Điều tiết hàng hóa, giảm tải tại cảng Cát Lái

Ngày 1/8, tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện phương án điều tiết phân luồng giảm ùn ứ giao thông khu vực bến cảng Cát Lái, các đơn vị kiến nghị nhiều nội dung nhằm điều tiết hiệu quả hàng hóa giữa các cảng nhằm giảm tải tại cảng Cát Lái.

Hàng hóa từ cảng Cát Lái đã có sự dịch chuyển về các tỉnh khác. Ảnh: T.H

Chuyển dịch hàng hóa từ TPHCM ra Cái Mép

Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng qua một năm triển khai thực hiện phương án phân luồng điều tiết hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái và các bến cảng khác trong khu vực, trong đó có các bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã bảo đảm hợp lý, hiệu quả nhằm giảm áp lực giao thông cho TP HCM.

Thời gian qua, các đơn vị đã triển khai “Tổ công tác triển khai phương án phân luồng điều tiết vận tải hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái và các bến cảng khác trong khu vực” với việc tổ chức gặp các nhóm khách hàng từng khu vực thuyết phục phương án chuyển đổi cảng đích gần nhà máy thay vì tập trung về cảng Cát Lái.

Đồng thời kiến nghị, đề xuất kịp thời với các cơ quan chuyên ngành tại các cảng đảm bảo thuận lợi cho khách hàng yên tâm giao nhận hàng, các giải pháp điều tiết hàng hóa và tàu ra, vào các cảng...

Sở Giao thông vận tải TPHCM đã tích cực đẩy nhanh thi công, hoàn thiện hàng loạt các công trình trọng điểm đúng tiến độ, như: Nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 1; cầu qua Đảo Kim Cương; cầu, đường vành đai phía Đông - đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu...

Theo ông Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, là đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC và các bến cảng khu vực Cái Mép.

Cùng với đó, đơn vị cũng hoàn tất “Đề án hiện đại hóa thủ tục giao nhận tại cảng”, 100% khách hàng tới cảng đã thực hiện việc làm thủ tục giao nhận và thanh toán trực tuyến qua mạng. Trong đó việc giao nhận qua eDO (lệnh giao hàng điện tử của Hãng tàu) đạt 400-500 container/ngày, chiếm 8% tổng sản lượng container hàng nhập tại cảng Cát Lái. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ triển khai thực hiện lệnh giao hàng điện tử (eDO) với 100% hãng tàu, đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra, vào cảng.

Kết quả sau một năm triển khai, giao thông thông thoáng hơn. Trong đó, tốc độ xe container ra vào cảng chỉ tăng 4,3%, trong khi tốc độ tăng trưởng sản lượng tại cảng Cát Lái 8,3%; tỷ trọng giao nhận bằng đường thủy tăng từ 7,9% lên 10,4%. Tỷ lệ khách hàng giao nhận các cảng Cái Mép và Tân Cảng- Hiệp Phước tăng so với trước, một số khách hàng chuyển 100% hàng nhập từ cụm cảng Cái Mép về cảng Tân cảng Hiệp Phước thay vì cảng Cát Lái; hàng hóa từ Cái Mép chuyển về các cảng Bình Dương, Đồng Nai tăng đáng kể (sản lượng qua cảng Đồng Nai tăng 15,4%). Sản lượng container XNK các cảng Cái Mép trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tăng trên 23% so cùng kỳ, song sản lượng chuyển tải qua Cát Lái giảm hơn 6%.

Kiến nghị trang bị máy soi tại cụm cảng Cái Mép- Thị Vải

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, việc kết quả việc phân luồng hiệu quả hàng hóa giữa các cảng trong thời gian qua, giúp giảm tải tại cảng Cát Lái có sự hỗ trợ, tạo thuận lợi rất lớn từ cơ quan Hải quan.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, việc tạo thuận lợi, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Hải quan TPHCM. Qua đo thời gian cho thấy thời gian thông quan trong năm 2018 đã giảm 50%.

Tuy nhiên, chưa hài lòng với với kết quả này, Cục Hải quan TPHCM, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và doanh nghiệp đã cùng bàn giải pháp và thực hiện việc thông quan hàng hóa trước khi tàu cập cảng, hàng không phải hạ bãi. Cùng với đó, Cục Hải quan TPHCM và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn triển khai đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái.

Tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, các Hãng tàu, chủ hàng đề xuất, kiến nghị tới các bộ, ngành liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong thời gian tới tại khu vực TPHCM và Cái Mép, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Trong đó, các đại biểu kiến nghị ngành Hải quan trang bị máy soi container hàng hóa cho cụm cảng Cát Mép – Thị Vải. Bởi vì, trong thời gian qua, hàng hóa thông qua các cảng này đã tăng lên đáng kể.

kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải TP HCM bỏ quy định khống chế số chuyến tàu 81 chuyến/tuần cập cảng Cát Lái (bao gồm cả cảng Tân cảng Phú Hữu) và quy định không cho các hãng tàu tăng kích cỡ tàu tại Cát Lái (theo văn bản số 622/CHHVN-VTDVHH ngày 09/2/2018) vì hiện nay đường vào cảng Cát Lái đã thông thoáng và quy định ảnh hưởng tới khai thác của các hãng tàu cũng như làm gia tăng chi phí của khách hàng.

Cục Hải quan TP HCM cùng Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thúc đẩy tiến độ triển khai Chuyên đề “Thủ tục hải quan trong logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”; giải quyết dứt điểm các tồn tại của chương trình Hải quan tự động, hàng tồn phế liệu.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sớm triển khai giai đoạn 2 hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy theo thiết kế; đẩy nhanh tiến độ tuyến đường Vành đai 2 cùng các giải pháp giao thông khác đảm bảo giảm thiểu các nút giao cắt phương tiện trên đường vào Cảng và an toàn cho người tham gia giao thông...

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dieu-tiet-hang-hoa-giam-tai-tai-cang-cat-lai-109108.html