Điều kiện và cơ hội

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Mỹ và các nước khác trong nhóm P5+1 gồm Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh - hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - vốn tưởng chừng đã hoàn toàn 'chết yểu', thì nay lại đang đứng trước cơ hội hồi sinh.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Mỹ và các nước khác trong nhóm P5+1 gồm Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh - hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - vốn tưởng chừng đã hoàn toàn “chết yểu”, thì nay lại đang đứng trước cơ hội hồi sinh.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Và cơ hội hồi sinh cho JCPOA cũng vậy. Trong một tuyên bố mới nhất hôm 4-12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán hạt nhân với Mỹ, nhưng với điều kiện Washington trước tiên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tehran cáo buộc là “trái phép”. Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Rouhani nói: “Nếu họ sẵn sàng gác lại các lệnh trừng phạt thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán và thương lượng, kể cả ở cấp lãnh đạo nhóm P5+1”. Và đây rõ ràng là một điều kiện mà Washington khó có khả năng thực hiện theo.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt 2015 đã giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy sự kiềm chế trong chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, di sản để đời của người tiền nhiệm Barack Obama bị phá bỏ không thương tiếc. Ông Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, tái áp đặt trừng phạt lên Iran.

Tổng thống Rouhani từ lâu đã đề nghị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ để đổi lấy việc Iran quay trở lại đàm phán dưới sự bảo trợ của P5+1. Nhưng Washington vẫn không chịu nhường, vẫn áp đặt những biện pháp khắc nghiệt nhằm vào nền kinh tế Iran. Vì vậy, theo nhà lãnh đạo Rouhani, “chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chống lại và kiên trì chống lại những biện pháp trừng phạt tàn nhẫn của Nhà Trắng”.

Và 12 tháng kể từ khi Mỹ rời đi, Iran bắt đầu giảm các cam kết đối với thỏa thuận này với hy vọng giành được những nhượng bộ từ những nước vẫn còn tham gia thỏa thuận. Bước trở lại gần đây nhất của quốc gia Hồi giáo này đã diễn ra vào tháng trước, khi các kỹ sư bắt đầu làm giàu khí uranium tại nhà máy Fordow dưới lòng đất phía nam của Tehran. Rõ ràng, ngoài mục đích chính trị, Iran có lý do thực tế hơn có những bước đi cứng rắn đáp trả Mỹ khi nền kinh tế của họ đang điêu đứng vì lệnh trừng phạt.

Sau động thái mới nhất của Iran giảm bớt cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân trong tháng 11, 3 nước Châu Âu đã cảnh báo khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận nếu Iran tiếp tục đi theo con đường đó. Trong khi đó, nhân tố quan trọng nhất là Mỹ dường như vẫn làm ngơ.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_217035_dieu-kien-va-co-hoi.aspx