Điều quan trọng hơn bao giờ hết trong cách ly xã hội

Các nhà tâm lý học lo ngại về hậu quả lâu dài của cách ly xã hội đến tâm lý người dân. Một số biện pháp được khuyến khích là duy trì kết nối và giúp đỡ lẫn nhau giữa dịch bệnh.

Đừng đi làm. Đừng gặp gỡ bạn bè. Đừng đến thăm người nhà. Đừng tụ tập cầu nguyện và thậm chí đừng ôm hôn hay bắt tay. Đó là những lời khuyến cáo được nhiều quốc gia đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới.

Vào lúc này, cần phải chấp nhận sự thật phũ phàng là không thể ở gần người thân. Khoảng cách 2 m chưa bao giờ mang lại cảm giác xa cách đến như vậy.

Các nhà tâm lý học đang lo ngại về hậu quả lâu dài của việc cách ly xã hội. Nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng việc ở một mình có liên quan đến tình trạng huyết áp cao, hệ miễn dịch suy yếu và một loạt vấn đề sức khỏe khác, theo Washington Post.

Tuy nhiên, số liệu cũng chỉ ra một vài điều tích cực: Sự kết nối giữa người với người - chỉ đơn giản như nhận sự giúp đỡ từ một người lạ mặt hay nhìn vào bức ảnh người mình yêu thương - cũng có thể xoa dịu nỗi đau và giảm thiểu các triệu chứng căng thẳng.

 Đường phố ở Rome, Italy, vắng người qua lại vì dịch bệnh. Ảnh: AFP.

Đường phố ở Rome, Italy, vắng người qua lại vì dịch bệnh. Ảnh: AFP.

Sức mạnh của kết nối giữa người với người

Những người cảm thấy được hỗ trợ từ mọi người xung quanh có tuổi thọ cao hơn. Một thí nghiệm đã chỉ ra rằng những người có nhiều mối quan hệ xã hội hơn thường ít có khả năng bị cảm lạnh hơn.

Đối với những ai đang phải cách ly xã hội trong nỗi cô đơn và sợ hãi vì phải xa gia đình, bạn bè, một cuộc gọi hay một ai đó chịu lắng nghe có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch ở cấp độ phân tử. Cho dù bạn là người nhận hay người cho, lòng tốt đều có thể giúp bạn duy trì sức khỏe.

Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Brigham Young, cho rằng "việc nhận được sự hỗ trợ từ người khác có khả năng giúp tất cả chúng ta vượt qua giai đoạn này".

Do không có vắc-xin hay thuốc tránh lây lan chống Covid-19, cách ly xã hội là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn đại dịch này. Giảm thiểu tương tác giữa người bệnh và người khỏe mạnh giúp làm chậm sự lây lan và hệ thống y tế không bị quá tải.

Tuy nhiên, khoảng thời gian dài tự cách ly xã hội không phải là dễ dàng đối với mọi người.

Naomi Eisenberger, nhà thần kinh học tại Đại học California ở Los Angeles, Mỹ, cho biết con người là loài động vật có tổ chức xã hội. Bộ não và cơ thể chúng ta được phát triển dựa vào sự liên kết giữa người với người. Sống giữa gia đình và bạn bè, chúng ta cảm thấy an toàn trước kẻ săn mồi và an tâm rằng mình sẽ được chăm sóc khi bị tổn thương.

 Một giáo sư đang giảng bài trực tuyến tại Đại học Catania ở Italy hôm 12/3. Ảnh: Getty.

Một giáo sư đang giảng bài trực tuyến tại Đại học Catania ở Italy hôm 12/3. Ảnh: Getty.

Nhưng khi chúng ta ở một mình, cơ thể bắt đầu phản ứng vì cảm thấy bất an. Hệ thống thần kinh sản xuất ra norepinephrine, loại hoóc môn liên quan đến phản ứng "chiến đấu hay chạy trốn".

Phản ứng này phù hợp với môi trường sống của tổ tiên con người để bảo vệ họ trước mối nguy hiểm từ thiên nhiên. Tuy nhiên, con người hiện đại phải đối mặt với những mối đe dọa trừu tượng hơn mà chúng ta không thể dễ dàng chiến đấu hoặc chạy trốn.

Nỗi cô đơn khiến con người rơi vào trạng thái bất ổn và không khỏe mạnh: huyết áp tăng cao, lượng đường trong máu cao. Nếu trạng thái này duy trì trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh mạn tính như tiểu đường, xơ vữa động mạch và bệnh tim.

Kết nối giúp làm giảm căng thẳng

Tuy nhiên, sự tương tác có thể khiến chúng ta khỏe mạnh hơn. Một trong những tác dụng quan trọng nhất của lòng tốt là giảm bớt phản ứng của chúng ta trước căng thẳng.

