Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Các em ở Làng trẻ em SOS Huế luôn được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần

Chuyên nghiệp, kết nối

Hiện trên địa bàn tỉnh đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 60.830 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình nhận chăm sóc nuôi dưỡng. Trong đó, 1.514 trẻ em, 1.113 đối tượng con của người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, 28.188 người cao tuổi, 25.641 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở trợ giúp xã hội (3 cơ sở công lập, 21 cơ sở ngoài công lập) gồm 360 nhân viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 1.390 đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng khác.

Ngoài các trung tâm bảo trợ xã hội là địa chỉ tin cậy, kết nối giúp đỡ giúp cho cá nhân, nhóm, cộng đồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, còn nhiều tổ chức, nhóm, dự án thiện nguyện trong, ngoài tỉnh và quốc tế cùng tham gia hoạt động tích cực. Đội ngũ nhân viên công tác xã hội tại các sở, ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở trợ giúp xã hội từng bước được hình thành đã góp phần rất lớn vào công tác trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Công tác xã hội với hộ nghèo, người khuyết tật, người yếu thế, các đối tượng bệnh tật, khó khăn khác còn được các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, các hội, câu lạc bộ, nhóm bạn, cá nhân quan tâm vận động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hoạt động thiết thực như: trao tặng nhà ở cho hộ nghèo, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm cho lao động, bệnh nhân nghèo tại bệnh viện, đối tượng được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Có nhiều mô hình trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được xây dựng đã tạo môi trường thuận lợi cho đối tượng tham gia sinh hoạt, vui chơi giải trí, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo thu nhập, giúp cho đối tượng yếu thế vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Những tổ chức, cá nhân thiện nguyện này còn tổ chức khám, chữa bệnh, tài trợ kinh phí phẫu thuật chỉnh hình, tim bẩm sinh hay xây dựng thư viện, tặng xe đạp cho trẻ em đến trường. Những trường hợp khó khăn, hoàn cảnh xảy ra biến cố, gặp thiên tai... còn được giúp đỡ lương thực, thực phẩm, cây con giống, phương tiện sản xuất, nước sạch và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức Zhi-Shan Foudation thông qua Quỹ Chí Thiện vì trẻ em trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Huế

Chất lượng cuộc sống được nâng lên

Nhân kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024, UBND tỉnh đã trao tặng "Bảng vàng tôn vinh" cho 11 tập thể, cá nhân đã mang lại những giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Họ là những người đang thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội tại cộng đồng, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, các bệnh viện, trường học; các tổ chức hội. Đơn cử như: Hội Người khuyết tật - Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, Quỹ những Trái tim Huế; Trung tâm Hỗ trợ trang bị trường học và giáo dục Nhân đạo Huế, Phòng Công tác xã hội và Chăm sóc khách hàng - Bệnh viện Trung ương Huế, Ban Từ thiện Xã hội - Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh, Tổ chức Hue Help, Tổ chức Zhi-Shan Foudation Taiwan, Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái...

Nghị quyết 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh quan điểm: chính sách xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền và song hành với phát triển kinh tế, đó là: tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện quan điểm của Đảng đối với chính sách xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động công tác xã hội ngày càng chuyên nghiệp và kết nối rộng rãi, chặt chẽ với cộng đồng xã hội.

Những năm qua, công tác an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo, đồng bộ trên các lĩnh vực. Ngoài đối tượng bảo trợ xã hội, chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng được thực hiện đầy đủ cho hơn 15.330 người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với tổng kinh phí 31 tỷ đồng/tháng. Vào các dịp lễ, tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ, hơn 108.000 trường hợp là người yếu thế, có công với cách mạng còn được tỉnh thăm hỏi, tặng quà với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Chính sách tạo việc làm và đào tạo nghề được các cấp, các ngành, tổ chức phối hợp thực hiện tốt. Riêng năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 17.034 người, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị 1,8% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,25%.

Với sự chung tay, sẻ chia của toàn xã hội trên nhiều lĩnh vực đời sống đã tạo động lực, niềm tin cho nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thành quả rõ nét nhất đó là việc thực hiện công tác giảm nghèo, một trong những chương trình an sinh quan trọng trên địa bàn vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 7.540 hộ nghèo, giảm 4.195 hộ so với cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo 2,27%, vượt 0,52% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần thắng lợi mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/dieu-phoi-toan-dien-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-140172.html