Điều thú vị về món ăn trong ngày đầu năm mới của một số quốc gia trên thế giới

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những bữa ăn đầu năm mới không chỉ là dịp để các thành viên gia đình sum họp bên nhau mà còn mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp sẽ tới. Tùy từng văn hóa, quan niệm mỗi nước mà những phong tục về bữa ăn dịp đầu năm mới cũng có sự khác biệt và độc đáo riêng.

Mì soba được xem là món ăn chính thức trong đêm giao thừa tại xứ sở Phù Tang, món này có tên gọi đầy đủ là toshikoshi soba, nghĩa là năm cũ đã qua. Sợi mì được làm bằng bột kiều mạch, thân mì thuôn dài tượng trưng cho cuộc sống trường thọ. Chính vì điều đó, khi người Nhật Bản dùng mì soba, họ không bao giờ cắt đứt sợi mì, mà ăn bằng cách húp sợi mì cho đến hết chiều dài thì mới thôi.

Loại canh năm mới này được nấu với bánh gạo, nước xương, thịt, hành hoa và một số loại rau khác. Trong ngày đầu năm, cả gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng nhau quây quần và thưởng thức món canh này, họ tin rằng nó sẽ mang lại may mắn và sức khỏe dồi dào. Đối với người Hàn Quốc, dịp năm mới cũng quan trọng như ngày sinh nhật, thế nên người ta cũng tin rằng món canh này sẽ đem đến thêm một năm tuổi thọ cho bất cứ ai ăn nó.

Bánh Rosca de Reyes là món bánh truyền thống của Mexico, được nướng với dạng hình vòng như chiếc nhẫn, và phủ trên nó là các loại kẹo trái cây. Ngoài ra, người ta còn đặt trong nhân bánh một món trang sức nhỏ hoặc một đồng xu. Bất cứ ai tìm thấy món đồ này trong phần bánh của mình, người ấy sẽ được may mắn trong năm đó.

Món tráng miệng này được làm từ bún dai và si-rô ngọt, nước hoa hồng hoặc nước chanh, được dùng trong nhiều dịp lễ tại vùng đất cổ Ba Tư, trong đó có dịp lễ năm mới.

Cá vốn là món phổ biến tại nhiều quốc gia trong dịp Tết. Thế nhưng người Ba Lan sử dụng món cá trích muối này vào lễ đón năm mới với niềm tin rằng nó sẽ đem lại một năm an khang thịnh vượng. Cá trích muối được ngâm trong nước trong 24h đồng hồ, sau đó đặt vào trong lọ với hành, gia vị, đường và giấm trắng.

Rượu whiskey là thứ không thể thiếu được lễ hội Hogmanay đón năm mới tại đất nước Scốt-len. Vào ngày này, mọi người sẽ cùng nhau đổ xô ra đường và uống rượu đón năm mới. Đúng nửa đêm, “người khách đầu tiên” sẽ đến thăm nhà, đó là khi những người hàng xóm mang theo đồ ăn thức uống để tặng cho nhau.

Ngay thời điểm mà đồng hồ điểm giữa đêm Giao thừa, người Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng ăn ngay 12 quả nho, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Mỗi quả nho mọng ngọt đại diện cho một tháng tốt lành, nếu nho chua thì tức là tháng đó sẽ không tốt.

Thông thường, người Thụy Điển và người Na Uy thường hay đặt một hạt hạnh nhân trong bánh pudding gạo, nếu ai tìm được nó thì được cho là năm mới sẽ thịnh vượng.

Người Italy ăn mừng ngày đầu năm mới với món ăn truyền thống là Cotechino con lenticchie (món hầm gồm xúc xích thịt heo và đậu lăng xanh) để đem lại nhiều may mắn cho cả năm. Trong đó, đậu lăng xanh có hình dạng giống những đồng xu, thể hiện cho sự may mắn và tiền bạc, còn thịt heo tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quả lựu mang sắc đỏ là tượng trưng cho may mắn. Theo truyền thống, mọi người sẽ đập những quả lựu đỏ mọng này vào cửa ra vào, và quả càng vỡ to thì sẽ càng nhiều may mắn đến trong năm mới.

Trong những ngày đầu năm, bữa cơm của các gia đình Singapore không thể thiếu món gỏi cá Yusheng – còn được gọi là gỏi thịnh vượng. Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng.

Người Hà Lan đón năm mới bằng những chiếc bánh rán phủ đường nhỏ, có tên là Oliebollen. Oliebollen mang ý nghĩa là “Old and New”, “cũ và mới”, tượng trưng cho những điều đã qua trong năm cũ và hướng đến những điều mới mẻ của năm sau.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dieu-thu-vi-ve-mon-an-trong-ngay-dau-nam-moi-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-post566881.antd