Trong một thí nghiệm được thực hiện tại Đại học Utah, hàng chục sinh viên được đưa vào một căn phòng trống, ngồi trên ghế và bị buộc tội họ đã ăn cắp đồ. Họ có 3 phút để đưa ra câu trả lời của mình.

Nhịp tim của những sinh viên này bắt đầu tăng lên, trong khi huyết áp tăng vọt. Hoóc môn căng thẳng có đầy trong mạch máu. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, trước khi rời khỏi phòng, họ được nhà nghiên cứu thông báo: "Nếu bạn cần tôi giải đáp thắc mắc gì đó, đừng ngại hỏi. Tôi đánh giá cao việc bạn tham gia vào thí nghiệm này và tôi muốn được giúp đỡ bạn nếu bạn cần bất kỳ sự giúp đỡ nào".

Đối với những trường hợp này, nhịp tim của họ không đập quá nhanh và phản ứng trước căng thẳng ít nghiêm trọng hơn.

 Dòng chữ tiếng Pháp có nghĩa "tôi yêu bạn từ xa" được dán trên kính cửa sổ ở Rennes, Pháp, hôm 24/3. Ảnh: AFP.

Dòng chữ tiếng Pháp có nghĩa "tôi yêu bạn từ xa" được dán trên kính cửa sổ ở Rennes, Pháp, hôm 24/3. Ảnh: AFP.

"Những số liệu này cho thấy nếu có cơ hội nhận được sự hỗ trợ, con người có thể giảm thiểu phản ứng với căng thẳng", nhóm nghiên cứu viết.

Một nghiên cứu khác cho thấy việc ngắm nhìn hình ảnh người thân yêu có thể làm xoa dịu cảm giác đau đớn. Chỉ cần suy nghĩ về người có thể hỗ trợ, ủng hộ mình, phần vỏ não trước trán sẽ được kích hoạt và giúp vượt qua nỗi sợ.

Khi những người có nhiều mối quan hệ xã hội làm bài toán, huyết áp của họ thấp hơn và cơ thể cũng tiết ra ít chất liên quan đến tình trạng căng thẳng hơn.

Các nhà khoa học gọi đây là "hiệu ứng đệm". Cảm giác an toàn mà mọi người có được từ bạn bè và gia đình của họ cho phép họ đối mặt với tình huống căng thẳng bằng trạng thái "tâm sinh lý bình tĩnh hơn". Điều này có thể giúp hệ thống miễn dịch được củng cố.

Cách ly nhưng không cô đơn

Giới nghiên cứu đều bày tỏ quan ngại về tác hại của cách ly xã hội trong thời gian dài đối với người dân, đặc biệt là tác động lên sức khỏe tâm thần của những người có ít mối quan hệ xã hội.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào những người đang ở trong những mối quan hệ không lành mạnh có thể hạnh phúc được khi họ bị buộc phải ở nhà? Và liệu khi dịch bệnh qua đi, việc né tránh người lạ có trở thành thói quen và gây tác hại về lâu dài hay không?

 Một người phụ nữ gọi video tại nhà ở Turin, Italy, hôm 15/3. Ảnh: Getty.

Một người phụ nữ gọi video tại nhà ở Turin, Italy, hôm 15/3. Ảnh: Getty.

"Chúng ta đang sống trong thời kỳ rất khác biệt và đáng lo ngại, không chỉ ở cấp độ y sinh mà còn ở cấp độ tâm lý xã hội", nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Utah cho biết.

Giáo sư Holt-Lunstad cho rằng điều này khiến mọi người dành nhiều tâm sức hơn cho việc duy trì các mối quan hệ. Gọi điện, nhắn tin hay gọi video, vẫy chào hàng xóm hay thậm chí hát từ ban công là những biện pháp đang được người dân áp dụng để duy trì các liên kết xã hội.

Các nhà nghiên cứu cho rằng làm việc tử tế cũng là điều cần thiết. Các hoạt động như từ thiện có thể giúp giảm triệu chứng căng thẳng. Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng cách ly xã hội trong thời điểm này cũng được coi là sự hy sinh thể hiện lòng vị tha cho những người thân yêu.

Bệnh viện tổ chức buổi hòa nhạc cho bệnh nhân Covid-19 Tại bệnh viện Bệnh viện Myongji (Hàn Quốc), các nghệ sĩ violin đã đánh những bản nhạc cổ điển cho bệnh nhân Covid-19.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-te-va-yeu-thuong-de-giai-toa-cang-thang-vi-cach-ly-xa-hoi-post1069574.html