Điều phối viên thường trú tại Việt Nam bật mí về chuyến thăm của Tổng thư ký Liên hợp quốc

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam bà Pauline Tamesis tiết lộ với TG&VN những ưu tiên trong chuyến thăm đánh dấu dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis. (Nguồn: UN)

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis. (Nguồn: UN)

Xin bà cho biết những ưu tiên của Tổng thư ký LHQ António Guterres trong chuyến thăm Việt Nam là gì?

Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký LHQ António Guterres sẽ dự lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ; gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Quốc hội, cũng như các quan chức cấp cao khác và tham gia đối thoại với thanh niên Việt Nam.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22/10.

Dự kiến trọng tâm chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ là các hành động vì khí hậu, trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách hiện thực hóa các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26).

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất thế giới, Việt Nam đang ở tuyến đầu hứng chịu những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, loại bỏ than đá vào năm 2040 và các sáng kiến khác, bao gồm chấm dứt nạn phá rừng và giảm phát thải khí metan vào năm 2030. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và hướng tới tái tạo năng lượng, Liên hợp quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng của Việt Nam với Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres tiếp Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 13/10. (Nguồn: TTXVN)

Bà có đánh giá gì về những cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) với ưu tiên cao nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau? Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu đã đặt ra nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện đời sống của người dân?

Việt Nam gia nhập LHQ vào tháng 9/1977, hai năm sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975.

Trong 45 năm qua, Việt Nam đã tiến bộ ngoạn mục từ một quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ của LHQ, trở thành một quốc gia đóng góp mạnh mẽ vào chương trình nghị sự của khu vực và toàn cầu.

"Trong 45 năm qua, Việt Nam đã tiến bộ ngoạn mục từ một quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ của LHQ, trở thành một quốc gia đóng góp mạnh mẽ vào chương trình nghị sự của khu vực và toàn cầu", Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis.

LHQ đã hỗ trợ các hoạt động chính trị, nhân đạo, tái thiết và xây dựng pháp luật trong những ngày đầu Việt Nam trở thành thành viên của LHQ. Trong công cuộc Đổi mới giai đoạn 1986-1995, LHQ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam bằng cách đưa ra những tham vấn chính sách về kinh tế quan trọng và cung cấp các nguồn lực lên tới hàng trăm triệu USD hàng năm.

Trong giai đoạn chuyển giao sang thế kỷ 21, sự hỗ trợ của LHQ với Việt Nam tập trung vào xóa đói giảm nghèo, các chính sách xã hội, điều phối viện trợ, nâng cao năng lực và huy động nguồn lực.

Kể từ năm 2000, LHQ đã chuyển hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam sang các hỗ trợ cải cách lập pháp, kinh tế và hành chính công, cũng như thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nhiều mục tiêu trong số đó đã đạt được trước năm 2015.

Thông qua Kế hoạch chiến lược chung (OSP) của Chính phủ Việt Nam và LHQ giai đoạn 2017-2021 và Khung chiến lược chung mới về hợp tác phát triển bền vững giữa LHQ và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022-2026, LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ về an ninh khí hậu ngày 23/9/2021. (Nguồn: TTXVN)

Theo bà, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam cho LHQ trong những năm gần đây có gì đáng chú ý?

Ngày nay, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong khu vực và toàn cầu, bao gồm cả hoạt động gìn giữ hòa bình, hay với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Việt Nam đã thể hiện mình là một là thành viên quan trọng, ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp cụ thể cho hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và cho Chương trình nghị sự vì hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an LHQ.

Với việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, LHQ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong các kế hoạch biến các cam kết nhân quyền thành hành động. LHQ hoan nghênh các cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường nhân quyền trên mọi phương diện, ưu tiên bình đẳng giới và bảo vệ tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Xin cảm ơn bà!

"Việt Nam đã thể hiện mình là một là thành viên quan trọng, ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp cụ thể cho hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và cho Chương trình nghị sự vì hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an LHQ", Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis.

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dieu-phoi-vien-thuong-tru-tai-viet-nam-bat-mi-ve-chuyen-tham-cua-tong-thu-ky-lien-hop-quoc-202703.html