiền mất giá do trượt giá thì Nhà nước phải nâng tiền lương cho người về hưu. Minh chứng là năm nay, Nhà nước đã nâng thêm 7% cho người lao động.

“Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp BHXH 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ trước khi quyết định”, ông Lợi khẳng định.

Sửa đổi chính sách để tăng quyền lợi cho NLĐ

Nhìn nhận vấn đề này từ góc độ lao động – việc làm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, khi điều kiện về việc làm, thu nhập của người lao động còn thiếu sự ổn định, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, quy định về thời gian đóng góp được hưởng lương hưu của người lao động kéo dài, độ tuổi hưởng lương hưu có xu hướng gia tăng... là những trở ngại không nhỏ đến quyết định bảo lưu và theo đuổi việc đóng góp để nhận được khoản lương hưu hàng tháng của người lao động.

Để giải quyết thực trạng này, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cần thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Nghị quyết số 28-NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua cũng đã đề cập tới một số giải pháp như: Cần tăng cường các giải pháp kinh tế vĩ mô nhằm tạo sự ổn định về môi trường kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đây được coi là giải pháp căn cơ nhất để giúp duy trì việc làm, ổn định thu nhập và khả năng đóng góp của người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp nhằm khuyến khích người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động lựa chọn việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH thông qua sửa đổi chính sách theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Ví dụ, người lao động khi nhận BHXH một lần sẽ chỉ được nhận lại phần đóng góp của bản thân (8%), sẽ không được nhận phần do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng.

Mặt khác, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, như nghiên cứu sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm thay vì chỉ tập trung các giải pháp xử lý hậu quả như chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, một trong các chính sách được tính đến như có thể hỗ trợ một phần tiền lương, hỗ trợ đóng BHXH cho các lao động có nguy cơ bị sa thải mà sẽ rất khó tìm việc làm ở các doanh nghiệp thực sự khó khăn. Nhờ đó, người lao động vẫn có việc làm, vẫn nằm trong hệ thống BHXH, vẫn làm ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ, vẫn đóng góp vào tăng trưởng và năng suất lao động quốc gia.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dieu-kien-huong-bhxh-mot-lan-se-duoc-quy-dinh-chat-che-hon-76728.html